Tuyệt tác thiên nhiên nơi 'viên ngọc xanh Đông Bắc'
Cao Bằng được tạo hóa ban tặng cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, cùng với bản sắc văn hóa độc đáo, sản vật nổi tiếng. Đặc biệt trong lòng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng chứa đựng những tuyệt tác của thiên nhiên, trong đó có danh thắng quốc gia thác Bản Giốc - động Ngườm Ngao, xã Đàm Thủy (Trùng Khánh) là địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bởi vẻ đẹp hoang sơ, huyền diệu.
Thác Bản Giốc - kỳ quan thiên nhiên giữa lòng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng
Danh thắng quốc gia thác Bản Giốc thuộc địa phận xã Đàm Thủy, cách thị trấn Trùng Khánh 28 km, cách Thành phố khoảng 90 km về phía Đông. Thác nằm trên đường biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Thác Bản Giốc là một trong những thác nước tự nhiên hùng vĩ, một trong bốn thác nước lớn và đẹp nhất trong số các thác nước nằm trên đường biên giới giữa các quốc gia (thác Iguasu gila Brasil và Argentina, thác Victoria gilla Zambia và Zimbabue, thác Niagara giữa Hoa Kỳ và Canada). Thác được xếp vào top 10 thác nước hùng vĩ nhất thế giới do Tạp chí Touropia bình chọn và top 5 thác nước đẹp hùng vĩ mang nhiều huyền thoại do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam giới thiệu và bình chọn.

Thác Bản Giốc - dải lụa trắng mềm mại giữa miền biên viễn.
Nằm trên sông Quây Sơn, thác Bản Giốc rộng khoảng 300 m, cao khoảng 53 m, chia thành 3 tầng với 15 ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Thác gồm có thác phụ và thác chính. Thác phụ dài 150 m gồm 1 tầng cao khoảng 30 m, thác chính dài khoảng 50 m. Từ chân núi Phja Chang nhìn về phía thác Bản Giốc, thác được chia làm hai khu rõ rệt: Phía bên trái gồm hai ngọn thác lớn trông xa tựa như hai dải lụa trắng nổi lên trong sương mù; hai bên thác có tới ba đến năm thác nhỏ. Chính giữa hai khu vực thác là một dải rừng già được chồi ra chính giữa lòng sông; dưới chân dải rừng là bãi cát rộng tới 100 m², là nơi dùng để nghỉ chân và ghé thuyền khi đi vào chân thác. Phía bên phải là dòng chảy chính với 11 - 12 ngọn thác lớn nhỏ khác nhau, xếp thành 3 tầng thác, từ dưới chân thác ước tính cao tới 35 m đổ xuống vùng đá vôi bốn mùa nước bọt trắng xóa tạo thành một khung cảnh hùng vĩ. Trước mặt thác liền với chân núi Phja Chang là cánh đồng bậc thang màu mỡ, được tận hưởng phù sa của sông Quây Sơn. Giữa thiên nhiên kỳ vĩ, thác Bản Giốc tựa như dải lụa trắng mềm mại nổi bật trên nền xanh của núi rừng miền biên cương của Tổ quốc.
Đến với thác Bản Giốc bất cứ thời điểm nào trong năm đều có những nét đẹp riêng: Mùa mưa ở thác Bản Giốc kéo dài 4 tháng (từ tháng 6 tới tháng 9 hằng năm). Đây là thời điểm thác Bản Giốc mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ, dữ dội, nước thác cuồn cuộn, tung bọt trắng xóa, ngỡ như làn mây trời đang lũ lượt kéo về khi mưa đến. Từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau là mùa khô. Lúc này, dòng nước hiền hòa và thanh bình hơn. Thác Bản Giốc mang trong mình nét đẹp yên bình, nước xanh trong vắt kết hợp với mùa lúa chín vàng trên những thửa ruộng nối tiếp nhau dưới chân thác tạo nên một khung cảnh đẹp tựa một bức họa muôn màu.
Hấp dẫn danh thắng quốc gia động Ngườm Ngao
Danh thắng quốc gia Ngườm Ngao hay còn được gọi với tên là động Ngườm Ngao cách thác Bản Giốc 3 km. Theo tiếng dân tộc Tày, “Ngườm Ngao” có nghĩa là “Động Hổ”, do người dân địa phương phát hiện năm 1921, đưa vào khai thác du lịch năm 1996.
