Tỷ giá USD giảm vào cuối năm có lợi gì cho doanh nghiệp và nền kinh tế?

Tỷ giá ổn định và giảm nhẹ vào cuối năm góp phần hỗ trợ nhiều nhóm doanh nghiệp và có thể kích cầu tiêu dùng của người dân.

Ngày 23/11, tỷ giá trung tâm của Việt Nam đồng (VND) với đô la Mỹ (USD) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết ở mức 23.915 VND/USD. Giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN ở mức mua vào 23.400 đồng và bán ra 25.029 đồng. Tại Vietcombank, giá mua vào 23.985 đồng và bán ra 24.355 đồng. Đây đều là mức giảm nhẹ trong những ngày qua.

Tỷ giá USD đã bắt đầu hạ nhiệt từ cuối tháng 10. Từ đầu tháng 11 đến nay, tỷ giá VND/USD liên ngân hàng giảm 105 đồng. Tỷ giá trên thị trường tự do gần như đi ngang loanh quanh ở mức 24.500 đồng mua vào và 24.600 đồng bán ra.

Tỷ giá được giữ ổn định, các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất dịp cuối năm sẽ được hỗ trợ rất nhiều. Theo TS. Hồ Sỹ Hòa, Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán DNSE, tỷ giá đã giảm nhanh từ mốc 24.590 đồng xuống 24.180 đồng (tương đương giảm 1,7%) ngay sau khi Mỹ công bố kết quả lạm phát tháng 10 so với tháng trước. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất trong năm 2024 nên giá USD thế giới có thể bình ổn và tỷ giá VND/USD cũng ít chịu áp lực trong thời gian tới.

Tỷ giá trung tâm đã về mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023, giúp nhiều doanh nghiệp bớt áp lực.

Tỷ giá trung tâm đã về mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023, giúp nhiều doanh nghiệp bớt áp lực.

"Trước những thông tin tích cực về thị trường quốc tế, chỉ số đồng USD (DXY) giảm từ mốc 107 điểm xuống 103 điểm (tương đương giảm 3,7%), cộng thêm nguồn ngoại tệ trong nước dồi dào, thặng dư cán cân thương mại 10 tháng đạt mức kỷ lục 24,6 tỷ USD, góp phần giúp tỷ giá hạ nhiệt nhanh chóng về mức 24.180 đồng", TS. Hồ Sỹ Hòa nói.

Ổn định giá trị tiền đồng và lạm phát là một mục tiêu quan trọng xuyên suốt của NHNN bên cạnh mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tính đến ngày 20/11, VND chỉ còn mất giá 2,8% so với đầu năm, nằm trong biên độ ổn định mà NHNN kỳ vọng. Chênh lệch lãi suất USD - VND không còn âm như giai đoạn trước đó. Tỷ giá hạ nhiệt giúp NHNN có thêm nhiều dư địa điều hành chính sách tiền tệ, không cần phải sử dụng công cụ hút tiền qua các kênh như tín phiếu hay mua ngoại tệ. Việc NHNN dừng phát hành tín phiếu từ ngày 9/11 có thể là động thái cho thấy rủi ro tỷ giá đã được kiểm soát.

Bên cạnh đó, các yếu tố vĩ mô như dòng vốn FDI giải ngân duy trì tích cực, thặng dư thương mại 10 tháng gần 25 tỷ USD, kiểu hối dự kiến về Việt Nam trong năm 2023,... dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ cho VND.

Tỷ giá giảm vào dịp cuối năm là tin vui với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu bằng USD. Gánh nặng chi phí giảm cho doanh nghiệp, giá cả của các hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam trong tương lai xuống thấp cũng sẽ kích cầu mua sắm của người tiêu dùng, từ đó tác động tích cực đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Một số nhóm ngành thường có tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu cao như giấy, nhựa, thực phẩm, sắt thép, xăng dầu… cũng có thể được hưởng lợi.

Ông Trần Văn Trường, Tổng Giám đốc chuỗi hải sản Hoàng Gia cho biết, tỷ giá hạ nhiệt dịp cuối năm giúp doanh nghiệp "dễ thở" hơn. Vào mùa lễ tết từ Noel, Tết dương lịch cho đến Tết Nguyên đán, sức mua của người dân được kỳ vọng sẽ tăng lên.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp có vay nợ bằng đồng USD như ngành điện, dầu khí, bất động sản, hàng không... cũng được “nhẹ gánh” áp lực tỷ giá.

Kim Chi

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//tien-te/ty-gia-usd-giam-vao-cuoi-nam-co-loi-gi-cho-doanh-nghiep-va-nen-kinh-te-1096810.html