TX. Cai Lậy: Lễ giỗ 154 năm Ngày Tứ Kiệt hy sinh

Sáng 23-1, tại Cổ miếu Tứ Kiệt (TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) diễn ra Lễ giỗ 154 năm Ngày Tứ Kiệt hy sinh (1871 - 2025). Đến dự có đồng chí Phan Phùng Phú, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang, Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND TX. Cai Lậy.

Những năm 1868, sau khi cuộc khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương thất bại, lực lượng tan rã, Bốn ông: Trần Công Thận, Nguyễn Thanh Long, Trương Văn Rộng, Ngô Tấn Đước tiếp tục đứng ra lãnh đạo nghĩa quân, chọn vùng Cái Bè, Cai Lậy làm căn cứ tiếp tục kháng chiến chống thực dân Pháp.

Nghi thức rước linh từ Bia Tứ Kiệt về Cổ miếu Tứ Kiệt. Ảnh: MINH TẤN

Nghi thức rước linh từ Bia Tứ Kiệt về Cổ miếu Tứ Kiệt. Ảnh: MINH TẤN

Tuy chỉ được trang bị ban đầu toàn vũ khí thô sơ, chủ yếu là giáo mác, gậy gộc, nhưng nghĩa quân của Tứ Kiệt biết áp dụng chiến thuật đánh giặc của dân gian, biết vận dụng kỹ thuật trong chiến đấu theo kiểu lấy yếu đánh mạnh; lấy ít đánh nhiều... gây cho địch nhiều tổn thất và rất lo sợ. Hiển hách nhất là trận tấn công thành Định Tường đốt kho lương giặc, trận tấn công đồn Cai Lậy đã gây chấn động cả khu vực, khiến cho giặc Pháp phải huy động 1.200 quân viễn chinh tại Mỹ Tho, Tân An và các tỉnh lân cận về Cai Lậy càn quét, đàn áp nhân dân và cuộc khởi nghĩa, quyết triệt hạ bằng được căn cứ của nghĩa quân.

Đồng chí Trần Văn Thức, Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy ôn lại những chiến công và tinh thần bất khuất của Bốn vị Anh hùng.

Đồng chí Trần Văn Thức, Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy ôn lại những chiến công và tinh thần bất khuất của Bốn vị Anh hùng.

Lực lượng nghĩa quân đã chống trả quyết liệt, nhưng do sự chênh lệch quá lớn về lực lượng, nghĩa quân buộc phải tan rã và cả Bốn ông đều sa vào tay giặc vào ngày 1-1-1871. Dụ dỗ Bốn ông suốt 45 ngày không thành, ngày 14-2-1871 (nhằm ngày 25 tháng Chạp năm Canh Ngọ) giặc Pháp đem Bốn ông xử chém cạnh bờ sông Ba Rài. Nhằm đe dọa tinh thần chiến đấu và ngăn chặn các cuộc nổi dậy của nhân dân ta, nên chúng ra lệnh huy động hàng trăm người đến xem. Để uy hiếp tinh thần người dân, chúng chặt đầu Bốn ông bêu suốt 7 ngày tại 3 điểm đông người qua lại, sau đó chúng vùi đầu Bốn ông xuống mé ruộng, nay gần lăng Tứ Kiệt. Còn thân của Bốn ông được thân nhân đem về gắn thêm đầu bằng đất sét và chôn tại quê nhà.

Đoàn lãnh đạo TX. Cai Lậy dâng hoa, dâng hương và lễ vật tại Cổ miếu Tứ Kiệt.

Đoàn lãnh đạo TX. Cai Lậy dâng hoa, dâng hương và lễ vật tại Cổ miếu Tứ Kiệt.

Tuy cuộc khởi nghĩa không thành, nhưng khí phách của Bốn vị Anh hùng là niềm tự hào to lớn, là minh chứng cho tinh thần bất khuất của dân tộc trong trang sử vàng chống giặc ngoại xâm. Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử trên địa bàn TX. Cai Lậy luôn được quan tâm trùng tu và gìn giữ, trong đó Lễ giỗ Tứ Kiệt hằng năm được tổ chức theo nghi thức truyền thống tín ngưỡng dân gian được nhân dân duy trì lưu giữ cho đến hôm nay.

HÀ NAM

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202501/tx-cai-lay-le-gio-154-nam-ngay-tu-kiet-hy-sinh-1032951/