Động Ngườm Ngao có vẻ đẹp rất đặc biệt, nằm trong lòng núi đá vôi chứa nhiều hóa thạch san hô, huệ biển được thành tạo ở vùng biển cổ cách đây khoảng 400 triệu năm. Chính vì vậy, nhũ đá trong động có màu khác hẳn với những hang động ở địa phương khác bởi lượng canxi pha nhiều tạp chất. Hệ thống nhũ đá và măng đá trong động có nhiều màu sắc hình thù, đan xen nhiều tầng tạo nên khung cảnh sinh động kỳ bí, huyền ảo. Cùng với thời gian, tạo hóa đã chắt chiu từng giọt nước bào lên kẽ đá, bong ra từng sạn đá nhỏ bồi lên nhau qua hàng triệu năm đọng lại để thành khối nhũ đá độc đáo, tạo nên sự hòa quyện giữa đá và nước. Đây cũng chính là một trong những vẻ đẹp độc đáo hiếm có của động.
Động có chiều dài hơn 2 km, bên trong rộng, nhiều ngõ ngách; gồm 3 cửa chính: cửa Ngườm Lồm quanh năm mát lạnh nằm ẩn mình dưới những khối đá dưới chân núi, cửa Ngườm Ngao cách chân núi vài trăm bậc thang và cửa Bản Thuôn phía sau núi, kề cận bản Thuôn của người Tày. Nhiệt độ trong động từ 18 - 25OC, mùa hè cho cảm giác mát mẻ, còn mùa đông ấm áp.

Du khách tham quan động Ngườm Ngao.
Động Ngườm Ngao được chia thành 3 khu chính: Khu thứ nhất từ cửa chính bước xuống 15 bậc đá, vòm động mở ra một không gian kỳ ảo với những khoảng sáng, tối do ánh sáng xuyên qua hai lỗ hổng lớn trên trần hang, khiến cho màu sắc của nhũ đá trong động càng trở nên huyền diệu. Nhiều người vẫn thường gọi đây là “cổng trời". Đi sâu vào bên trong động, mọi vật càng trở nên sống động hơn, đó là hình ảnh của cây cột chống trời, con cóc thần, ao tiên, rất nhiều những rèm đá, cối đá, bàn đá, gác bếp người Tày và những “thửa ruộng bậc thang” do sàn đá vôi bị xâm thực và phong hóa suốt nhiều triệu năm. Trên nền động là những vết hóa thạch trông như những làn nước chạy qua bãi cát ngoài biển sau những con sóng rút xa bờ. Khu thứ hai là khu trung tâm, nơi có không gian rộng và đẹp nhất. Do sự phong hóa lâu đời của núi đá vôi, nhũ đá, măng đá đã tạo nên những hình ảnh huyền bí như: Cây cột san hô đá, thuyền buồm, hổ phục, chày giã gạo, đặc biệt là hình ảnh bông sen đá úp ngược... Khu thứ ba còn gọi là khu kho báu với những hình ảnh thác vàng, thác bạc, cây bạc, cây tiền, ông thần tài, bàn tay Phật ban cho giọt nước may mắn... và hình ảnh của khối đá giống như ngựa bạch lưu luyến tiễn chân du khách. Vòm hang cuối cùng được gọi là cửa gió, bởi ở đây gió được thổi từ ngoài vào đều đặn, rất mát, đứng ở đây có thể nghe thấy tiếng rì rầm của suối chảy trong động, đó chính là nơi phát nguồn của dòng suối Ky chảy qua Bản Gun. Hiện nay động gần như vẫn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ, ít bị tác động bởi bàn tay con người.
Để quy định chi tiết về công tác quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị tài nguyên du lịch thác Bản Giốc, UBND tỉnh đã ban hành quy chế quản lý Khu du lịch thác Bản Giốc, bao gồm: hoạt động quản lý, bảo vệ, khảo sát, nghiên cứu đầu tư, xây dựng, tổ chức văn hóa, lễ hội, vui chơi giải trí, làm phim, quảng cáo, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế... Đây là cơ sở để bảo vệ và phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch bền vững, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng thác Bản Giốc trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Cùng với các điểm du lịch khác trong tỉnh, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách khi đến với "viên ngọc xanh Đông Bắc", hứa hẹn kỳ nghỉ ấn tượng trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/tuyet-tac-thien-nhien-noi-vien-ngoc-xanh-dong-bac-3176215.html