Tỷ giá vẫn biến động khó lường
Dự báo thời gian tới tỷ giá vẫn còn nhiều áp lực do các yếu tố phức tạp trên thị trường quốc tế, và cả những khó khăn trong nước như chênh lệch lãi suất VNĐ và USD, nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế duy trì cao.

VNĐ vẫn chịu sức ép
Ngày 7-5, sau cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) quyết định giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức 4,25-4,5%, mức này cũng đã được giữ ổn định từ tháng 12-2024. Trong tuyên bố sau cuộc họp, Fed cũng ghi nhận những biến động hiện tại và tác động của chúng đến quá trình hoạch định chính sách.
Các quan chức của Fed đã bày tỏ lo ngại, kịch bản thuế quan có thể đồng thời thúc đẩy lạm phát và làm chậm tăng trưởng kinh tế, tạo ra tình trạng đình lạm, một hiện tượng kinh tế chưa từng xuất hiện ở Mỹ kể từ đầu thập niên 1980.
Do vậy, việc Fed quyết định giữ nguyên lãi suất phù hợp với kỳ vọng của thị trường. Theo đó, đồng USD phục hồi so với các loại tiền tệ chính, bao gồm đồng yên và đồng EUR. Chỉ số DXY đo lường đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) lên ở mức 99,41, tăng 0,18 điểm.
Trước đó, chỉ số DXY đã chạm đáy 3 năm tại mức 98,3 vào ngày 21-4. Dù vậy, so với đỉnh thiết lập hồi tháng 2-2025, đồng USD vẫn ghi nhận mức giảm khoảng 8%, do những bất ổn về chính sách thuế quan làm gia tăng lo ngại về triển vọng kinh tế.
Trong vòng một tháng qua, tất cả các đồng tiền lớn tại châu Á đều lên giá so với USD. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VNĐ vẫn neo ở ngưỡng cao, chưa thấy dấu hiệu hạ nhiệt. Ngày 8-5, tỷ giá trung tâm ở mức 24.927 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN giữ ở mức 23.734 - 26.126 đồng/USD (mua vào - bán ra). Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 25.760 - 26.150 đồng/USD, tăng 20 đồng so với phiên liền trước. Tỷ giá trên thị trường tự do ở mức 26.410 - 26.510 đồng/USD.
Như vậy, từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng thêm 592 đồng, tương ứng tăng 2,4%.
Các chuyên gia đánh giá, việc Fed không thay đổi lãi suất trong khi lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm sau khi duy trì quanh ngưỡng 4-4,4% trong nửa đầu tháng 4 đã giảm xuống còn 3,96% vào ngày 8-5 ảnh hưởng lên chênh lệch lãi suất VNĐ - USD và áp lực tỷ giá.
Áp lực này dự báo vẫn sẽ hiện hữu trong 2025, trong bối cảnh các chính sách thuế quan của Mỹ làm tăng rủi ro lạm phát, và Fed càng thận trọng hơn trong việc giảm lãi suất. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng một phần do Kho bạc Nhà nước tiếp tục chào mua 110 triệu USD từ các ngân hàng thương mại (NHTM) trong tháng 4, làm hạn chế nguồn cung ngoại tệ.
Cùng với đó, nhu cầu ngoại tệ từ doanh nghiệp tăng trong bối cảnh thương mại toàn cầu bất ổn. Rồi việc lãi suất liên NH giảm sâu về mức đáy 13 tháng trong tháng 4, đã khiến chênh lệch lãi suất VNĐ - USD đảo chiều âm mạnh, gây thêm áp lực lên tỷ giá.
Áp lực vẫn hiện hữu
Trong quý I, trên thị trường mở, công cụ tín phiếu và mua kỳ hạn đã được NHNN linh hoạt sử dụng nhằm giảm bớt áp lực tỷ giá, nhưng vẫn đảm bảo thanh khoản hệ thống. Cụ thể, lãi suất tín phiếu được hạ xuống thấp hơn, trong khi mua kỳ hạn được đẩy dài kỳ hạn với thông điệp và định hướng thanh khoản dài hạn hơn.
