Tuyên truyền sâu rộng về lợi ích, ý nghĩa của định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến
Quận Hoàn Kiếm có tổng số người tham gia dự thi là 59.651 người, là một trong những quận, huyện có tỷ lệ số lượng bài dự thi nhiều nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội (xếp thứ 7/30 quận, huyện) với tỷ lệ 83,5% tổng dân số từ đủ 14 tuổi trở lên tham gia dự thi…
Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến”:
Góp phần làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật
Ngày 5/9/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2022/NĐ-CP quy định về định danh và xác thực điện tử, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/10/2022. Theo đó, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân Việt Nam có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD), có giá trị cung cấp thông tin trong các loại giấy tờ của công dân đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối chiếu khi thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình giấy tờ đó.
Người dân sau khi kích hoạt tài khoản định danh điện tử mức 1, mức 2 thành công có thể đăng nhập và sử dụng các chức năng, tiện ích trên ứng dụng VNeID như: giải quyết dịch vụ công trực tuyến: thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng; các tính năng nổi bật: ví giấy tờ, thông báo lưu trú, tố giác tội phạm...giúp công dân có thể thay thế CCCD gắn chíp và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng VneID như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...
Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo, đơn giản hóa một số thủ tục hành chính, thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền... giảm thời gian đi lại của công dân và tăng cường tính chính xác, nhanh chóng các hoạt động nghiệp vụ.
Để phát huy vai trò, vị trí, giá trị của định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến; nhằm tuyên truyền sâu rộng về lợi ích, ý nghĩa của định danh điện tử và thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công; triển khai kế hoạch của UBND thành phố, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND ngày 25/5/2023 về tổ chức cuộc thi trên địa bàn quận và Quyết định số 1641/QĐ-UBND ngày 25/7/2023 về thành lập Ban Tổ chức cuộc thi; Quyết định số 86/QĐ-BTC ngày 6/9/2023 về việc thành lập Ban Giám khảo và Tổ Thư ký cuộc thi và các văn bản hướng dẫn, triển khai Cuộc thi.
Trong khuôn khổ Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam do quận Hoàn Kiếm tổ chức, đại diện lãnh đạo Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, cuộc thi đã thu hút được sự hưởng ứng, tham gia đông đảo của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên và nhân dân. Công an quận đã quán triệt và yêu cầu 100% cán bộ, chiến sỹ tham gia cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến”, phát huy vai trò nòng cốt, nêu gương, đi đầu để người dân trên địa bàn noi theo.
Theo thống kê, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có tổng số người tham gia dự thi là 59.651 người, là một trong những quận, huyện có tỷ lệ số lượng bài dự thi nhiều nhất trên địa bàn thành phố (xếp thứ 7/30 quận, huyện) với tỷ lệ 83,5% tổng dân số từ đủ 14 tuổi trở lên tham gia dự thi.
Đại diện lãnh đạo Công an quận Hoàn Kiếm đã tích cực tham gia và phát huy vai trò là thành viên Ban Tổ chức và Ban Giám khảo cuộc thi; đã thực hiện chấm bài thi nghiêm túc theo 2 vòng chấm chéo để tạo sự công bằng, khách quan và lựa chọn ra 30 bài dự thi có điểm số cao nhất gửi về Ban Tổ chức cuộc thi thành phố trong đó bao gồm 20 bài dự thi của thí sinh trên 18 tuổi và 10 bài dự thi của thí sinh từ 14-18 tuổi.
Bài thi của quận Hoàn Kiếm hiện đang được Ban Giám khảo cuộc thi thành phố xem xét lựa chọn để trao giải cấp thành phố. Thông qua cuộc thi đã góp phần làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật, trang bị kiến thức pháp luật của cán bộ, công chức, các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn quận về định danh điện tử, xác thực điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong thực hiện, giải quyết các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Các giải pháp làm sạch dữ liệu thông tin dân cư
Theo Công an quận Hoàn Kiếm, thời gian qua tỷ lệ thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công trên địa bàn quận đạt trên 95%. Đạt được kết quả trên là do sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, doan nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và sự đồng tình, ủng hộ, hưởng ứng tham gia của nhân dân trên địa bàn quận. Tuy nhiên quá trình thực hiện còn một số nguyên nhân tồn tại, hạn chế như sau:
Hiện nay trên địa bàn quận, số lượng công dân chưa được kích hoạt định danh điện tử mức 1, 2 là các trường hợp già yếu, không có nhu cầu, trường hợp công dân vắng mặt tại địa phương nhưng rõ địa chỉ nơi đến tại tỉnh/thành phố khác (đã vận động nhiều lần).
Tỷ lệ người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mặc dù được nâng lên nhưng chưa tương xứng với tình hình thực tế, một phần là do công tác tuyên truyền của Công an các phường về nội dung này chưa thường xuyên, nên nhiều người dân chưa nắm được những tiện ích, quyền lợi được hưởng khi thực hiện các thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công
Chưa thường xuyên thực hiện công tác tuyên truyền về giá trị, tiện ích của tài khoản định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến; vận động người dân sử dụng ứng dụng VNeID, thực hiện dịch vụ công trực tuyến nên vẫn còn tình trạng người dân nhận thức chưa đúng đắn về nội dung này
Để tiếp tục phát huy lợi ích, tiện ích của định danh điện tử và dịch vụ công trực tuyến trong thời gian tới. Công an quận Hoàn Kiếm đề xuất, kiến nghị một số giải pháp như sau:
Tập trung tuyên truyền đến các thành viên tổ công tác triển khai Đề án 06 các phường, người dân sinh sống, làm việc và học tập trên địa bàn; cán bộ, công nhân viên chức đang làm việc tại các cơ quan, tổ chức trên địa bàn; Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân phố về lợi ích, tiện ích của việc đăng ký tài khoản định danh điện tử, sử dụng ứng dụng VNEID và dịch vụ công trực tuyến theo phương châm “cầm tay chỉ việc”; “công dân hiểu, công dân thực hiện và công dân truyền thông”.
Nâng cao chất lượng đội ngũ, chất lượng phục vụ tại Bộ phận Một cửa, đảm bảo mục tiêu “lấy sự hài lòng của người dân là thước đo đánh giá”, thường xuyên tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ đối với các dịch vụ công được kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trước khi đưa vào vận hành đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính của người dân được thuận lợi và hiệu quả.
Tiếp tục thực hiện các giải pháp làm sạch dữ liệu thông tin dân cư trong hệ Cơ sở Dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”; tổ chức thu nhận hồ sơ cấp CCCD gắn chíp, tài khoản định danh điện tử cho công dân với thủ tục nhanh, gọn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân. Góp phần thực hiện việc kết nối, tích hợp, khai thác, ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ CCCD gắn chíp phục vụ việc giải quyết thủ tục hành
Để đẩy mạnh hiệu quả của cổng Dịch vụ công cần phải cập nhật, thay đổi cách tạo lập tài khoản trên cổng Dịch vụ công bằng số CCCD và đơn giản hóa các thao tác cũng như giao diện đăng ký các thủ tục về đăng ký cư trú và cấp CCCD để người dân dễ hiểu, dễ thực hiện. Nhanh chóng triển khai việc thanh toán phí trên môi trường điện tử góp phần thực hiện có hiệu quả các thủ tục hành chính trên cổng Dịch vụ công.
Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn cho cán bộ công chức, viên chức, lực lượng Công an trong việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, về quy trình thực hiện số hóa, phân loại nguồn dữ liệu cần tập trung số hóa và đảm bảo quy định về an ninh an toàn, bảo mật thông tin cá nhân.