Tỷ giá được dự báo ra sao sau khi ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ?
Thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chịu áp lực từ sự mạnh lên của đồng USD. Một số chuyên gia nhìn nhận, tỷ giá USD/VND theo đó cũng có nhiều sự biến động mạnh và trở thành 'ẩn số' quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2025.
Theo chuyên gia, những lo ngại rủi ro xoay quanh chính sách của ông Trump đã một phần tác động đến thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục chịu áp lực từ sự mạnh lên của đồng USD (DXY tiệm cận 110 điểm) và kỳ vọng lãi suất USD duy trì cao khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa có dấu hiệu giảm lãi suất trong nửa đầu 2025. Từ đó, sẽ có những tác động đến đồng Việt Nam (VND).
USD sẽ mạnh lên, tỷ giá "nổi sóng"
Ông Donald Trump vừa tuyên thệ nhậm chức và trở thành Tổng thống thứ 47 của Mỹ vào ngày 20/1 (theo giờ Mỹ), mở ra nhiệm kỳ 4 năm được dự báo sẽ có rất nhiều biến động.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu tại Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS), nhận định các chính sách được Tổng thống Trump ban hành có thể khiến giá trị của đồng USD gia tăng và gây áp lực lên tỷ giá USD/VND. Mặc dù chỉ số DXY suy giảm ngay trong ngày đầu ông Trump nhậm chức, tuy nhiên vẫn đang ở vùng cao nhất trong 2 năm trở lại đây.
Báo cáo chiến lược tỷ giá và ngoại hối mới đây của Ngân hàng UOB (Singapore) cũng nhận định, đồng USD sẽ mạnh hơn nữa trong nửa đầu năm 2025, sau sự trở lại của ông Donald Trump với vị trí là Tổng thống Mỹ cùng nhiều chính sách khó đoán định sẽ thực hiện kể từ ngày 20/1.
Thậm chí, UOB dự đoán chỉ số DXY có thể leo lên mức 111,9 điểm trong giữa năm 2025, trước khi giảm xuống mức 107,9 điểm vào cuối năm.
Trong tháng 1/2025, có thể thấy sự mạnh lên bất ngờ của đồng bạc xanh đã gây áp lực lên tất cả các loại tiền tệ còn lại, trong đó có VND. Tỷ giá USD/VND theo đó cũng có nhiều sự biến động mạnh trong những ngày đầu năm.
Điển hình, ngày 10/1 (giờ Việt Nam), chỉ số DXY đã leo lên mức 109,31 điểm. Đây cũng là vùng điểm cao nhất của chỉ số này kể từ cuối năm 2022 đến nay.
Đáng chú ý, chỉ trong vòng vài ngày đầu năm 2025, DXY đã có vài phiên neo ở mức trên 109 điểm.
Ngày 22/1, tỷ giá trung tâm ở mức 24.336 đồng/USD; tỷ giá trên thị trường tự do quanh mức 25.475 – 25.595 đồng/USD (mua – bán). Tại các ngân hàng thương mại, giá mua USD nằm trong khoảng 25.030 - 25.101 đồng/USD, giá bán giao dịch trong phạm vi 25.375 - 25.420 đồng/USD.
Giới phân tích cho rằng, việc tỷ giá “nổi sóng” gần đây không giống quy luật như những năm trước. Bởi thông thường hàng năm, tỷ giá sẽ tăng mạnh vào tháng 11-12 và hạ nhiệt vào đầu năm khi kiều hối đổ về nhiều. Tuy nhiên, năm nay, áp lực tỷ giá đã xuất hiện ngay từ đầu năm .
Nguyên nhân chính dẫn đến diễn biến bất thường này là do đồng USD đang tăng giá quá mạnh. Tỷ giá USD/VND theo đó cũng có nhiều sự biến động mạnh.
