Tuyên truyền và cập nhật kiến thức pháp luật cho các đoàn viên thanh niên
Sáng 13/11, Chi đoàn Vụ Pháp chế - Vụ Hợp tác quốc tế (Kiểm toán nhà nước) tổ chức Tọa đàm Tuyên truyền pháp luật Việt Nam 2024.
Tham dự Tọa đàm có Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Kiểm toán nhà nước Đỗ Xuân Bách, đại diện các Chi đoàn Cục Công nghệ thông tin, Chi đoàn Văn phòng Kiểm toán nhà nước; cùng 30 đoàn viên Chi đoàn Vụ Pháp chế - Vụ Hợp tác quốc tế.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Kiểm toán nhà nước Đỗ Xuân Bách ghi nhận và đánh giá cao Chi đoàn Vụ Pháp chế - Vụ Hợp tác quốc tế lựa chọn chủ đề và tổ chức Tọa đàm. Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) không chỉ là ngày để tôn vinh giá trị của luật pháp, mà còn là lời nhắc nhở công dân và các tổ chức có ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện và bảo vệ pháp luật.
Pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội, mà còn là kim chỉ nam giúp duy trì trật tự, công bằng và an toàn cho mỗi người dân, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, hiện đại và phát triển bền vững. Với vai trò là đoàn viên thanh niên, đặc biệt là đoàn viên của Chi đoàn Vụ Pháp chế - Vụ Hợp tác quốc tế, chúng ta cần phải nắm vững và tiên phong trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đồng thời, không ngừng trau dồi kiến thức pháp luật, sáng tạo ra trong cách thức tuyên truyền để pháp luật đến gần hơn với từng người dân - đồng chí Đỗ Xuân Bách nhấn mạnh.
Thông qua Tọa đàm, các đoàn viên thanh niên phát huy tính tích cực, tự học tập, tìm hiểu luật pháp, góp phần nâng cao nhận thức và chấp hành pháp luật, nâng cao hiệu quả xây dựng, thi hành và bảo vệ luật pháp. Bên cạnh đó, tăng cường năng lực phản ứng với chính sách trong quá trình tổ chức thực thi pháp luật, tạo môi trường thuận lợi cho tổ chức và hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh truyền thông chính sách, góp phần tạo ra sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện luật pháp.
Tại Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp - Bí thư Chi đoàn Vụ Pháp chế - Vụ Hợp tác quốc tế đã phổ biến Luật Giao dịch điện tử năm 2023 (Luật GDĐT) và Luật Căn cước năm 2023.
Luật GDĐT năm 2023 gồm có 8 chương, 53 điều, trong đó kế thừa có sửa đổi, bổ sung 33 điều, quy định mới 18 điều so với Luật GDĐT năm 2005. Qua đó, Luật GDĐT giải quyết những vướng mắc trong quy định hiện hành về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, tạo cơ sở pháp lý, bảo đảm triển khai GDĐT an toàn, tin cậy, có giá trị pháp lý trên không gian mạng.
Đặc biệt, Luật GDĐT năm 2023 có 12 điều quy định về chữ ký điện tử và dịch vụ tin cậy trong GDĐT; 06 điều quy định về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử, nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; 05 điều quy định về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; 04 điều quy định về các loại hệ thống thông tin; 02 điều quy định về nội dung quản lý nhà nước và trách nhiệm quản lý nhà nước về GDĐT…
Các quy định nêu trên là cơ sở pháp lý quan trọng để thúc đẩy GDĐT toàn trình, tối ưu hóa, rút ngắn thời gian xử lý, thuận tiện hơn và có thể sử dụng thay thế giao dịch truyền thống. Đồng thời, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thực hiện hợp đồng điện tử; luật hóa vai trò của các nền tảng số quốc gia; quy định rõ chính sách chia sẻ dữ liệu, giám sát, kiểm tra, thanh tra trực tuyến…
Luật Căn cước năm 2023 gồm 07 chương, 46 điều, quy định về: Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm điều kiện cho hoạt động quản lý căn cước, định danh và xác thực điện tử…
Thảo luận về 2 Luật trên, các đoàn viên đặt nhiều câu hỏi liên quan đến chữ ký điện tử, tính xác thực, tin cậy và bảo mật thông tin. Đây không chỉ là những thông tin liên quan trực tiếp đến mỗi cá nhân mà còn rất cần thiết cho hoạt động kiểm toán trong bối cảnh cả nước đang đẩy mạnh số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội.