Tuyệt chiêu lướt ván trên bùn lầy, bắt con cá biết leo cây ở Thanh Hóa

Khi thủy triều xuống, người dân vùng biển ở xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) lại mang theo đồ nghề ra các cánh rừng ngập mặn để bắt cá còi, hay còn gọi là 'cá leo cây'.

Nghề bắt cá còi có từ bao giờ, người dân vùng ven biển chẳng ai nhớ rõ. Họ chỉ biết rằng, cứ mỗi lần thủy triều xuống là người dân lại kéo nhau ra bãi bồi ở rừng sú, vẹt để bắt cua, cá... Và cứ thế, ngày này qua tháng khác, nó trở thành một nghề.

Khi thủy triều xuống, ở bãi bồi có nhiều thứ để người dân “thu hoạch”. Nhưng sản phẩm có giá trị nhất phải kể đến đó là cá còi. Cá còi được người dân nơi đây gọi là con “kỳ dị”, bởi nó không chỉ biết bơi, lặn, biết chạy mà còn leo được lên cây để kiếm thức ăn.

Khi thủy triều xuống người dân lại ra khu rừng ngập mặn để đánh bắt. Ảnh: Lê Dương

Khi thủy triều xuống người dân lại ra khu rừng ngập mặn để đánh bắt. Ảnh: Lê Dương

Anh Vũ Văn Độ, một người có thâm niên trong nghề bắt cá còi cho biết, loài cá này được người dân gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Cá còi, cá thòi lòi, cá leo cây, cá có chân… Vì được cho là cá “dị”, nên trước đây người dân không bắt về ăn. Sau loại cá này lại được ưa chuộng và là đặc sản, có giá trị kinh tế cao.

Theo anh Độ, bắt loài cá này rất vất vả. Để bắt được chúng, người dân phải lội bùn sâu khoảng 40-50cm, có khi phải lội cách bờ chừng 1km. Vì là cá có chân, khi thấy động, cá còi chạy rất nhanh nên người dân rất khó để bắt nó.

Các thợ "ăn" cá đang lướt ván trên bùn lầy. Ảnh: Lê Dương

Các thợ "ăn" cá đang lướt ván trên bùn lầy. Ảnh: Lê Dương

“Người dân đi bắt con cá này phải tùy theo con nước. Thông thường, một tháng khoảng 15 ngày người dân đi 'săn'", anh Độ chia sẻ. "Thợ săn" phải lội bùn suốt nhiều giờ, thành quả thu được khoảng 2-3kg, giá bán hiện là 250.000 đồng/kg.

Những người dân ở đây cho biết, ngày xưa khi đi bắt loài cá này họ chủ yếu lội bùn. Do di chuyển chậm nên hiệu quả không cao, cả ngày may ra chỉ bắt được khoảng 1kg cá.

Từ cái khó, các “thợ săn” cá đã suy nghĩ và chế tạo một tấm ván, đục lỗ để vừa 4 cái chân và hai thanh tre bắc ngang, đan thêm một chiếc lưới bằng cước phía trên để đồ... là có thể lướt được trên mặt bùn. Ván trượt dài khoảng 1,6 – 1,8m, có thể di chuyển với vận tốc khoảng 20 km/giờ, tùy vào sức đẩy của mỗi người.

Người dân dùng bẫy để bắt cá còi. Ảnh: Lê Dương

Người dân dùng bẫy để bắt cá còi. Ảnh: Lê Dương

Những con cá còi dính bẫy. Ảnh: Lê Dương

Những con cá còi dính bẫy. Ảnh: Lê Dương

Cá còi trở thành loài đặc sản có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Lê Dương

Cá còi trở thành loài đặc sản có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Lê Dương

Theo người dân nơi đây, muốn bắt được loài cá này, trước tiên phải có con mắt quan sát tinh nhanh. Ngoài khả năng chạy nhanh, cá còi còn khó phát hiện bởi có màu nâu đất giống màu bùn.

Để kiếm được con cá, người dân cũng phải đối mặt với muôn vàn rủi ro. Thông thường, bãi bồi ở khu rừng ngập mặn khi sóng biển vỗ vào và thủy triều lên kéo theo nhiều các loại rác thải, mảnh sành, mảnh thủy tinh… Khi lội bùn, các “thợ săn” phải dùng tay đào sâu xuống hang cá, nên có nguy cơ va vào các vật sắc nhọn, tứa máu.

Người dân phải đi giày lội bùn để tránh mảnh thủy tinh. Ảnh: Lê Dương

Người dân phải đi giày lội bùn để tránh mảnh thủy tinh. Ảnh: Lê Dương

Rửa ván sạch sẽ sau chuyến đi săn. Ảnh: Lê Dương

Rửa ván sạch sẽ sau chuyến đi săn. Ảnh: Lê Dương

Có hai cách để “săn” cá còi. Cách thông thường, người dân sẽ dùng tay để đào hang khi phát hiện cá. Đối với cách này, con cá còn sống, giá bán cao hơn nhưng hiệu quả săn bắt lại không cao. Cách làm này chỉ phù hợp với nữ giới.

Đối với nam giới, họ sẽ dùng ván lướt, đi cách bờ cả cây số và dùng bẫy kẹp để bắt cá, hiệu quả cao hơn, nhưng cá bị chết và giá bán sẽ giảm đi.

Những chiếc bẫy do ngư dân sáng tạo ra từ thân cây tre uốn cong. Bẫy cao khoảng 40cm, phía dưới dùng dây cước thắt nút thòng lọng, được đặt tại các hang cá. Khi cá ngoi lên tìm thức ăn, bơi qua sẽ vướng vào sợi dây và sập bẫy.

“Mùa săn cá còi bắt đầu từ khoảng sau tết Nguyên đán đến hết tháng 5 âm lịch hàng năm. Đây là thời điểm loài cá này sinh sôi nhiều và rất béo, nên người dân đi “săn” nhiều”, anh Độ cho biết.

Lê Dương

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tuyet-chieu-luot-van-tren-bun-lay-bat-con-ca-leo-cay-o-thanh-hoa-2288677.html