TX. Cai Lậy: Chủ động ngăn chặn và xử lý tội phạm xâm hại trẻ em
Thời gian qua, công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em luôn được các cấp, các ngành của TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc. Tuy nhiên, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) còn diễn ra.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền được các ngành, đoàn thể, trường học và xã, phường trên địa bàn TX. Cai Lậy tập trung tổ chức thực hiện với nhiều biện pháp hay, thiết thực như: Tổ chức các cuộc tuyên truyền trực tiếp về các văn bản pháp luật, các chính sách có liên quan đến trẻ em, tội phạm XHTDTE, biện pháp phòng ngừa, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ em được 1.758 cuộc với khoảng 55.500 lượt cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên, học sinh và người dân tham dự; phát trên Đài truyền thanh xã, phường được 354 cuộc, khoảng 1.428 phút những bản tin về tình hình tội XHTDTE trên địa bàn thị xã; cấp phát 1.830 tờ rơi, tờ bướm về chăm sóc, bảo vệ, phòng, chống tai nạn cho trẻ em; tổ chức nhiều cuộc hội nghị, diễn đàn, tọa đàm lồng ghép chuyên đề phòng, chống tội phạm XHTDTE.
Hội Phụ nữ Công an TX. Cai Lậy tuyên truyền phòng, chống xâm hại trẻ em ở xã Mỹ Hạnh Đông. Ảnh: PHƯƠNG TUYỀN
Điển hình là Hội Liên hiệp Phụ nữ thị xã đã tổ chức tọa đàm “Phòng, chống XHTDTE, bạo lực gia đình” và phối hợp vận động 146 trẻ em bỏ học trở lại lớp; Phòng Tư pháp đã tổ chức nhiều cuộc triển khai các văn bản pháp luật có liên quan đến bảo vệ trẻ em, đẩy mạnh việc đăng tải các thông tin về phòng, chống xâm hại người chưa thành niên trên môi trường mạng; lắp đặt panô, áp phích nơi công cộng như: Trường học, khu dân cư, chợ, trên các tuyến đường… về chăm sóc, bảo vệ trẻ em; tổ chức các chiến dịch truyền thông hưởng ứng “Tháng hành động vì trẻ em”, “Tết Trung thu”, các hoạt động xã hội tình nghĩa hướng đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh khó khăn, trẻ em bị xâm hại để kịp thời giúp đỡ, động viên giúp các em vượt qua khó khăn, vươn lên và phát triển lành mạnh.
Nhiều mô hình được duy trì và phát triển đã góp phần đưa công tác phòng, chống XHTDTE đạt được nhiều hiệu quả thiết thực như: Ban Bảo vệ trẻ em cấp xã; Câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”; Đội phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn ấp, khu phố (đến thời điểm hiện tại đã xây dựng 72 đội/72 ấp, khu phố của địa bàn thị xã); mô hình “3 liên kết”: Gia đình, nhà trường, xã hội trong việc chủ động tham gia phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi XHTDTE; “Ngôi nhà an toàn”... Nổi bật, Hội Liên hiệp Phụ nữ chủ động phối hợp Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thị xã, chính quyền cơ sở tổ chức thăm hỏi, động viên, bảo vệ quyền lợi, tạo việc làm ổn định cho 10 trẻ em bị xâm hại và bạo lực.
Nguyên nhân của các vụ XHTDTE hầu hết các bị hại, đối tượng sống trong hoàn cảnh gia đình không hoàn thiện (cha mẹ ly hôn, thường xuyên cãi nhau, gia đình không hạnh phúc, cha hoặc mẹ mất sớm, cha mẹ có vợ chồng khác), các em thiếu sự quan tâm, chăm sóc, giáo dục giới tính, tâm sinh lý tuổi dậy thì từ phía gia đình dẫn đến các em cảm thấy thiếu thốn tình cảm, buồn chuyện gia đình và dễ bị sa ngã, yếu lòng khi bị các đối tượng tác động, an ủi, nảy sinh tình cảm hoặc dụ dỗ xâm hại...
Tuy nhiên, tình hình tội phạm XHTDTE trên địa bàn TX. Cai Lậy vẫn diễn biến khá phức tạp. Từ ngày 1-5-2023 đến ngày 15-5-2024, trên địa bàn thị xã xảy ra 6 vụ XHTDTE được Công an thị xã phát hiện; qua đó đã khởi tố, điều tra, xử lý 5 vụ với 5 bị can, chuyển Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh 1 vụ, 1 đối tượng. Hầu hết các vụ XHTDTE đều xuất phát từ mối quan hệ tình cảm yêu đương nam nữ mà các trẻ em gái này tuổi đời còn rất trẻ, dao động ở độ tuổi từ 13 - 15 tuổi; bị hại và đối tượng quen nhau thông qua các trang mạng xã hội rồi hẹn nhau đi về nhà đối tượng hoặc đến các khách sạn, nhà nghỉ, bị hại tự nguyện cho đối tượng giao cấu; trong đó có 2 trường hợp trẻ em gái bị xâm hại nhiều lần dẫn đến mang thai và sinh con, gia đình hai bên không trình báo cơ quan Công an mà tự thỏa thuận, dàn xếp cho đối tượng và bị hại sống như vợ chồng dẫn đến bị hại tiếp tục bị xâm hại tình dục ở độ tuổi và sức khỏe sinh sản chưa cho phép, đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý của các trẻ em gái, đến thuần phong mỹ tục, an ninh trật tự và pháp luật của Việt Nam…
Từ đó, cho thấy nhận thức pháp luật ở một bộ phận người dân trong bảo vệ trẻ em gái, trong tố giác tội phạm rất thấp; vai trò, trách nhiệm của một số đơn vị, địa phương trong phòng ngừa tội phạm XHTDTE chưa cao; việc chấp hành pháp luật ở một số cơ sở kinh doanh lưu trú chưa nghiêm túc đã tạo điều kiện cho tội phạm XHTDTE xảy ra.
Bên cạnh đó, Công an thị xã đã kiểm tra 52 lượt các cơ sở kinh doanh lưu trú trên địa bàn, kết quả phát hiện tội phạm giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (1 vụ, 1 đối tượng); thông qua công tác kiểm tra, xác minh lý lịch đối tượng trong vụ việc ma túy đang thụ lý đã phát hiện tội phạm giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (1 vụ, 1 đối tượng). Qua điều tra các vụ án XHTDTE, Công an thị xã đã ban hành nhiều văn bản kiến nghị phòng ngừa tội phạm đến các cơ quan, tổ chức trên địa bàn để khắc phục nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, không để tội phạm XHTDTE xảy ra trong thời gian tới.
Để tiếp tục phòng ngừa, kiềm giảm, xử lý nghiêm tội phạm XHTDTE, ổn định tình hình tội phạm nói chung và tội phạm XHTDTE nói riêng, UBND thị xã xây dựng Kế hoạch về tiếp tục thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tội XHTDTE trên địa bàn thị xã năm 2024 và các năm tiếp theo. Trong đó, xác định rõ trách nhiệm bảo vệ trẻ em là của cả hệ thống chính trị; thực hiện đồng bộ, hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội với phòng ngừa nghiệp vụ; tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, công tác phòng ngừa và chủ động phát hiện, mạnh dạn tố giác tội phạm đến cơ quan Công an. Kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm, triệt để các vụ việc xâm hại trẻ em nói chung và XHTDTE nói riêng; có chính sách bảo vệ, hỗ trợ đối với trẻ em bị XHTD trên địa bàn thị xã.