Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc - Từ Di chúc Bác Hồ đến Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng

Trong dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc, đã có biết bao tấm gương thể hiện tấm lòng trung thành, kiên trung với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Lòng trung thành ấy được hun đúc, bồi tụ qua những năm tháng chiến đấu gian khổ. Vượt qua bao thử thách khắc nghiệt, lòng trung thành ấy không chỉ là phẩm chất cao quý, mà còn là sức mạnh bảo vệ sự nghiệp cách mạng. Ngày nay, trong bối cảnh mới, lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân lại càng trở nên quan trọng và cấp thiết.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn nêu cao tinh thần cống hiến, không ngại hiểm nguy, vất vả có mặt kịp thời giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Ảnh: Văn Toan

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP luôn nêu cao tinh thần cống hiến, không ngại hiểm nguy, vất vả có mặt kịp thời giúp đỡ người dân vượt qua khó khăn, hoạn nạn. Ảnh: Văn Toan

Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng. Trong Di chúc, Người căn dặn và nhắc nhở: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Những lời dạy ấy không chỉ là kim chỉ nam cho hành động của mỗi người cán bộ, đảng viên, mà còn là ánh sáng soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày nay, trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng với thế giới, việc giữ vững và phát huy những giá trị cốt lõi về đạo đức cách mạng càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Vì vậy, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024, quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Quy định này đã cụ thể hóa những tư tưởng, quan điểm của Bác về phẩm chất của người cán bộ, đảng viên. Đồng thời, đưa ra những tiêu chí rõ ràng, yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên suốt đời phấn đấu cho mục đích, lý tưởng cách mạng của Đảng; nêu cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với sự nghiệp cách mạng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân không chỉ là một yêu cầu chính trị, mà còn là một nhu cầu cấp thiết của sự nghiệp cách mạng. Trong bối cảnh hiện nay, khi các thế lực thù địch không ngừng tìm cách xuyên tạc, bôi nhọ và chia rẽ nội bộ, làm lung lay, xói mòn lòng trung thành của cán bộ, đảng viên với Đảng, Nhà nước và nhân dân, thì lòng trung thành trở thành một yếu tố quan trọng bảo đảm cho sự vững mạnh và ổn định của chế độ. Sự trung thành này phải được thể hiện qua hành động cụ thể hàng ngày, từ việc kiên định với con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, không ngừng học tập và rèn luyện đến phấn đấu vì lợi ích của đất nước.

Trong những năm tháng chiến tranh gian khổ, biết bao cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã trở thành những tấm gương sáng ngời về lòng trung thành với cách mạng. Chúng ta không thể không nhắc đến đồng chí Nguyễn Văn Trỗi - người công nhân điện, đảng viên kiên trung của Đảng bị địch bắt khi thực hiện nhiệm vụ và bị kết án tử hình. Trước giờ hy sinh, anh vẫn khảng khái tuyên bố: “Cái chết của tôi chỉ làm cho đồng bào ta, đồng chí ta thêm đoàn kết, quyết tâm hơn, tiêu diệt giặc Mỹ xâm lược”. Đó là tấm gương chị Võ Thị Sáu, trên đường ra pháp trường vẫn hiên ngang, bất khuất, trước giờ hy sinh vẫn dõng dạc hô vang "Hồ Chủ tịch muôn năm". Đó là các chiến sĩ cộng sản, bị địch cầm tù, bỏ đói, cưa chân, chặt tay trong nhà tù Côn Đảo vẫn một lòng hướng về cách mạng, nuôi chí lớn để sau này phục vụ Tổ quốc.

Chăm lo cho người dân biên giới, trong nhiều năm nay, các đơn vị BĐBP đã nhận đỡ đầu, chăm sóc hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện học tập đầy đủ thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”. Ảnh: Bích Nguyên

Chăm lo cho người dân biên giới, trong nhiều năm nay, các đơn vị BĐBP đã nhận đỡ đầu, chăm sóc hàng nghìn trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để các em có điều kiện học tập đầy đủ thông qua Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi đồn Biên phòng”. Ảnh: Bích Nguyên

Hay như Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Trần Thế Môn, bị địch bắt và tra tấn dã man suốt nhiều năm trong các nhà tù, nhưng ông vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cách mạng, không khai báo, không phản bội đồng đội, đồng chí. Những hành động kiên cường, không lay chuyển của ông đã trở thành tấm gương sáng về lòng trung thành và ý chí sắt đá của người đảng viên cộng sản. Hay câu chuyện của chiến sĩ tàu không số Hoàng Thanh Loan, bị địch bắt, moi gan, mổ bụng nhưng vẫn kiên quyết không khai vị trí giấu tàu và vũ khí. Nhắc lại tấm gương của người xưa để chúng ta thêm một lần suy ngẫm về lý tưởng và lẽ sống ở đời.

Thế nhưng, bên cạnh những tấm gương kiên trung đó, cũng có những trường hợp đáng tiếc khi một số cán bộ, đảng viên không giữ vững được lòng trung thành, dẫn đến đầu hàng làm tay sai cho giặc, phản bội Tổ quốc, phản bội đồng bào. Trong thời gian gần đây, nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ cấp cao đã không giữ được lòng trung thành của mình dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định pháp luật, vi phạm những điều đảng viên không được làm, đã có những hành vi tham nhũng, lạm quyền, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã khiến họ không còn giữ được phẩm chất của người cán bộ, đảng viên, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Đảng và lòng tin của nhân dân.

Như vậy, nếu không tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân không chỉ làm thoái hóa, biến chất người cán bộ, đảng viên, mà còn gây nguy hại cho sự nghiệp cách mạng của đất nước. Do vậy, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân không chỉ là một câu khẩu hiệu, mà yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên muốn thực hiện trọn vẹn sự trung thành này cần phải nêu cao tinh thần gương mẫu, nói đi đôi với làm. Trung thành cũng không có nghĩa là bản thân mình một lòng đi theo cách mạng, hướng về cách mạng mà không quan tâm đến những tác động xung quanh. Người cán bộ, đảng viên có lòng trung thành phải luôn kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đồng chí, đồng đội. Phải biết lắng nghe và giải quyết kịp thời những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nói một cách giản dị, dễ hiểu như Bác Hồ vẫn căn dặn và nhắc nhở chúng ta, đó là “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”.

Thực hiện Quy định số 144, đặc biệt là giữ vững lòng trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Nhân dân chính là cách mà chúng ta hiện thực hóa Di chúc của Bác Hồ, là con đường, cách thức để đảm bảo rằng Đảng ta luôn trong sạch, vững mạnh trên con đường chèo lái, dẫn dắt sự nghiệp cách mạng. Mỗi cán bộ, đảng viên cần luôn ghi nhớ rằng, trung thành với Đảng, với Nhà nước và với nhân dân không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là một niềm tự hào, một sứ mệnh cao cả. Trung thành với Tổ quốc không chỉ là việc giữ vững bản lĩnh, khí tiết của người chiến sĩ cộng sản mà đòi hỏi cao hơn nữa, đó là tinh thần cống hiến và hy sinh vì sự nghiệp cách mạng. Giàu sang không quyến rũ, nghèo khó không chuyển lay, uy vũ không khuất phục.

Diệp Chi

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tuyet-doi-trung-thanh-voi-dang-voi-to-quoc-tu-di-chuc-bac-ho-den-quy-dinh-chuan-muc-dao-duc-cach-mang-post480473.html