'Tuyết hoang' - Hành trình số phận của trí thức Việt nơi đất khách
'Tuyết hoang' đã mô tả lại hành trình của một thế hệ trí thức người Việt loay hoay tìm kiếm hạnh phúc ở nơi đất khách quê người. Báo Nhà báo & Công luận trân trọng giới thiệu cuốn tiểu thuyết của tác giả Trần Quốc Quân qua bài phê bình của nhà văn Trịnh Đình Nghi.
“Tuyết hoang” - cuốn tiểu thuyết mang hơi hướng một tự truyện của nhà văn Trần Quốc Quân. Nhân vật chính là một trí thức Hà Nội. Hành trình của Nguyên cũng là số phận của một thế hệ người Việt thời đó. Họ là những con người mang theo “những khát vọng đổi đời ở một xứ sở xa lạ đầy cám dỗ hấp dẫn vật chất nhưng cũng là những cạm bẫy đời người nguy hiểm”.
Một ngày đẹp trời, dù ông đã hẹn gặp anh em Quán Chiêu Văn vào một ngày gần, nhưng tôi lại vô tình gặp ông và nhà biên kịch lừng danh Đỗ Trí Hùng trong một tiệm cà phê phố cổ Hà Nội trước ngày hẹn hò. Như thế có thể gọi là có duyên.
Đã lâu lắm, kể từ khi đọc tiểu thuyết “Miền hoang” của nhà văn Sương Nguyệt Minh đến nay tôi mới lại đọc hết một cuốn tiểu thuyết.
Hai cuốn tiểu thuyết “Tuyết hoang” và “Bóng làng” của nhà văn Trần Quốc Quân.
Tiểu thuyết “Tuyết hoang” dày 700 trang của nhà “tư sản Ba Lan” Trần Quốc Quân do Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Tôi thì không gọi ông là nhà tư sản. Tôi gọi ông là văn nhân, dù chưa khi nào ông có ý tạo dựng tư cách nhà văn của một hội văn chương chính thống nào đó.
Trần Quốc Quân có thừa những tiêu chí và khả năng để là một nhà văn. Bởi ông là người có tố chất viết văn từ nhỏ và có rất nhiều những tác phẩm truyện ngắn, truyện dài, bút ký... đăng tải trên các báo lớn. Và với hai ấn phẩm văn chương của ông mà tôi đang có trong tay thì phải gọi ông là văn nhân mới đúng.
Tôi không có ý review sách của ông, vì thật ra, “Tuyết hoang” được ra mắt cách đây khá lâu. Năm 2015, lần ấy Quân về nước và ra mắt “Tuyết hoang” tôi có được mời đến dự, nhưng vì bận công việc nên chỉ đến và chưa hết ly cà phê thì đã phải đi. Không có sách, cũng chưa quen biết thân tình. Chỉ nghe anh em nói “Tuyết hoang” hay lắm và Quân cũng có cuộc đời bôn ba ly kỳ lắm.
Thế rồi cũng lần mò kết bạn Facebook và qua giao lưu tương tác mà biết thêm chút chút bởi Quân luôn có những bài viết, những status sắc sảo, bạo ngôn, trực diện vào những vấn đề thế sự.
Khi đọc thiên “hồi ký” ly kỳ mà ông viết, tôi cứ nghĩ ông sinh ra lớn lên ở Nam bộ. Nhưng hóa ra không phải vậy. Trần Quốc Quân sinh ra lớn lên ở làng Đại Hoàng - Hà Nam tỉnh, nơi nổi tiếng bởi có Bá Kiến và Chí Phèo (Thì ra là văn nó cũng có đất mà cất nên người, đùa đâu).
Trở lại với “Tuyết Hoang” cuốn tiểu thuyết đầu tay của Quốc Quân. Cái sự “kỳ tích” đọc hết được cuốn tiểu thuyết này của tôi chính là sự cuốn hút của cuốn sách. Vì là lần đầu viết tiểu thuyết nên sự chân thực về ngôn ngữ văn chương và sự lôi cuốn, hấp dẫn của cách kể chuyện đã làm cho người đọc khó có thể gấp lại khi chưa đọc đến trang cuối cùng.
Quân viết “Tuyết hoang” - trong một tâm thế tĩnh tại của một người từng trải, thực sự dấn thân, để rồi giờ đây nhìn lại một chặng đời. Chính vì thế, từng hoàn cảnh, tình tiết cứ sống động, cứ ly kỳ và còn nguyên sức nóng của những tháng năm lăn lộn, nhập vai để mưu sinh, để tồn tại trong một thế giới vừa mông lung cõi người vừa mong manh mạng sống.
Trần Quốc Quân là lớp trí thức sang học tập và nghiên cứu tại Ba Lan từ năm 1988 trước khi Đông Âu sụp đổ. Hàng vạn trí thức, lao động tại khu vực này, trong đó có Ba Lan bị kẹt lại bởi các hợp đồng, khế ước hợp tác sau một đêm vô hiệu. Một cuộc mưu sinh trôi nổi, tự do của người Việt trong sự hỗn loạn, mạnh ai nấy sống. “Tuyết hoang” đã kể về cuộc mưu sinh và tồn tại nhọc nhằn, đầy những nguy hiểm, những cám dỗ, những cạm bẫy luôn rình rập.
