Tuyên truyền, xử lý xe chở quá tải mùa thu hoạch mía
Từ đầu mùa vụ thu hoạch mía, các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải, chủ phương tiện, lái xe đã được lực lượng Công an tỉnh tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết không chở quá khổ, quá tải.
Vùng nguyên liệu mía đường tỉnh Tây Ninh năm 2024 có diện tích canh tác khoảng 16.800 ha, sản lượng ước đạt trên 1,1 triệu tấn, đang bắt đầu vào mùa thu hoạch. Đây là thời điểm lưu lượng xe tải, xe công nông vận chuyển mía tăng mạnh, trong đó có nhiều xe chở quá khổ, quá tải trọng, không chỉ làm hư hỏng hệ thống đường giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Để kiểm soát tình trạng xe chở quá khổ quá tải, ngay từ đầu mùa vụ thu hoạch mía, các doanh nghiệp, hiệp hội vận tải, chủ phương tiện, lái xe đã được lực lượng Công an tỉnh tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết không chở quá khổ, quá tải. Các lực lượng cũng tăng cường xử lý các hành vi vi phạm, góp phần đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ hệ thống đường giao thông trên địa bàn.
Thượng tá Cao Thanh Vũ, cán bộ Đội Tuyên truyền điều tra giải quyết tai nạn và xử lý vi phạm giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, những năm qua, mỗi khi bước vào vụ thu hoạch mía, người dân trên địa bàn tỉnh thường xuyên phản ánh về vấn đề các phương tiện vận chuyển mía tham gia giao thông không bảo đảm an toàn. Trước tình trạng này, ngành chức năng cũng tăng cường tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát xử lý đối với các tài xế vận chuyển mía nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho người dân.
Lái xe Nguyễn Văn Khẩn (50 tuổi, ngụ xã Tân Hưng, huyện Tân Châu) là lái xe có trên 10 năm kinh nghiệm chở cây mía nguyên liệu chia sẻ, cứ đầu vụ ép, ông và các tài xế đều được Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tuyên truyền, vận động tuân thủ quy định về an toàn giao thông. Bản thân ông đã tự nguyện ký cam kết không thực hiện cơi nới thành thùng xe, không chở hàng quá khổ, quá tải, nhằm giúp bản thân và nhiều người an toàn khi tham gia giao thông; góp phần bảo vệ hệ thống đường giao thông.
Lái xe Phạm Trung Vĩnh (45 tuổi, ngụ phường Hiệp Ninh, thành phố Tây Ninh) hành nghề lái xe chở cây mía nguyên liệu gần 20 năm cũng cho biết, hiện nay giá xăng dầu tăng cao, chi phí vận chuyển lại thấp, do đó nhiều tài xế dù biết vi phạm nhưng vẫn chở thêm hàng để bù chi phí xăng dầu. Anh Vĩnh kiến nghị các nhà máy đường xem xét tăng giá cước vận chuyển nhằm san sẻ bớt chi phí vận chuyển cho người nông dân.
Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất, Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa Thái Bá Hòa cho biết, vụ mía năm nay, đơn vị thu mua khoảng hơn 1,1 triệu tấn. Vào đầu mỗi mùa vụ, Công ty đều xây dựng chính sách thu mua mía của nông dân tại bàn cân của nhà máy, giá cước vận chuyển do người dân chi trả. Việc xây dựng giá cước là cơ sở để người dân tham khảo và trả cho lái xe dựa trên số km, tiêu hao nhiên liệu, cung đường, khối lượng… Để bảo đảm an toàn giao thông, khi vào vụ sản xuất, Công ty sẽ gửi công văn đến các chủ mía, chủ xe, tài xế về việc tuân thủ các quy định khi vận chuyển mía đến nhà máy, nhất là không được vận chuyển mía quá tải, quá khổ; đi đúng tốc độ, đi vào giờ thấp điểm, tránh đi thành đoàn, chấp hành các quy định pháp luật...
Thượng tá Trương Thành Lập, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết, ngay từ đầu vụ mía năm nay, lãnh đạo Công an tỉnh đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tăng cường tuyên truyền pháp luật về trật tự an toàn giao thông; kết hợp phổ biến một số nội dung mới của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ số 36/2024/QH15 ngày 27/6/2024, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 để lái xe, chủ phương tiện biết. Qua đó, nâng cao nhận thức về chấp hành Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và ý thức tham gia giao thông của lái xe và chủ phương tiện, đảm bảo an toàn giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh đã đề nghị các nhà máy sản xuất mía đường, tạo điều kiện cho các tài xế chở mía về nhà máy vào giờ thấp điểm (từ 22 giờ đến 5 giờ hôm sau) để hạn chế nguy cơ mất an toàn giao thông. Bên cạnh làm tốt công tác tuyên truyền, Công an tỉnh và Công an các huyện, thị xã, thành phố sẽ tăng cường tuần tra, kiên quyết xử lý nghiêm theo quy định đối với các trường hợp cơi nới thành, thùng xe, chở quá khổ, quá tải, vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Trong 11 tháng năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh Tây Ninh đã mở 5 đợt cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông; tổ chức 14.124 ca tuần tra, kiểm soát với 46.930 lượt cán bộ, chiến sỹ tham gia; phát hiện, xử lý 14.007 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông; thu nộp hơn 35,3 tỷ đồng, tước 3.061 giấy phép lái xe, tạm giữ 7.413 phương tiện. Tuy nhiên, tình hình tai nạn giao thông vẫn xảy ra với 382 vụ, làm chết 224 người, bị thương 235 người (tăng 2 tiêu chí); tăng 103 vụ, giảm 19 người chết và tăng 154 người bị thương so với cùng kỳ năm 2023.