Tỷ giá VND/USD tăng kỷ lục dù USD suy yếu: Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết trong trường hợp cần thiết sẽ can thiệp thị trường bằng cách bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng để ổn định thanh khoản.

Ngân hàng Nhà nước lý giải nguyên nhân tỷ giá tăng khi USD thế giới giảm. (Ảnh: Vietnam+)
Tại buổi họp báo kết quả 6 tháng đầu năm do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 8/7, ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ cho biết có nhiều nguyên nhân khiến VND mất giá từ 2,7%-2,8%, trong khi từ đầu năm 2025 đến nay, DXY - chỉ số đo lường sức mạnh đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác - giảm khoảng 10%. Trong đó, có lý do là để có mặt bằng lãi suất thấp thì phải có sự đánh đổi nhất định, trong đó có tỷ giá.
Tỷ giá VND/USD tăng kỷ lục bất chấp USD suy yếu
Trong những ngày đầu tháng Bảy, tỷ giá liên ngân hàng tăng lên mức cao kỷ lục 26.207 VND/USD. Các ngân hàng thương mại cũng niêm yết giá mua trên 26.000 VND/USD và giá bán kịch trần 26.371 VND/USD.
Sự gia tăng này diễn ra trong bối cảnh USD đang suy yếu toàn cầu do lo ngại về thâm hụt ngân sách Mỹ và bất ổn thương mại. DXY hiện còn khoảng 96,99 điểm - mức thấp nhất từ tháng 2/2022.
Đà giảm này diễn ra trong bối cảnh thị trường đánh giá lại các tín hiệu chính sách tiền tệ ôn hòa từ Chủ tịch Fed Jerome Powell cùng với tác động từ dự luật chi tiêu mới được thông qua.
Lý giải hiện tượng trái ngược này, Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng đây là một hiện tượng đáng chú ý. Trên lý thuyết, khi đồng USD mất giá so với các ngoại tệ khác, đồng Việt Nam (VND) sẽ lên giá và tỷ giá sẽ giảm. Tuy nhiên, thực tế lại diễn ra theo chiều ngược lại, tỷ giá vẫn tăng khoảng 2,7% và dự báo cho cả năm 2025 có thể tăng ít nhất 5%.
Cụ thể theo ông Hiếu, thứ nhất, dự trữ ngoại hối của chúng ta hiện tại rất mỏng, chỉ vào khoảng 80 tỷ USD. Trong khi đó, mức bình quân 3 tháng nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm là 105 tỷ USD. Điều này có nghĩa là dự trữ ngoại hối không đáp ứng đủ chuẩn mực quốc tế là 3 tháng nhập khẩu, một tiêu chuẩn quan trọng để bảo đảm tính thanh khoản cho nền kinh tế.
Thứ hai, nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm cũng tăng, đẩy nhu cầu về ngoại tệ lên cao. Dù kinh tế có sự tăng trưởng tốt (trên 7% trong 6 tháng đầu năm), nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh vấn đề thuế quan với Mỹ, làm giảm giá trị của đồng nội tệ.
Ông Phạm Chí Quang giải thích, lãi suất là yếu tố quan trọng trong việc duy trì sức mạnh của một đồng tiền. Trong thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc giảm lãi suất cho vay để đảm bảo tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay. Theo đó, lãi suất cho vay giảm 0,6% so với cuối năm 2024.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ tại buổi họp báo. (Ảnh: Vietnam+)
“Tuy nhiên, việc hạ lãi suất cũng đòi hỏi những đánh đổi, trong đó có tỷ giá. Cùng với đó, mặt bằng lãi suất VND thấp trên thị trường liên ngân hàng đã dẫn tới chênh lệch lãi suất âm so với USD, khiến USD hấp dẫn hơn, dẫn tới các tổ chức sẽ chuyển sang nắm giữ USD. Mặc dù nhìn cán cân thanh toán của chúng ta vẫn ổn định, chúng ta vẫn có thặng dư tốt nhưng dòng tiền chuyển đổi rất nhanh, trong đó có liên quan đến dòng vốn ngoại trên thị trường chứng khoán liên tục rút vốn từ năm 2024 đến nay,” ông Phạm Chí Quang giải thích.
So với các quốc gia châu Á khác - nơi đang chứng kiến dòng vốn quốc tế quay lại nhờ USD yếu - thì Việt Nam lại gặp xu hướng ngược.
Giải pháp điều hành và ứng phó
Dự báo tỷ giá và lãi suất trong 6 tháng cuối năm, ông Quang điểm lại thông tin ngay trong sáng cùng ngày (8/7), chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có công bố mức thuế đối ứng với 14 quốc gia. Với biểu thuế suất này, dòng vốn FDI sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Ông Phạm Chí Quang cho biết nước ta có độ mở lớn, thị trường xuất khẩu rất lớn đặc biệt xuất khẩu sang Mỹ, vì vậy chính sách thuế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá, lãi suất trong thời gian tới khi dòng vốn có sự dịch chuyển giữa các quốc gia.
Cũng theo ông Quang, chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là điều đáng quan tâm, Fed đã trì hoãn giảm lãi suất 2 lần, do chính sách thuế của chính quyền Trump. Mặc dù lạm phát các nước châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm nhưng lạm phát ở Mỹ lại rất bấp bênh. Trong khi đó chính sách điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ là dựa trên các số liệu, đặc biệt là dữ liệu việc làm.Trong khi dữ liệu này lại đang có rất nhiều ẩn số.
Ông Quang cho rằng với sự biến động khó lường trước của chính sách giảm lãi suất của Fed nên đây sẽ là nhân tố tác động rất lớn sự vận động lãi suất và tỷ giá của Việt Nam.
Đáng chú ý, với một nền kinh tế có độ mở lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu từng tương đương 200% GDP, trong đó thị trường Mỹ đóng vai trò chủ lực, Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ sụt giảm dòng vốn đầu tư và áp lực lớn hơn lên tỷ giá.

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc quá nhiều vào hai thị trường lớn. (Ảnh: Vietnam+)
Trước biến động phức tạp, một số chuyên gia khuyến nghị doanh nghiệp nhập khẩu nên mua ngoại tệ kỳ hạn để giảm rủi ro tỷ giá và chủ động kế hoạch tài chính.
Một giải pháp dài hạn hơn là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần đa dạng hóa thị trường, tránh lệ thuộc quá nhiều vào hai thị trường lớn là Trung Quốc (nhập khẩu) và Hoa Kỳ (xuất khẩu).
Về phía Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, khi cần thiết, Ngân hàng Nhà nước sẽ can thiệp thị trường bằng cách bán ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng để ổn định thanh khoản, đảm bảo nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động tạo dư địa để tỷ giá diễn biến linh hoạt, giúp hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài và duy trì ổn định thị trường ngoại hối./.