Tuyệt đối không để người dân đã được sơ tán quay lại nhà trong vùng có nguy cơ sạt lở
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn yêu cầu các địa phương phải sơ tán ngay các hộ dân ở vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất và tuyệt đối không để người dân quay trở lại nhà khi đang nằm trong vùng nguy hiểm.
Chiều nay (29/10), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành đi kiểm tra công tác ứng phó sạt lở núi và các điểm có nguy cơ sạt lở ở 2 huyện Nghi Xuân và Đức Thọ.
Đoàn công tác đã tới kiểm tra điểm sạt lở ở núi Dẻ, thôn 1, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân. Vụ sạt lở xảy ra lúc 8h sáng nay khiến một khối đất đá lớn bị nứt ra khỏi núi, nguy cơ đổ sập xuống nhà dân.
Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Nguyễn Hải Nam cho hay: Từ tối qua tới sáng nay, trên địa bàn có mưa to gió lớn và núi Dẻ từng xảy ra hiện tượng sạt lở đất nên địa phương đã sơ tán các hộ dân đến nơi an toàn.
Mưa lớn trong thời gian qua còn khiến các xã ven chân núi như Cổ Đạm, Xuân Lĩnh đối diện với nguy cơ sạt lở đất. Địa phương đã sơ tán các hộ dân tới nơi ở an toàn. Đồng thời, tiến hành dựng rào chắn và cử người túc trực, không cho người dân qua lại khu vực nguy hiểm.
Còn tại khu vực núi Dầu, thôn Thượng Tiến, xã Hòa Lạc, huyện Đức Thọ cũng có hiện tượng sạt lở.
Vào năm 2014, khu vực núi này đã từng xuất hiện các điểm đứt gãy nên trước tình hình mưa lớn liên tục, chính quyền địa phương đã sơ tán 7 hộ dân với 20 nhân khẩu tới nơi an toàn. Đồng thời, dựng hàng rào không cho người dân lại gần khu vực có nguy cơ sạt lở núi.
Thời điểm đoàn công tác kiểm tra, địa bàn huyện Đức Thọ vẫn có mưa rất lớn. Nước từ trên núi Dầu đổ xuống nhiều, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tiếp đó, đoàn công tác tới kiểm tra điểm sạt lở tuyến đường dọc bờ sông Ngàn Sâu ở thôn Vĩnh Yên, xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ. Trong đợt mưa lũ vừa qua, gần như toàn bộ đoạn đường rộng 5m, dài chừng 100m đã bị cuốn xuống sông. Tình trạng sạt lở nghiêm trọng ảnh hưởng tới 11 hộ dân sống xung quanh.
Để đảm bảo an toàn, chính quyền địa phương đã rào chắn các lối dẫn ra khu vực sạt lở và mở một tuyến đường phụ cho người dân đi lại. Địa phương cũng cử người theo dõi đoạn đường, nếu tình trạng sạt lở nghiêm trọng, ăn sâu vào nhà dân sẽ tiến hành sơ tán ngay.
Qua kiểm tra thực tế các điểm sạt lở, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn đánh giá cao công tác chủ động ứng phó sạt lở đất, đảm bảo an toàn cho người dân của chính quyền các địa phương Nghi Xuân và Đức Thọ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thời gian tới đây, tình hình thời tiết vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường nên các lãnh đạo địa phương từ cấp huyện tới xã phải lường trước hết các tình huống có thể xảy ra, nhất là với nguy cơ sạt lở đất; phải nắm rõ các hộ dân sinh sống ở các khu vực chân núi và tiến hành sơ tán khi cần thiết.
"Đối với các khu vực xảy ra sạt lở đã sơ tán dân thì nhất quyết không được để người dân quay lại nhà và phải có phương án bảo vệ tài sản của người dân. Còn tại các điểm đã sơ tán dân thì đảm bảo cuộc sống ổn định, không để người dân thiếu thốn thứ gì" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn nhấn mạnh.