Tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đúng đối tượng thực hiện, thụ hưởng

Hà Nội có 555/579 xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96%. Nhiều quận, huyện, thị xã có số phường, xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 100%.

Các cơ quan báo chí đã truyền thông hiệu quả về xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: hanoi.gov.vn

Các cơ quan báo chí đã truyền thông hiệu quả về xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: hanoi.gov.vn

Chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật

Thông tin tại phiên họp sơ kết 6 tháng đầu năm và định hướng nhiệm vụ trọng tâm công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) 6 tháng cuối năm, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương - Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố Hà Nội cho biết: Thành ủy, UBND Thành phố và cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tập trung chỉ đạo khẩn trương, quyết liệt, công tác PBGDPL, hòa giải ở cơ sở đã bám sát chủ đề công tác năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Qua đó, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố.

Sở Tư pháp đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND ngày 29/01/2024 đẩy mạnh thông tin, truyền thông Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô 2024 sau khi được Quốc hội thông qua và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua đó, phổ biến rộng rãi Dự thảo Luật đến các tổ chức và người dân, tạo sự thống nhất và đồng thuận của các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài nước về Luật Thủ đô.

Để tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô trong thời gian tới, Sở Tư pháp đang tham mưu xây dựng chương trình PBGDPL về Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành; tham mưu Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm, toàn Thành phố đã tiếp nhận tổng số 1.311 vụ việc hòa giải (giảm số vụ việc so với cùng kỳ năm 2023 là 1.608 vụ việc hòa giải), đã tiến hành hòa giải thành công 1.055/1.243 vụ việc (đạt tỷ lệ 84.88%), 68 vụ việc đang tiến hành hòa giải.

Mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” (đạt tỷ lệ 78.49%) ngày càng phát huy hiệu quả, gắn công tác hòa giải ở cơ sở với phương châm dân vận khéo và các mô hình tự quản cộng đồng tại địa phương.

6 tháng đầu năm 2024, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, pháp luật qua phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống truyền thanh ở cơ sở, Cổng/Trang thông tin điện tử của các đơn vị.

Nhằm đẩy mạnh ứng dục công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL, Sở Tư pháp xây dựng video hướng dẫn quy trình cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng định danh và xác thực điện tử VNeID trên địa bàn Hà Nội và đã có công văn gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan báo, đài Thành phố tuyên truyền video hướng dẫn cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên VNeID trên địa bàn Hà Nội.

Việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên thiết bị điện tử theo mô hình “Cầu thang pháp luật” và màn hình LED tại các nhà cao tầng, khu đô thị tiếp tục được duy trì. Ngày 30/5/2024, Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố đã có công văn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị và UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên thiết bị điện tử theo mô hình “Cầu thang pháp luật” và màn hình LED.

Phó Cục trưởng Cục PBGDPL Phan Hồng Nguyên (Bộ Tư pháp) đánh giá, Hà Nội là điểm sáng trong công tác PBGDPL, hòa giải cơ sở, chuẩn tiếp cận pháp luật. Lãnh đạo UBND TP luôn quan tâm, chỉ đạo công tác tuyên truyền, PBGDPL.

Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội đã tham mưu UBND TP trình HĐND TP về mức chi cho cho công tác PBGDPL, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở. Có thể thấy, nội dung tuyên truyền PBGDPL 6 tháng qua của Hà Nội đa dạng, trong đó, tập trung truyền thông phổ biến các luật mới ban hành, vấn đề dư luận quan tâm như: Đề án 06 về “phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Dự án đường Vành đai 4, cấp Phiếu Lý lịch tư pháp; ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền PBGDPL. Các cơ quan báo chí đã truyền thông hiệu quả về xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), nhiều mô hình tuyên truyền pháp luật thiết thực và phát huy vai trò của luật sư, luật gia trong tuyên truyền PBGDPL..

Tập trung triển khai tuyên truyền Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn

Chủ tịch Hội đồng Phối hợp PBGDPL Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đánh giá, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí của Hà Nội và Trung ương trong truyền thông Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), góp phần quan trọng vào việc dự thảo Luật được thông qua. Để động viên kịp thời, Thành phố sẽ có khen thưởng, tôn vinh các cá nhân và tập thể thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Để nâng cao hơn nữa công tác phối hợp trong truyên truyền giữa các sở, ban, ngành, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn đề nghị, trong các tháng cuối năm 2024, Hội đồng tập trung triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm:

Tuyên truyền một cách bài bản, có hệ thống, mục tiêu đặt ra là cả hệ thống chính trị và Nhân dân hiểu được quyền lợi, nghĩa vụ của mình đối với các chủ trương, chính sách pháp luật. Sở Tư pháp xây dựng kế hoạch tuyên truyền: rõ nhiệm vụ, rõ hình thức, rõ nội dung, rõ nguồn kinh phí; hoàn thành kế hoạch trong tháng 8, để tháng 9 toàn Thành phố sẽ khởi động tuyên truyền phổ biến pháp luật, chính sách trên tất cả các mặt trận.

Sở Tư pháp xây dựng văn bản hướng dẫn các đơn vị thành viên hướng dẫn đặt hàng tuyên truyền PBGDPL với các cơ quan báo chí Thành phố và Trung ương; rà soát điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp, nhiệm vụ nào không khả thi sẽ điều chỉnh, thu hồi, lấy kinh phí tập trung cho nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, chuẩn bị đội ngũ báo cáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai thi hành Luật Thủ đô và các Luật khác thật hiệu quả. Tận dụng cơ sở vật chất, các bảng biển hiệu LED để tuyên truyền PBGDPL tại các nơi công cộng.

Đối với Luật Thủ đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn yêu cầu đến hết tháng 8/2024 phải xây dựng xong kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật một cách bài bản, hệ thống; đảm bảo toàn hệ thống chính trị, toàn quân, toàn dân hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mình trong Luật để triển khai thực hiện hiệu quả nhất.

Từ tháng 9/2024 phải có sự chuyển động của toàn Thành phố trong tuyên truyền, phổ biến Luật Thủ đô năm 2024, chuẩn bị cho ngày 01/01/2025, Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực. Đồng thời, các đơn vị cần chuẩn bị thật tốt đội ngũ báo cáo viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị để triển khai tuyên truyền Luật Thủ đô và các văn bản hướng dẫn Luật, ông Lê Hồng Sơn yêu cầu.

Trên cơ sở các quy định của Luật, các đơn vị, địa phương chủ động xây dựng nội dung tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cụ thể, phù hợp với lĩnh vực phụ trách, phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông phổ biến quy định của Luật đến đúng đối tượng thực hiện, thụ hưởng./.

THÙY LÊ

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tuyen-truyen-pho-bien-phap-luat-den-dung-doi-tuong-thuc-hien-thu-huong-33771.html