Tỷ giá nhích tăng, nhưng chưa đáng lo ngại
Trong một số ngày gần đây, tỷ giá đồng Việt Nam so với USD có biểu hiện 'gợn sóng'. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, các bối cảnh kinh tế vĩ mô trong và ngoài nước đều cho thấy tỷ giá vẫn có thể giữ ổn định về mặt trung và dài hạn.
Tỷ giá lăn tăn sóng
Diễn biến tỷ giá có phần nhúc nhích tăng từ sau đợt nghỉ Tết phần nào thu hút sự quan tâm của giới kinh doanh.
Tại ngân hàng thương mại, tỷ giá bán ra do Vietcombank công bố thời điểm trước nghỉ Tết chỉ khoảng 24.530 đồng/USD, nhưng sau đó có tín hiệu nhích tăng dần. Cụ thể, tỷ giá hôm 15/2, tức ngày đầu tiên đi làm trở lại sau đợt nghỉ Tết là 24.610 đồng/USD, tiếp đó tăng lên mặt bằng khoảng trên 24.700 đồng/USD vào tuần thứ hai đi làm và tiếp tục leo dốc lên mặt bằng trên 24.800 đồng/USD vào tuần thứ ba đi làm kể từ sau đợt nghỉ. Hiện tại, tỷ giá bán ra tại Vietcombank đang niêm yết ở mức 24.820 đồng/USD.
Thống kê chỉ số giá USD
Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá USD tháng 2/2024 tăng 0,4% so với tháng trước; tăng 0,92% so với tháng 12/2023; tăng 3,89% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 2 tháng đầu năm 2024 tăng 3,79%.
Trong khi đó, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố cũng được điều chỉnh tăng dần trong giai đoạn nửa cuối tháng 2/2024. Cụ thể, tỷ giá trung tâm ghi nhận tại ngày 16/2 là 23.971 đồng/USD, sau đó nhích dần theo xu hướng tăng và vượt mốc 24.000 đồng/USD vào ngày 26/2. Sau khi đạt đỉnh ở mức 24.014 đồng/USD vào ngày 27/2, tỷ giá trung tâm có phần giảm nhẹ, nhưng vẫn còn ở mức cao so với thời điểm giữa tháng 2/2023.
Một điểm đáng lưu ý khác của diễn biến tỷ giá thời gian gần đây là thị trường tự do, nếu như trước Tết vẫn ở mức dưới 25.000 đồng/USD thì nay đã vượt lên khá xa so với mức trên.
Điều đáng chú ý trong diễn biến tỷ giá trong nước tăng trong giai đoạn khoảng hơn nửa tháng qua diễn ra trong bối cảnh giá đồng USD trên thị trường quốc tế đã bình ổn trở lại. Cụ thể, sau chu kỳ phục hồi diễn ra từ cuối tháng 12/2023 đến giữa tháng 2/2024, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng USD diễn biến gần như chỉ đi ngang trong suốt nửa cuối tháng 2, hiện đang ở mức khoảng 104 điểm.
Khó có thể tăng mạnh
Hiện tại, một trong những yếu tố cho thấy nguồn cung ngoại tệ có thể giảm so với trước Tết là nguồn kiều hối thường tập trung mạnh trong giai đoạn trước Tết và chững lại sau Tết. Đây cũng là thông lệ thường gặp trong nhiều năm nay, theo đó, ngoài yếu tố ảnh hưởng trực tiếp do giảm kiều hối, thì điều đó ít nhiều ảnh hưởng tâm lý khiến tỷ giá thị trường tự do có thể có nhúc nhích tăng.
Tuy nhiên, các thông tin vĩ mô cho thấy cán cân cung cầu ngoại tệ vẫn khá tích cực đảm bảo khả năng ổn định tỷ giá trong hiện tại và lâu dài. Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước và kim ngạch nhập khẩu ước đạt 54,62 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 2 tháng đầu năm 2024 ước tính xuất siêu 4,72 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,5 tỷ USD). Về đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 2 tháng năm 2024 ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Michael Kokalari, Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường thuộc VinaCapital cho biết, doanh thu ngành PC (máy tính cá nhân) toàn cầu đã giảm 30% so với cùng kỳ vào đầu năm 2023, nhưng đã tăng trưởng trở lại từ khoảng cuối năm 2023, một phần do người dùng nâng cấp máy cấu hình cao hơn để xử lý AI (trí tuệ nhân tạo).
