'Tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm cung ứng điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân trong thời gian cao điểm năm nay và giai đoạn 2026-2030.
Thủ tướng xác định các nhiệm vụ cụ thể với từng bộ ngành, tập đoàn năng lượng liên quan nhằm đảm bảo cung ứng điện – góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả nước năm nay đạt trên 8% và hai con số giai đoạn 2026-2030.
Các mục tiêu nêu trên đòi hỏi điện năng tăng trưởng gấp 1,5 lần, dự kiến bình quân mỗi năm cần bổ sung từ 8.000 – 10.000MW. Đây là thách thức rất lớn, trường hợp không kịp thời có giải pháp nhanh chóng phát triển nguồn điện, nhất là các nguồn điện nền, xanh, bền vững sẽ tiềm ẩn nguy cơ thiếu điện nghiêm trọng, nhất là từ năm 2026 – 2028.
Đặc biệt, đặt trong bối cảnh Quy hoạch điện VIII còn một số bất cập, việc triển khai các dự án nguồn điện gặp vướng mắc về cơ chế, chính sách nên giai đoạn 2021-2025 dự kiến phát triển nguồn điện chỉ đạt gần 57% so với kế hoạch.
Từ đây, Thủ tướng chỉ thị các nhiệm vụ cụ thể vớ bộ ngành và đơn vị liên quan nhằm chủ động các giải pháp từ sớm, từ xa, bảo đảm tuyệt đối không để thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.
Điển hình, Bộ trưởng Bộ Công thương nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch điện VIII hoàn thành trước 28/2, trong đó có nội dung: cập nhật, bổ sung các dự án nguồn điện mới, xanh, sạch, loại bỏ thay thế các dự án chậm tiến độ, không phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.
Đồng thời, Bộ Công thương hoàn thành xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết Luật Điện lực 61/2024/QH15 trước 1/2 năm nay, nhất là các cơ chế, chính sách liên quan đến sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn, giá điện và giá dịch vụ về điện, cơ chế bảo đảm tiêu thụ khí trong nước, nguyên tắc chuyển ngang giá nhiên liệu sang giá điện…
Đặc biệt, Bộ Công thương cũng lĩnh trọng trách đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách của ngành điện.
Về nguồn điện, chỉ đạo triển khai ngay lựa chọn nhà đầu tư dự án đã có trong Quy hoạch, Kế hoạch điện VIII như LNG Nghi Sơn, Quỳnh Lập, Cà Ná... hoàn thành trong quý II năm nay, đẩy nhanh tiến độ đầu tư để hoàn thành chậm nhất trong quý III/2028.
Với các dự án dự kiến hoàn thành và vận hành năm nay (như thủy điện Nậm Củm 4, Hòa Bình mở rộng, nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, Vũng Áng 2, Quảng Trạch 1, Thủ tướng yêu cầu chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ vận hành sớm hơn từ 3-6 tháng. Các chủ đầu tư cam kết tiến độ, thời gian vận hành cụ thể gửi về Bộ Công thương trước 20/1/2025.
Các trường hợp dự kiến hoàn thành, vận hành 2026-2030 như các nhà máy đang thi công (nhiệt điện Na Dương II, Quảng Trạch 1, An Khánh – Bắc Giang, Long Phú 1, Hiệp Phước giai đoạn 1) hay đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi (các dự án LNG Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Trạch 2, Hải Lăng giai đoạn 1, Bạc Liêu, Long An, Ô Môn 2,3,4), phấn đấu tiến độ sớm hơn từ 1-2 năm so với kế hoạch.
Bên cạnh yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN tập trung triển khai nhanh các dự án nguồn (mà tập đoàn này làm chủ đầu tư) như Quảng Trạch 1, 2, Hòa Bình mở rộng, Trị An mở rộng, đề xuất đầu tư xây dựng các dự án truyền tải phục vụ giải tỏa công suất các nhà máy điện trong quy hoạch điện VIII, Thủ tướng cũng đặt ra một số nội dung với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – Petrovietnam.
Theo đó, ngay trong năm nay, Petrovietnam thi công Nhiệt điện Quảng Trạch 3 và 4, hoàn thành, vận hành thương mại vào tháng 6, tái khởi động nhiệt điện Long Phú 1 (và hoàn thành trong năm tới), sớm hoàn thành nghiên cứu để triển khai dự án điện gió ngoài khơi thí điểm.
Năm 2026, Petrovietnam được yêu cầu triển khai nhanh các dự án thuộc chuỗi khí điện Lô B – Ô Môn, bảo đảm tiến độ dòng khí đầu tiên đạt được vào cuối năm.
Nhằm đảm bảo hoàn thành Nhà máy Nhiệt điện Long Phú 1 trước năm 2027, Ban Thường vụ Đảng ủy Petrovietnam vừa ra Nghị quyết 952-NQ/ĐU về việc lãnh đạo đẩy nhanh thực hiện, hoàn thành dự án này.
Ngay trong năm nay, Petrovietnam xác định tập trung thực hiện các công việc trọng tâm như: hoàn tất phê duyệt dự án điều chỉnh Nhiệt điện Long Phú 1, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tổng thể của dự án; hoàn thành lựa chọn nhà thầu gói thầu EPC mới/các gói thầu thiết bị chính.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam, đòi hỏi nhu cầu năng lượng đáp ứng cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế đất nước 2 con số theo chỉ đạo của Thủ tướng là rất lớn.
Năm vừa qua, Petrovietnam hoàn thành và đạt kỷ lục mới về doanh thu trên 1 triệu tỷ đồng và thành công đưa các công trình lớn vào vận hành, hoàn thành sớm kế hoạch 5 năm (2021 - 2025). Đặc biệt, Petrovietnam vừa thực hiện bước chuyển mang tính kỷ nguyên trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng Quốc gia.
Trong bối cảnh thực hiện kế hoạch năm 2025, Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh các công trình dự án trọng điểm, bằng những cơ sở trên, Petrovietnam đặt mục tiêu bằng mọi giải pháp triển khai hoàn thành dự án và đưa vào vận hành trước năm 2027.