Một nhân vật Nguyên, trí thức Hà Nội sang Ba Lan theo chương trình nghiên cứu sinh, để rồi khi gặp cơn biến loạn đã trở thành người ngày đêm quay cuồng với vòng xoáy của đồng tiền. Buôn bán đủ loại từ quần áo đến thuốc kháng sinh, đồng hồ, vàng bạc... Nguyên bị cuốn vào vòng xoáy của cuộc mưu sinh và làm giàu đầy tham vọng và hiểm nguy. Một cuộc xả thân kiếm tiền bằng mọi giá, mọi toan tính, thủ đoạn... để rồi cuối cùng tiền chẳng cứu rỗi được một cuộc đời cay đắng đúng với quy luật “gieo nhân nào gặt quả ấy”.
Cứ nghĩ Quân chính là Nguyên, mà là Nguyên thật, nhưng lại không phải là Nguyên. Những nhọc nhằn, mất mát, nguy hiểm và cả những cuộc tình, những dục vọng... mà Nguyên đã trải cũng chính là Quân đấy. Nhưng không, Quân đã rũ bỏ, đã thoát ra khỏi Nguyên, đã đứng sang một bên, bởi Quân không thể đi tới cùng của tất cả những tham vọng thông thường. Quân thoát ra để rồi những câu chữ, những câu chuyện và những nếm trải, để có cái nhìn về toàn cảnh cuộc sống mưu sinh của trí thức Việt tại Ba Lan những năm tháng ấy được trải ra, được kể lại và gói cả vào “Tuyết hoang”.
Có thể nói, “Tuyết hoang” hội đủ những ly kỳ, hấp dẫn, hồi hộp, rùng rợn của những lưu manh, cướp bóc, chèn ép, chém giết, những phi vụ làm ăn và cả những lừa đảo, hoan lạc, đàng điếm... nhưng lại được tái hiện với một thái độ điềm tĩnh, một giọng văn thật thà, nền nã. Một sự cuốn hút nhưng không tạo cho người đọc những rùng mình, những nổi giận cảm tính.
Nhà văn Trần Quốc Quân.
Viết về cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn, gian nan của người Việt ở vùng Đông Âu chưa có nhiều. Mới chỉ thấy một vài cây viết xuất sắc về đề tài người Việt ở châu Âu như “Quyên” của nhà văn Nguyễn Văn Thọ hay tác phẩm được chuyển thể thành phim truyền hình nhiều tập “Hai phía chân trời” của nhà biên kịch Trần Hoài Văn.
So với các tác phẩm kể trên thì “Tuyết hoang” của Trần Quốc Quân lại là sự khác biệt. “Tuyết Hoang” đề cập và kể rất cụ thể về giới trí thức người Việt tại Ba Lan với đầy đủ sự thật sống động mà chính mình là người trong cuộc với đầy sự khốc liệt của một cuộc sống đầy hỗn độn, cam go ấy. Chính nhân vật “tôi” đã đủ biết những khắc họa của “Tuyết hoang” là một sự trung thực.
Tôi nghĩ, “Tuyết hoang” là tác phẩm quá đầy đủ để chuyển thành một bộ phim nhiều tập và chắc chắn đó sẽ là một bộ phim ra rạp luôn cháy vé.
Còn giờ đây, sau những nhọc nhằn và sóng gió cuộc đời, Quốc Quân đã là một “Nhà giàu”, một cuộc sống gọi là viên mãn. Có lẽ cái duyên viết văn đến với ông muộn mằn là chờ để ông hội đủ những điều kiện và hoàn cảnh cho phép mình yêu để viết.
Đã nghe nhiều về cuộc sống người Việt ở Đông Âu những năm tháng dữ dội của thập kỷ 90, nhưng đọc “Tuyết hoang” mới thấy được đầy đủ những tháng năm trí thức Việt mưu sinh khốc liệt thế nào. Một cuốn sách cực kỳ hấp dẫn.
Còn một cuốn nữa của ông, cuốn “Bóng Làng” cũng rất đình đám. Tuy nhiên tôi chưa đọc thì chưa biết nói gì.
Trần Quốc Quân thành đạt, nhưng tinh thần và tấm lòng quảng đại, bác ái, luôn có những nghĩa cử đẹp với cộng đồng, với anh em bạn bè và với văn chương. Ông là thành viên của Quán Chiêu Văn, thấy cuộc thi hay sự kiện nào ý nghĩa với cộng đồng là chủ động đóng góp để chia sẻ với bạn văn.
À, Quốc Quân vừa về nước và đã mãn hạn “cách ly” Covid. Không ồn ào mà vẫn hội đủ anh em bạn bè yêu mến dù rất nhiều người mới chỉ là quen nhau trên Facebook.
Tôi cũng vậy, cũng gặp Quân lần đầu và lại muốn còn mãi gặp nhau.