Tỷ giá chưa hết áp lực mùa cao điểm

Câu chuyện tỷ giá USD/VND lại nóng lên khi giá USD liên tục tăng lên các cột mốc mới. Tuần qua, tỷ giá USD trên thị trường tự do chính thức vượt 26.000 đồng/USD, mức giá cao nhất từ trước đến nay.

Tỷ giá còn tăng trong ngắn hạn

Giá USD trên thị trường tự do đã ghi nhận 4 phiên tăng liên tiếp. Tổng mức tăng là 130 đồng ở cả chiều mua và bán, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tại ngân hàng, giá USD dù không biến động mạnh như những tháng trước nhưng vẫn ở vùng giá cao. Phiên cuối tuần ngày 28/6, các ngân hàng thương mại giảm giá USD 3 đồng, Vietcombank mua vào lên 25.223 - 25.253 đồng, bán ra 25.473 đồng. Chênh lệch giữa giá mua và bán USD ở mức 200 - 220 đồng.
So với những ngày đầu tháng 6, các ngân hàng tăng giá USD khoảng 25 đồng, tương ứng gần 0,1%. Riêng giá USD trên thị trường tự do có mức độ tăng giá mạnh hơn, ở mức 350 đồng, lên 26.020 - 26.030 đồng/USD chiều bán ra, và tăng gần 5% so với đầu năm.

Diễn biến bất lợi của tỷ giá một phần do chỉ số đồng USD (DXY) có xu hướng mạnh lên trong 2 tuần qua. Theo đó, trong tháng 6/2024, đồng USD có xu hướng phục hồi nhẹ, hiện chỉ số này neo quanh 105,89 điểm tăng 0,8% so với cuối tháng 5. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trì hoãn việc giảm lãi suất khiến các nhà đầu tư quốc tế tiếp tục tin vào sự mạnh mẽ của “đồng bạc xanh”.

Ở trong nước, lý giải thêm về tỷ giá "căng" trở lại, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tình hình nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu gia tăng là một trong những nguyên nhân.

Từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu đang lấy lại được đà tăng trưởng ấn tượng khi cả xuất khẩu, nhập khẩu cùng duy trì mức tăng hai con số. Do đó nhu cầu USD cũng tăng. Đối với kịch bản tăng trưởng, GDP quý II ước tăng gần 7% (6,93%) so với cùng kỳ năm trước. “Khi nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục nhanh, tỷ giá sẽ gặp áp lực. Bởi một khi đơn hàng quốc tế bắt đầu tăng trở lại, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu sẽ tăng đột biến ở một số thời điểm, gây áp lực lên tỷ giá trong ngắn hạn”- TS Nguyễn Trí Hiếu chia sẻ.

Một số ý kiến cũng cho rằng không loại trừ giá USD trên thị trường tự do tăng một phần nhu cầu gom USD nhập vàng qua đường biên mậu trong bối cảnh vàng miếng SJC khó mua thì nhu cầu chuyển dịch sang vàng nhẫn. Khi giá vàng trong nước có mức đắt đỏ hơn thế giới thì nguồn hàng phi chính thức có thể sẽ tăng lên, điều này tác động đến tỷ giá.

HSBC dự báo tỷ giá USD/VND duy trì áp lực tăng trong ngắn hạn đến từ việc USD tiếp tục giao dịch ở vùng giá cao và nhu cầu mua ngoại tệ tăng cao.

Tỷ giá tăng và tác động tới kinh tế

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang can thiệp thị trường ngoại hối nhằm kiểm soát việc biến động tỷ giá. NHNN đã tăng lãi suất tín phiếu, hút thanh khoản mạnh nhất; lãi suất trúng thầu cũng được nâng lên 4,3%/năm từ mức 4,25% trong phiên gần đây.

Động thái giảm kỳ hạn và tăng lãi suất trúng thầu tín phiếu của NHNN được cho là nhằm nâng cao mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng trong bối cảnh áp lực tỷ giá vẫn còn hiện hữu.