Về câu chuyện tỷ giá, ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty CP Chứng khoán VPBank, lưu ý một điểm mà nhà đầu tư cần theo dõi sát, đó là đồng USD đang mạnh lên, thể hiện sức mạnh của nền kinh tế Mỹ. Hiện nay, không chỉ có Việt Nam mà toàn thế giới đều đang lo ngại về đồng USD tăng giá. Những yếu tố như lợi suất trái phiếu của Mỹ đang cao và Fed có thể tạm ngừng hạ lãi suất đã phản ánh rất nhiều vào tâm lý nhà đầu tư.
Nhìn vào tính chu kỳ, đồng USD thường mạnh vào 3 tháng đầu năm, với xác suất tăng giá ở ngưỡng 58% trong tháng 1, 67% vào tháng 2 và 75% vào tháng 3. Sau đó, đồng USD có xu hướng giảm nhiều hơn. Chuyên gia này kỳ vọng: "Từ tháng 4 trở đi, chúng ta cũng có thể kỳ vọng đà tăng hiện tại của USD sẽ kết thúc. Nhà đầu tư hãy theo dõi chỉ số DXY trước khi giải ngân chứng khoán".
Giảm dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng tỷ giá USD/VND trở thành "ẩn số" quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) năm 2025.
Theo ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Phân tích tại Công ty Chứng khoán Nhất Việt (VFS), các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nội địa có thể gây nguy cơ tăng lạm phát, ảnh hưởng đến quá trình nới lỏng tiền tệ của Fed.
"Như vậy, đồng Việt Nam có thể phải chịu áp lực giảm giá, dẫn đến giảm dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ của NHNN", ông Hoàng nhấn mạnh.
Đồng tình, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty CP Chứng khoán VPBank phân tích: Nhìn lại năm 2024, giai đoạn tháng 6 và tháng 12, tỷ giá liên ngân hàng luôn ở mức kịch trần. Trong năm 2025, nếu NHNN không tăng lãi suất thì có thể phải lên biên tỷ giá mới.
Còn về mặt điều hành, với chính sách hỗ trợ tăng trưởng, trong 6 tháng đầu năm, NHNN và Chính phủ có thể không tăng lãi suất ngay. Nhưng trên thị trường liên ngân hàng, các ngân hàng thương mại cũng đã đẩy mạnh tín dụng và tăng huy động. Đồng thời, lợi suất trái phiếu Chính phủ đã tăng lên.
Có thể về xu hướng trong năm 2025, lãi suất điều hành sẽ tăng, nhưng nhiều khả năng không phải trong nửa đầu năm. Nếu NHNN chưa tăng lãi suất thì sẽ phải điều hành linh hoạt hơn trong câu chuyện tỷ giá, cho phép VND biến động trong biên độ lớn hơn.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Phân tích cổ phiếu của MBS, áp lực về tỷ giá gia tăng trong bối cảnh hiện tại bộ đệm dự trữ ngoại hối của Việt Nam không còn quá dồi dào sẽ khiến việc điều hành chính sách tiền tệ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong giai đoạn đầu năm nay.
Tuy nhiên, càng về cuối năm, áp lực tỷ giá sẽ suy giảm nhờ kỳ vọng nguồn ngoại tệ ròng vào Việt Nam dồi dào hơn và khả năng Fed cắt giảm lãi suất. Do đó, ông Nguyễn Tiến Dũng kỳ vọng mặt bằng lãi suất thấp vẫn sẽ được giữ vững trong năm nay để có thể phát triển kinh tế.
Tỷ giá biến động sẽ tác động lớn đến các doanh nghiệp, TS. Hà Thị Cẩm Vân, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kinh tế, Trường Đại học RMIT Việt Nam, cho rằng đối với tác động lên tỷ giá hối đoái, sự sụt giảm xuất khẩu đồng nghĩa với việc nguồn cung USD vào Việt Nam giảm, tạo áp lực lên tỷ giá hối đoái. Đồng VND có thể mất giá, khiến các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu và máy móc đối mặt với chi phí cao hơn. Điều này làm tăng chi phí sản xuất trong nước, ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá cả tiêu dùng.