Tỷ giá, lãi suất bất ngờ 'nhảy nhót' trở lại
Biến động tăng mạnh của lãi suất trên thị trường liên ngân hàng được kỳ vọng chỉ mang tính nhất thời, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng vẫn đang yếu trong giai đoạn đầu năm. Thực tế, sự chú ý lớn hơn nằm ở diễn biến tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng, khi có mức tăng đáng kể trong hai tháng nay.
Lãi suất thị trường 2 tăng vọt – áp lực thanh khoản cục bộ?
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) bất ngờ tăng vọt trở lại, với lãi suất qua đêm leo lên mốc trên 4,1% tính đến ngày 21-2-2024, mức cao nhất kể từ cuối tháng 5-2023. So với mức quanh 0,15% trong tháng 1-2024, có thể thấy lãi suất vay mượn qua đêm giữa các ngân hàng đã tiến một bước rất dài chỉ trong thời gian ngắn.
Điều này dường như cho thấy thanh khoản của hệ thống đã không còn dồi dào như giai đoạn trước, nhất là khi nhìn vào việc nhà điều hành đã mở lại kênh bơm tiền qua thị trường mở (OMO). Cụ thể, trong phiên 20-2 và 21-2 đều có một thành viên thị trường trúng thầu OMO với tổng khối lượng lũy kế là hơn 6.037 tỉ đồng, kỳ hạn bảy ngày và lãi suất 4%/năm.
Trước đó, mức trúng thầu kênh OMO chỉ lác đác 1-2 tỉ đồng trong tháng 1-2024 và không xuất hiện giao dịch trong nửa cuối năm 2023, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn duy trì hoạt động chào thầu nhằm hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng có nhu cầu. Điều này xuất hiện trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dồi dào, thể hiện qua số dư CITAD (tiền gửi không kỳ hạn các ngân hàng thương mại đặt tại NHNN) lên tới hơn 300.000 tỉ đồng và lãi suất liên ngân hàng giảm xuống vùng thấp lịch sử.
Dù vậy, diễn biến lãi suất trên thị trường 2 tăng vọt có lẽ chỉ phản ánh căng thẳng thanh khoản mang tính cục bộ đến từ nhu cầu bù đắp dự trữ của một tổ chức tín dụng, hơn là áp lực kéo dài mang tính hệ thống.
Khảo sát cho thấy trong những ngày sau Tết, nhiều ngân hàng vẫn tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh lãi suất tiền gửi, khi dòng tiền nhàn rỗi từ các hoạt động chi lương thưởng cuối năm vẫn đổ mạnh vào ngân hàng, cũng như dòng tiền rút ra kinh doanh dịp cận Tết cũng đang quay trở lại hệ thống. Ở chiều ngược lại, tăng trưởng tín dụng tháng 1-2024 ghi nhận sụt giảm trở lại đúng như dự báo trước đó, với mức giảm 0,6% so với cuối năm 2023.
Chính vì vậy, biến động tăng mạnh của lãi suất trên thị trường 2 được kỳ vọng chỉ mang tính nhất thời, trong bối cảnh nhu cầu tín dụng vẫn đang yếu trong giai đoạn đầu năm. Thực tế, sự chú ý lớn hơn nằm ở diễn biến tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng, khi có mức tăng đáng kể trong hai tháng qua, bất chấp nguồn cung ngoại tệ vẫn đang ghi nhận dồi dào đến từ hoạt động thương mại, đầu tư và kiều hối.
Tỷ giá “nhảy nhót” do cung cầu?
Cụ thể, sau khi tăng 230 đồng trong tháng 1, giá đô la Mỹ trên thị trường tự do tiếp tục tăng 270 đồng trong tháng 2 (tính đến đầu tuần này, 26-2-2024), theo đó nâng mức tăng so với đầu năm 2024 lên 500 đồng, tương đương tăng hơn 2%. Nếu nhìn vào mức tăng 4% của cả năm 2023 và chỉ tăng hơn 0,4% của hai tháng cùng kỳ đầu năm 2023, mới thấy tỷ giá đang có sức nóng như thế nào. Hiện giá mua vào và bán ra đô la Mỹ trên thị trường tự do đã duy trì trên mốc 25.000 từ giữa tháng 2 đến nay.
Trên thị trường chính thức, giá giao dịch tại các ngân hàng cũng ghi nhận xu hướng tăng mạnh, khi tính đến đầu tuần này tăng hơn 250 đồng so với cuối tháng 1 và tăng 430 đồng so với đầu năm, tương đương tăng 1,8%. Đặc biệt, mức tăng tập trung vào những ngày từ giữa tháng 2 đến nay, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Ngược lại, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng khá ổn định khi chỉ tăng tương ứng 13 đồng và 118 đồng trong cùng khoảng thời gian, theo đó tốc độ tăng so với đầu năm chưa đến 0,5%.
Trong bối cảnh giá đô la Mỹ trên thị trường quốc tế sau khi tăng trong tháng 1 và gần như đi ngang trong tháng 2, thậm chí chỉ số USD Index còn giảm từ giữa tháng 2 đến nay, diễn biến giá đô la Mỹ trong nước vẫn tiếp tục tăng mạnh mang đến nhiều bất ngờ. Có ý kiến cho rằng chênh lệch lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng quá cao đã làm tăng nhu cầu đầu cơ đô la Mỹ, gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, thực tế là mức chênh lệch mở rộng này đã duy trì trong suốt nhiều tháng qua.
Theo giới phân tích, giá đô la Mỹ trong nước tăng mạnh trong nửa tháng qua là do cung cầu chi phối. Đơn cử như nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu gia tăng, liên quan đến kế hoạch bảo trì sắp tới của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Ngoài ra, xu hướng giá vàng trong nước leo cao trở lại trong những ngày vừa qua cũng gây áp lực một phần lên tỷ giá, khi không loại trừ khả năng có hiện tượng gom đô la Mỹ trên thị trường tự do để nhập vàng qua đường biên mậu.
Những kỳ vọng về việc nhà điều hành sẽ sớm sửa đổi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng chính thức nối lại hoạt động nhập khẩu vàng để đáp ứng nhu cầu trong nước, khi đó sẽ cần một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu vàng, cũng có thể thúc đẩy hoạt động đầu cơ tỷ giá ngắn hạn.
Bên cạnh đó, với khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chưa sớm giảm lãi suất trở lại trong cuộc họp tháng 3 sắp tới, trái với dự báo vào cuối năm 2023, cũng như kịch bản các đợt giảm lãi suất trong năm 2024 đã trở nên kém chắc chắn hơn, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ và thị trường lao động vẫn mạnh mẽ, ngược lại lạm phát có tín hiệu bật tăng trở lại, đã phần nào tác động đến tâm lý và chiến lược giao dịch của các nhà đầu tư. Cụ thể, chỉ số giá sản xuất (PPI) và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 1 năm nay đều tăng mạnh hơn dự báo.
Dù vậy, các chuyên gia phân tích cũng cho rằng biến động đi lên của tỷ giá chỉ mang tính ngắn hạn. Tiền đồng vẫn có khả năng tăng giá trở lại trong trung và dài hạn nhờ vào hai lý do chính là đô la Mỹ được dự báo yếu đi vào cuối năm khi Fed hạ lãi suất và yếu tố trong nước như cán cân thương mại hàng hóa vẫn thặng dư, đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trưởng, nguồn kiều hối gia tăng…
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/ty-gia-lai-suat-bat-ngo-nhay-nhot-tro-lai/