NHNN đã đưa ra hàng loạt biện pháp nhằm bình ổn tỷ giá như: hút tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng nhằm giảm chênh lệch lãi suất trên thị trường; bán ngoại tệ theo hình thức giao ngay cho các tổ chức tín dụng nhằm cân bằng trạng thái ngoại tệ, tổ chức các phiên đấu thầu vàng trong bối cảnh giá vàng trong nước chịu áp lực tăng cao…

Trong báo cáo phân tích gần đây của UOB, mặc dù các yếu tố cơ bản trong nước được cải thiện, tiền đồng (VND) vẫn bị ảnh hưởng bởi sức mạnh của USD trên diện rộng trong quý II/2024. NHNN cho biết đã can thiệp vào thị trường ngoại hối và điều này giúp kiểm soát việc biến động tỷ giá. Tuy nhiên, VND có thể phục hồi trong nửa cuối năm 2024 do áp lực bên ngoài từ USD giảm trước đợt cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào tháng 9.

“Với kịch bản này, VND sẽ tăng giá từ 4 - 5% so với USD, NHNN sẽ phải nhọc nhằn hơn trong việc điều hành tỷ giá" - PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh) phân tích và khuyến cáo. Việt Nam sẽ cần phải đưa ra các chiến lược ứng phó sớm ở những thời điểm cao điểm, tránh bị động dẫn đến điều hành giật cục và ảnh hưởng đến các mục tiêu vĩ mô khác như tăng trưởng kinh tế hay lạm phát cũng như ảnh hưởng đến tâm lý của người dân gây ra tình trạng đầu cơ, tích trữ ngoại tệ.

Tỷ giá tăng sẽ có tác động bất lợi đến các doanh nghiệp có khoản vay bằng USD và các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu (ví dụ bông vải, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép, hóa chất, sữa bột, thức ăn chăn nuôi…). “Ngoài ra, việc USD tăng cũng sẽ làm chậm kế hoạch mở rộng sản xuất - kinh doanh của một số doanh nghiệp. Chẳng hạn doanh nghiệp vận tải biển có kế hoạch mua sắm đội tàu, doanh nghiệp hàng không mở rộng đội máy bay…”- ông Bùi Hải Dương - Giám đốc Bộ phận Kinh doanh vốn và tiền tệ HSBC Việt Nam chỉ ra.

Sự suy yếu của đồng Việt Nam cũng sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vốn đầu tư gián tiếp (FII) trên thị trường chứng khoán. Do đó gây áp lực lên các nghĩa vụ nợ thanh toán bằng USD của cả khu vực tư nhân lẫn Chính phủ, đồng thời đẩy giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh, gián tiếp ảnh hưởng đến mục tiêu về lạm phát.

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) dẫn các nghiên cứu thực tế tại Việt Nam chỉ ra ảnh hưởng tương đối lớn của tỷ giá đến lạm phát. Một kết quả tương đối thận trọng chỉ ra rằng cứ 1% mất giá đồng VND thì lạm phát sẽ tăng 0,34%. Như vậy nếu theo nghiên cứu này, với mức mất giá gần 5% kể từ đầu năm 2024, lạm phát sẽ tăng thêm 1,5%. Điều này chưa tính tới việc tăng giá tự nhiên như giá xăng trong nước tăng theo giá dầu thế giới.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2024 chỉ tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 1,4% so với tháng 12/2023 nhưng đã tăng tới 4,34% so với cùng kỳ năm trước.

Trong ngắn hạn tại thời điểm này, lãi suất tạm thời giữ ở mặt bằng thấp hiện tại là hợp lý, vì nếu giảm xuống nữa sẽ gây sức ép lên tỷ giá; nếu tăng thì tác động lên khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc duy trì tỷ giá ổn định là yếu tố cần thiết phục vụ nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, tỷ giá tăng do đầu vào tăng có thể sẽ chỉ là yếu tố tạm thời, bởi tính chất nền kinh tế của ta có tỷ trọng tạm nhập, tái xuất cao nên qua giai đoạn tăng nhập khẩu, doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng có nguồn gốc nhập khẩu trước đây và khi đó tỷ giá sẽ lại bình ổn trở lại. (TS Châu Đình Linh - giảng viên ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh)

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ty-gia-chua-het-ap-luc-mua-cao-diem.html