Nhưng ở quý II này, đà tăng tỷ giá vẫn chưa dừng lại. Giới phân tích thị trường cho rằng, trong bối cảnh các yếu tố bất định, và đặc biệt lo ngại về khả năng Việt Nam chịu mức thuế đối ứng cao, tỷ giá sẽ biến động nhiều hơn trong ngắn hạn.
Các lo ngại về rủi ro thuế quan có thể khiến dòng vốn đầu tư đăng ký và giải ngân chậm lại. Ngoài ra, các hoạt động xuất khẩu (đặc biệt xuất khẩu tới thị trường Mỹ) có thể chậm lại, thậm chí chịu thiệt hại. Trong khi đó dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở thời điểm hiện tại khá hạn chế.
Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính) vừa công bố, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 4 ước đạt 37,45 tỷ USD, giảm 2,8% so với tháng trước và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 4 đạt 36,87 tỷ USD, tương đương với tháng trước và tăng 22,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước đạt 276,89 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 13%, nhập khẩu tăng 18,6%. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 4 xuất siêu 0,58 tỷ USD, đưa mức lũy kế xuất siêu đạt 3,79 tỷ USD sau 4 tháng đầu năm nay, so với mức xuất siêu 9,06 tỷ USD của cùng kỳ năm trước.
Kết quả xuất khẩu của tháng 4 cho thấy chính sách thuế quan của Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đang tác động rõ nét đến hoạt động xuất khẩu của toàn nền kinh tế. Xuất khẩu giảm sẽ gây hụt nguồn cung, trong khi nhập khẩu tăng tạo sức ép lên cầu ngoại tệ, điều này tác động đến tỷ giá trong nước.
Đồng thời, muốn tăng trưởng kinh tế mạnh cần phải đẩy mạnh tín dụng. Với mức tăng trưởng tín dụng 16%, một lượng tiền lớn được đẩy vào trong lưu thông cũng sẽ gây ảnh hưởng đến giá trị VNĐ, làm tỷ giá tăng.
Trong báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến nội dung chất vấn trong lĩnh vực NH, NHNN cũng cho biết, trong tương lai gần tỷ giá và thị trường ngoại tệ khả năng tiếp tục chịu áp lực lớn từ các yếu tố phức tạp trên thị trường quốc tế. Từ các chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump dự kiến tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu; lộ trình chính sách tiền tệ khó lường của Fed; diễn biến địa chính trị, các cú sốc giá cả hàng hóa, và khó khăn ở trong nước (từ chênh lệch lãi suất VNĐ và USD, nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế duy trì cao.
Ngoài ra, các chính sách thuế quan khó đoán định từ phía Mỹ, dự kiến sẽ tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động xuất khẩu, thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới, có thể gây áp lực lên dự trữ ngoại hối vốn đã khá khiêm tốn của Việt Nam sau khi phải bán ra hơn 9 tỷ USD vào năm ngoái.
Tuy nhiên, các yếu tố nội tại vẫn đang ghi nhận những kết quả tích cực, như thặng dư thương mại (khoảng 3,79 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm 2025), vốn FDI giải ngân 6,74 tỷ USD (tăng 7,3%), và sự phục hồi của lượng khách du lịch quốc tế trong 4 tháng qua (tăng 23,8%). Những điều này cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ cho VNĐ.
Báo cáo của Bộ phận Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB (Singapore), với dự báo cập nhật về tỷ giá USD/VNĐ đạt mức 26.500 đồng/USD trong quý II, 27.200 đồng/USD trong quý III, 26.800 đồng/USD trong quý IV, và quay lại mức 26.500 đồng/USD trong quý I-2026.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/ty-gia-van-bien-dong-kho-luong-post122663.html