TX. Cai Lậy: Đa dạng hình thức giúp phụ nữ vượt khó, phát triển kinh tế

'Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện giảm nghèo bền vững' được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện hiệu quả hoạt động này, các cấp Hội Phụ nữ thị xã đã phát huy vai trò kết nối, khai thác mọi nguồn lực, hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế.NHIỀU MÔ HÌNH KINH TẾ HIỆU QUẢ

Đến xã Nhị Quý, chúng tôi được Chủ tịch Hội LHPN xã Lê Thị Thu Vân cho biết: “Hội LHPN xã hiện có trên 500 hội viên. Đa phần đời sống chị em ở đây còn nhiều khó khăn. Với những hoạt động thiết thực như hỗ trợ vay vốn; tập huấn ứng dụng khoa học - kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất; phát động phong trào “Đỡ đầu phụ nữ nghèo”..., hội viên phụ nữ xã đã từng bước giúp nhau vượt qua khó khăn, thoát nghèo, góp phần cùng xã xây dựng nông thôn mới”.

Mô hình ương cá bột của chị Phạm Thị Hồng Phượng.

Minh chứng cho điều vừa nói, chị Vân dẫn chúng tôi thăm cơ sở may giỏ xách của chị Nguyễn Thị Nữa (ấp Quý Phước). Cơ sở của chị Nữa hiện có hơn 10 chị em trực tiếp may và hơn 40 người nhận hàng về nhà may.

Chị Nữa cho biết: “Hiện cơ sở hoạt động ổn định. Có được hôm nay là nhờ nguồn vốn vay của Hội LHPN hỗ trợ và bản thân tham gia các buổi tuyên truyền, tư vấn phụ nữ khởi nghiệp nên có điều kiện, động lực để mạnh dạn phát triển cơ sở; đồng thời, giúp chị em trong ấp, xã xây dựng cuộc sống ấm no”. Mô hình này đã giúp nhiều phụ nữ thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Hay mô hình ương cá bột của chị Phạm Thị Hồng Phượng, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Tân Hòa (xã Tân Hội) là một tấm gương tiêu biểu trong phong trào phụ nữ, tấm gương về nghị lực vươn lên phát triển kinh tế. Chị Phượng cho biết, trước đây, gia đình có 2 ha trồng lúa thu nhập thấp. Với quyết tâm phát triển kinh tế gia đình, năm 2015, chị Phượng quyết định đầu tư xây dựng mô hình ương cá bột.

Chị Phượng đã chuyển đất lúa kém hiệu quả sang đào ao, từ 1 ao, rồi tăng dần lên 4 ao ương cá bột (cá tra), mỗi ao gần 4.000 m2. Tận dụng diện tích còn lại hơn 2.000 m2, chị Phượng trồng xen mít, bưởi và dừa cho thu nhập khá cao. Từ đó, một năm gia đình chị thu nhập trên 1 tỷ đồng. Từ việc kinh tế ổn định, chị Phượng có điều kiện tham gia công tác Hội; hằng năm, giải quyết cho hàng chục lao động, hướng dẫn kỹ thuật ương cá bột cho hàng chục hội viên phụ nữ.

ĐA DẠNG HÌNH THỨC HỖ TRỢ

Hiện nay, nhiều hộ nghèo, khó khăn do phụ nữ làm chủ hộ đã được các cấp Hội phụ nữ thị xã hỗ trợ, giúp đỡ bằng nhiều hình thức, phát triển các mô hình kinh tế có hiệu quả, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhiều cơ sở Hội đã có những cách làm hay trong gây quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

Cụ thể như Hội LHPN xã Long Khánh giúp phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập bằng việc hỗ trợ vốn, tập huấn, đào tạo nghề, tham gia phong trào “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế”… Cùng với đó, Hội đã đầu tư xây dựng mới các mô hình kinh tế giỏi, thoát nghèo, sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp; hỗ trợ vốn vay từ ngân hàng, Quỹ Mom...

Không chỉ hỗ trợ vay vốn, các cấp Hội LHPN thị xã còn chú trọng triển khai các biện pháp giúp chị em sử dụng hiệu quả nguồn vốn. Các cấp Hội đã tiến hành rà soát các trường hợp khó khăn và khảo sát, nắm bắt nhu cầu vay vốn; phổ biến chính sách tín dụng cho vay tới các đối tượng hộ nghèo và gia đình chính sách; duy trì sinh hoạt tổ vay vốn, hướng dẫn và kiểm tra sử dụng vốn vay đúng mục đích, đạt hiệu quả. Song song với đó, các cấp Hội còn chú trọng phối hợp tập huấn về ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; triển khai xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả.

Chủ tịch Hội LHPN TX. Cai Lậy Lê Thị Hồng Nhiệm cho biết, sau khi khảo sát, nắm bắt đời sống cũng như nhu cầu của phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ…, tùy vào điều kiện thực tế Hội có biện pháp giúp đỡ cụ thể, phù hợp. Hội thường xuyên phối hợp các ngành mở các lớp đào tạo nghề và tư vấn giới thiệu việc làm cho lao động nữ nông thôn như: May công nghiệp, đan lục bình... Ðến nay, phụ nữ nghèo đã có nhiều mô hình hoạt động hiệu quả như: “Chăn nuôi bò lai sinh sản, heo giống và trồng rau sạch”, “Hũ gạo tình thương”, “Nấu ăn đám tiệc” với sự tham gia của hàng trăm hội viên, phụ nữ khó khăn, qua đó tạo việc làm ổn định, với mức thu nhập trung bình từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng.

PHƯƠNG MAI

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/kinh-te/202104/tx-cai-lay-da-dang-hinh-thuc-giup-phu-nu-vuot-kho-phat-trien-kinh-te-924489/