Doanh thu điện thoại thông minh toàn cầu cũng tăng trưởng trở lại vào cuối năm 2023 lần đầu tiên trong 2 năm, dù sự hồi phục không rõ rệt như ở mảng máy tính vì các sản phẩm mới thiếu các chức năng đủ hấp dẫn để thúc đẩy người dùng nâng cấp. Trong khi đó, máy tính và linh kiện điện tử là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo cho biết, sự phục hồi kinh tế cũng có thể là yếu tố gây áp lực lên tỷ giá. Lý do là, các doanh nghiệp sau khi tiêu thụ bớt lượng hàng tồn kho đã có từ trước có thể phát sinh nhu cầu nhập khẩu nguyên liệu mới phục vụ sản xuất làm gia tăng nhu cầu ngoại tệ.
Trao đổi với phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính thuộc Học viện Tài chính cho biết, yếu tố như trên đúng là có thể có khi kinh tế phục hồi, nhưng áp lực lên tỷ giá từ việc đó cũng sẽ không quá lớn. Trong bối cảnh đó, trạng thái xuất siêu có thể không lớn như giai đoạn năm 2023, nhưng có thể cán cân thương mại vẫn duy trì khả năng xuất siêu, nhưng ở mức độ ít hơn.
TS. NGUYỄN ĐỨC ĐỘ - PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN KINH TẾ - TÀI CHÍNH, HỌC VIỆN TÀI CHÍNH:
Một số yếu tố tác động chỉ ở mức độ nhẹ và tạm thời
Tôi cho rằng, tỷ giá một số thời điểm có phần bị tác động do một số lý do như đồng USD có tăng giá phần nào trên thị trường quốc tế, trong khi tại thị trường trong nước cũng có yếu tố tác động lên tỷ giá, nhất là tỷ giá thị trường tự do do một số nhà đầu tư gom mua USD để đầu cơ vàng.
Tuy nhiên, các yếu tố trên nếu có tác động thì chỉ là tác động nhẹ và chỉ mang tính thời điểm, không thể tạo được sự ảnh hưởng đáng kể về mặt trung và dài hạn lên tỷ giá.
Trong khi đó, các yếu tố nền tảng vẫn cho thấy tỷ giá sẽ vẫn giữ được sự ổn định. Ở yếu tố quốc tế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ thực hiện các đợt giảm lãi suất trong năm 2024 và điều đó có thể làm cho đồng USD giảm giá trên thị trường quốc tế. Trong khi đó với yếu tố trong nước, cán cân thương mại vẫn tiếp tục trong trạng thái xuất siêu trong thời gian dài trong các năm trước và tiếp tục giữ trạng thái xuất siêu cho đến hiện tại.
Việc kinh tế phục hồi có thể tăng nhu cầu nhập khẩu và từ đó nhu cầu về ngoại tệ có thể tăng lên, nhưng theo tôi việc đó có thể sẽ chỉ làm cho quy mô xuất siêu giảm hơn so với hiện nay, nhưng cán cân thương mại vẫn có thể vẫn giữ được trạng thái xuất siêu chứ sẽ khó khả năng đảo ngược sang trạng thái nhập siêu.
ÔNG MICHAEL KOKALARI - GIÁM ĐỐC PHÒNG PHÂN TÍCH KINH TẾ VĨ MÔ VÀ NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG, VINACAPITAL:
Các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trở lại
Năm 2023, xuất khẩu Việt Nam ghi nhận tăng trưởng âm lần đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, gây ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng GDP năm 2023 trong bối cảnh giá trị xuất khẩu đạt bình quân 90% GDP trong giai đoạn 2019 - 2022.
Tuy nhiên, xuất khẩu tiếp tục đà tăng từ quý IV/2023 và tiếp tục tăng vào đầu năm 2024, trong đó có sự đóng góp đáng kể nhờ sức tăng của mảng xuất khẩu sản phẩm điện tử công nghệ cao.
Về trạng thái thị trường xuất khẩu của Việt Nam, trước đây các doanh nghiệp Mỹ đã đặt hàng quá nhiều các sản phẩm “Made in Vietnam” trong thời điểm gián đoạn chuỗi cung ứng do Covid-19 và phải cắt giảm đơn đặt hàng cho các sản phẩm này năm ngoái để giảm lượng hàng tồn.
Tuy nhiên, sau đợt giảm hàng tồn kho nhanh nhất trong hơn 10 năm, xu hướng đó sắp kết thúc. Vì vậy, các đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đã tăng trở lại và chúng tôi kỳ vọng số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong các tháng tới nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của nền kinh tế Mỹ.
Hiện nay, tăng trưởng xuất khẩu cao hơn tăng trưởng sản xuất và điều này khiến hàng tồn kho của các nhà sản xuất giảm. Sự kết hợp của sụt giảm hàng tồn kho và tăng đơn hàng mới đồng nghĩa với hoạt động sản xuất của các nhà máy tại Việt Nam sẽ cần đẩy mạnh để đáp ứng được nhu cầu tăng cao cho các sản phẩm “Made in Vietnam”.