Tỷ giá vẫn đang tìm đỉnh mới, nhà điều hành sẽ hành động ra sao?
Tỷ giá USD liên tục tăng so với thời điểm đầu năm và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tiếp tục tìm đỉnh mới. Dự báo Ngân hàng Nhà nước có thể phải sử dụng thêm các công cụ điều hành khác để ổn định tỷ giá nếu giá đồng bạc xanh tiếp tục leo thang trên thị trường quốc tế.
Sau một tháng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục hút ròng, lãi suất liên ngân hàng đã được đẩy tiệm cận với mức lãi suất huy động trên thị trường. Nếu mức lãi suất này tăng thêm nữa và duy trì một thời gian sẽ có thể thúc đẩy các ngân hàng quay trở lại tăng lãi suất huy động.
Lãi suất liên ngân hàng tiệm cận lãi suất huy động
Theo thống kê của VnBusiness, so với đầu tháng 10, trong phiên giao dịch gần nhất (ngày 27/10), lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã tăng từ mức 0,16% lên ở mức 1,37%/năm, kỳ hạn 1 tháng từ 0,97% lên 2,66%. Trước đó, trong các ngày từ 24/10, lãi suất liên ngân hàng lên mức 2,84%/năm, gấp 11,8 lần so với một tháng trước.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM đánh giá, lãi suất liên ngân hàng tăng thể hiện tính hiệu quả của việc phát hành tín phiếu để hút tiền VND dư thừa trên thị trường liên ngân hàng về của NHNN, nhằm mục đích tăng lãi suất ngắn hạn trên thị trường này.
Điều đó cũng cho thấy một tín hiệu tích cực khi lượng tiền trong ngân hàng cũng không còn dư thừa như trước đây, lãi suất trên thị trường 1 (huy động vốn từ người dân và tổ chức) và thị trường 2 (thị trường tiền tệ liên ngân hàng) đang gần bằng nhau.
Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng ở các ngân hàng hiện nay đang dao động ở mức 3,6 – 4,75%/năm và lãi suất kỳ hạn 6 tháng dao động ở mức 4,4 – 6,1%/năm.
Việc lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh dẫn tới chênh lệch lãi suất tiền gửi VND và USD thu hẹp đáng kể. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục đà tăng, với giá bán USD tại Vietcombank - ngân hàng có quy mô giao dịch ngoại tệ lớn nhất hệ thống vào ngày 30/10 ở mức 24.730 VND/USD, tăng khoảng 4,2% từ đầu năm và tăng 1,1% so với cuối tháng 9.
Giới phân tích lo ngại, nếu mức lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng thêm nữa và duy trì một thời gian sẽ có thể thúc đẩy các ngân hàng quay trở lại tăng lãi suất huy động tiết kiệm, từ đó tạo ra hiệu ứng domino trên hệ thống. Trong khi đó, tỷ giá đã tăng mạnh trong thời gian qua và chỉ còn cách đỉnh 24.888 VND/USD hồi năm 2022 không xa.
Hai kịch bản điều hành tỷ giá
Theo nhận định chung, áp lực tỷ giá hiện đang đến từ 2 yếu tố chính: tình trạng chênh lệch lãi suất USD và VND kéo dài từ tháng 5/2023 và sự tăng giá của chỉ số đồng USD (DXY). Trong bối cảnh cuộc họp chính sách tháng 11 của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang tới gần (31/10 - 1/11) và ngân hàng trung ương Mỹ vẫn để ngỏ khả năng tăng lãi suất thêm một lần nữa, giới phân tích cho rằng NHNN có thể phải sử dụng thêm các công cụ điều hành khác để ổn định tỷ giá nếu giá đồng bạc xanh tiếp tục leo thang trên thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh hiện nay, theo các chuyên gia, bất kỳ một sự biến động tăng nào của một trong hai yếu tố tỷ giá và lãi suất cũng có thể dẫn tới kịch bản hành động mới của NHNN.
Nhà phân tích vĩ mô Trịnh Viết Hoàng Minh dự báo NHNN sẽ có 2 giải pháp trong ngắn hạn nếu tỷ giá tiếp tục tăng.
Thứ nhất, để số dư tín phiếu đáo hạn và dòng tiền quay trở lại thị trường liên ngân hàng, từ đó thanh khoản và lãi suất thị trường liên ngân hàng hạ nhiệt. Mục đích cuối cùng đó là lãi suất liên ngân hàng ở mức cao, gần với mức lãi suất huy động thị trường 1 các kỳ hạn 1-3 tháng nhưng không tạo ra cuộc đua tăng lãi suất trên thị trường 1.
Thứ hai, trong trường hợp công cụ điều tiết thanh khoản thông qua tín phiếu không phát huy tác dụng, tỷ giá vẫn tăng nóng và lãi suất vẫn ở mức cao, NHNN có thể xem xét sử dụng phương án bán kỳ hạn USD kỳ hạn 3-6 tháng và cho phép các ngân hàng hủy ngang.
“Các giải pháp này có thể linh hoạt phối hợp và sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống cũng như cung cầu USD trong quý IV này. Trong trường hợp tăng trưởng tín dụng có thể bứt phá lên vào quý cuối cùng, chúng tôi cho rằng NHNN thậm chí có thể xem xét tới việc bổ sung thanh khoản thông qua kênh OMO", ông Minh nêu.
Cách đây không lâu, liên quan đến vấn đề tỷ giá, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết: “Năm nay, trong bối cảnh các ngân hàng trung ương tiếp tục thắt chặt tiền tệ, NHNN vẫn cố gắng điều hành ổn định thị trường tiền tệ, ngoại tệ và tỷ giá biến động khoảng 3,9% là mức hợp lý so với các nước xung quanh và khu vực”.
Đại diện NHNN khẳng định, tỷ giá vẫn đang biến động trong biên độ cho phép, NHNN sẽ điều hành không để xảy ra tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ tỷ giá tăng. Hiện nay, nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, dòng vốn FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng, các nguồn ngoại tệ khác cũng diễn biến tích cực… là cơ sở để ổn định tỷ giá.
Riêng ở TP HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM cho hay, đến cuối tháng 9/2023, lượng kiều hối chuyển về đạt 6,68 tỷ USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt lượng kiều hối cả năm ngoái.
"Lượng kiều hối chuyển về tăng trưởng tốt là một trong những nguồn cung ngoại tệ góp phần bảo đảm quan hệ cung - cầu ngoại tệ, hỗ trợ hiệu quả cho việc giảm áp lực tỷ giá", ông Lệnh nhận xét.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận nguồn cung ngoại tệ tăng thêm còn nhờ sự đóng góp của việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa thặng dư 24,61 tỷ USD, vốn FDI giải ngân khoảng 18 tỷ USD trong 10 tháng năm 2023.