Tỷ giá ngoại tệ ngày 11/4: USD giảm giá
Đồng USD giảm giá khi các ngân hàng trung tương tung ra hàng loạt gói cứu trợ kinh tế trước Covid-19.
Tỷ giá trong nước
Ngày 10/4, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.221 đồng (giarm 15 đồng). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.650 đồng (không đổi).
Tỷ giá USD tại một số ngân hàng thương mại lớn như VCB, BIDV, VietinBank, Techcombank, ACB …đã giảm khoảng 20 đến 30 so cuối ngày hôm qua, hiện giao dịch quanh mức 23.380 - 23.560 đồng/USD.
Tại thị trường Hà Nội, giá USD tự do mua vào khoảng 23.650 đồng/USD và bán ra là 23.730 đồng/USD.
Một báo cáo vừa được MBS công bố nhận định, xét về dài hạn, trong các tháng tới cho đến hết năm 2020, tỷ giá VND/USD có thể giữ ổn định với các yếu tố cơ bản đều thuận lợi.
Xu hướng chung vẫn là VND sẽ giảm giá so với USD và có những thời điểm mức giảm có thể trên 3% so với đầu năm. Tuy nhiên, vào cuối năm, với mức độ điều chỉnh sẽ chỉ khoảng 2%/năm do các yếu tố hỗ trợ sức mạnh của USD sẽ suy giảm.
Tỷ giá ngoại tệ
Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,64% ở mức 99,53.
Ngày 9/4, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã công bố gói biện pháp tài chính tiếp theo trị giá 2.300 tỷ USD nhằm hỗ trợ nền kinh tế đầu tàu thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.
Các ngân hàng cũng sẽ cung cấp các khoản vay lên tới 600 tỷ USD cho các doanh nghiệp có quy mô 10.000 nhân viên đổ xuống hoặc doanh thu không quá 2,5 tỷ USD.
Gói giải cứu này cũng cho phép Bộ Tài chính cung cấp các khoản vay trực tiếp cho một số doanh nghiệp lớn hơn, cũng như hỗ trợ 350 tỷ USD cho các doanh nghiệp không quá 500 nhân viên.
Các khoản thanh toán cho những khoản vay mới này sẽ được giãn nợ 1 năm; các ngân hàng sẽ được yêu cầu thu lãi ở mức tối thiểu 5% cho mỗi khoản vay.
Trong khi đó, sau cuộc họp đầu tiên không thành công và một loạt cuộc thảo luận căng thẳng sau đó, các bộ trưởng tài chính châu Âu cuối cùng đã đi đến thỏa thuận về một gói cứu trợ trị giá 500 tỷ euro (khoảng 546 tỷ USD) để hỗ trợ các nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Cuộc họp cuối cùng đã kết thúc trong tiếng vỗ tay của các bộ trưởng. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire hoan nghênh "một thỏa thuận tuyệt vời" với 500 tỷ euro sẵn có lập tức cùng một quỹ phục hồi dành cho thời gian tới.