Tuyển Việt Nam và những 'vướng mắc' cần tháo gỡ để vào chung kết ASEAN Cup 2024
'Binh đoàn Rồng Vàng' đang bước vào giai đoạn chạy nước rút nhằm khắc phục những điểm yếu và hoàn thiện đội hình để hướng tới mục tiêu lọt vào trận Chung kết của giải đấu cấp khu vực ASEAN Cup 2024.
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) "trước sau như một" hướng đến mục tiêu cùng Đội tuyển Việt Nam phấn đấu đi đến trận Chung kết của đấu trường khu vực Đông Nam Á - ASEAN Mitsubishi Electric Cup (tiền thân là AFF Cup) 2024, khởi tranh vào ngày 8/12 tới.
Tuy nhiên trước thời điểm khai mạc của giải đấu, người hâm mộ bóng đá nước nhà đang bộn bề nỗi lo khi huấn luyện trưởng Kim Sang-sik vẫn loay hoay với những mảnh ghép, dù đã có gần 5 tháng thử nghiệm...
Chưa loại bỏ được sức ì
Khởi đầu đầy hứa hẹn khi giúp Đội tuyển Việt Nam giành chiến thắng 2-1 trước đối thủ Philippines trong trận đầu cầm quân, huấn luyện viên Kim Sang-sik được kỳ vọng sẽ giúp "Những Chiến binh Sao Vàng" từng bước khôi phục vị thế ở khu vực Đông Nam Á.
Vậy nhưng sau màn "đề pa" thuận lợi, nhà cầm quân người Hàn Quốc dần cảm nhận được sức nóng từ chiếc ghế huấn luyện viên trưởng, khi Tuyển Việt Nam một lần nữa trải qua mạch... không thắng từ giải đấu chính thức (thua 1-3 trước Iraq) đến các trận đấu giao hữu trong khuôn khổ FIFA Days (lần lượt thua 0-3 trước Nga, thua 1-2 trước Thái Lan và hòa 1-1 với Ấn Độ).
Đáng nói, trong khi những trận thua trước hai đối thủ có trình độ vượt trội là Iraq và Nga không khó để dự đoán, thì thất bại trước "đội hình 2" gồm nhiều cầu thủ trẻ của Thái Lan và mới nhất là trận hòa với tuyển Ấn Độ - đối thủ kém chúng ta 6 bậc trên bảng xếp hạng FIFA (125 so với 119) khiến các cổ động viên ngày càng hoài nghi về khả năng thành công của đội tuyển nước nhà ở giải đấu cấp khu vực.
Dù đã mạnh dạn thử nghiệm những "quân bài" mới trong các đợt tập trung như Lê Phạm Thành Long, Tô Văn Vũ, Bùi Vĩ Hào hay Châu Ngọc Quang... song chừng đó nỗ lực của vị thuyền trưởng người Hàn Quốc vẫn chưa đủ để tạo ra sự khởi sắc trong tập thể Đội tuyển Việt Nam - vốn đang tồn tại một sức ì tương đối lớn, vì nhiều lý do.
"Tôi cho rằng huấn luyện viên Kim Sang-sik chưa tạo được dấu ấn đáng kể nào, cả về mặt con người và lối chơi. Vẫn cố định một bộ khung cũ từ thời huấn luyện viên Park Hang-seo, tuy nhiên dàn cầu thủ này đã không còn duy trì được động lực như trước. Đặc biệt trong những trận đấu gần đây, tuyến giữa của tuyển Việt Nam có hiện tượng lười di chuyển, khiến các hậu vệ gặp khó trong việc phát triển bóng và toàn đội không xây dựng được những mảng miếng tấn công," bình luận viên Vũ Quang Huy phân tích.
Chờ V-League "rèn" thể lực cầu thủ
Sau hai đợt giao hữu dịp FIFA Days tháng Chín và tháng Mười vừa qua, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và huấn luyện viên trưởng Kim Sang-sik đã thống nhất kế hoạch: Đội tuyển Việt Nam sẽ không tập trung theo lịch FIFA Days tháng 11. Thay vào đó, "Binh đoàn Rồng Vàng" sẽ có đợt tập huấn và thi đấu giao hữu tại Hàn Quốc.
Theo lý giải của "thầy" Kim, đây là quyết định nhằm duy trì và ổn định nhịp vận động cũng như phong độ của các cầu thủ ở đấu trường V-League. Ngoài ra, quãng nghỉ FIFA Days tháng 11 cũng sẽ giúp ban huấn luyện có quỹ thời gian nhiều hơn để hoàn thiện nhân sự, ổn định đội hình và lối chơi, hướng tới mục tiêu đã đề ra là phấn đấu đi đến trận chung kết của đấu trường khu vực.
"V-League là nền tảng tạo nên chất lượng cầu thủ Việt. Do đó, việc các trận đấu ở V-League diễn ra đều đặn hơn trong thời gian tới sẽ giúp cải thiện được phong độ và đặc biệt là thể lực - yếu tố mà toàn đội đã tỏ ra thiếu hụt, điển hình là ở trận gặp Ấn Độ khi các cầu thủ xuống sức rõ rệt ở cuối trận và phải nhận bàn thua đáng tiếc," huấn luyện viên Đoàn Minh Xương chia sẻ.
Bên cạnh bài toán nâng cao thể lực, nhiệm vụ giải tỏa tâm lý và nâng cao tinh thần thi đấu cho các cầu thủ trước thềm giải đấu lớn cũng là mục tiêu mà huấn luyện viên Kim Sang-sik cùng các cộng sự cần hoàn thành trong quãng nghỉ FIFA Days tháng 11 tới.
"Việc tuyển Việt Nam không tham gia các trận giao hữu sẽ giúp huấn luyện viên Kim Sang-sik có thêm thời gian để tối ưu đội hình và chiến thuật, định hình được lối chơi và bộ khung lực lượng. Đây là 'khoảng lặng' cần thiết để nhà cầm quân Hàn Quốc sàng lọc và đưa ra những đánh giá về năng lực của từng cầu thủ, từ đó tính toán những chiến lược phù hợp nhằm giải quyết lần lượt từng đối thủ, giảm bớt áp lực cho các học trò," bình luận viên Quang Huy nhận định.