Tỷ lệ béo phì của trẻ em Việt Nam gia tăng bất chấp mọi khuyến cáo

Mặc dù có rất nhiều khuyến cáo về tình trạng béo phì nhưng tỷ lệ này vẫn tăng cao, nhất là trẻ em ở các thành phố lớn.

Ngày 21/9, Bộ Y tế tổ chức Ngày Dinh dưỡng cộng đồng lần thứ 3 tại Hà Nội. Ông Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết hiện nay, đời sống của người dân được cải thiện, không còn lo chuyện đủ ăn mà đang lo ăn sao cho vừa. Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin, tỷ lệ thừa cân, béo phì tại Việt Nam vẫn đang tăng cao bất chấp mọi khuyến cáo, nhất là ở lứa tuổi trẻ em. Điều đó cho thấy người dân chưa quan tâm tới thực hành dinh dưỡng một cách khoa học, ăn như thế nào cho vừa và rèn luyện thể dục hợp lý.

Ông Thuấn cho rằng phong trào tập thể dục thể thao đã phát triển nhưng so với thực tế trong cộng đồng là chưa đủ. Ngành y tế cần nỗ lực truyền thông nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về các vấn đề dinh dưỡng, thể dục thể thao.

Chia sẻ tại chương trình tư vấn, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Hà Nội) cho biết, hiện trạng dinh dưỡng trong lứa tuổi trẻ em và học sinh đang đối diện với gánh nặng kép là béo phì và suy dinh dưỡng.

Bác sĩ Hưng tư vấn cho phụ huynh học sinh về dinh dưỡng.

Bác sĩ Hưng tư vấn cho phụ huynh học sinh về dinh dưỡng.

Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ 5-19 tuổi đã tăng gấp đôi (từ 8,5% năm 2010 lên 19% năm 2020). Tình trạng suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 24,2% xuống 12,2% (ở nhóm 5 đến 10 tuổi); suy dinh dưỡng thể thấp còi giảm từ 23,4% xuống 14,8% (trẻ từ 5 đến 19 tuổi)… thì thừa cân, béo phì tăng từ 8,5% lên 19% (nhóm trẻ 5 đến 19 tuổi).

Một nghiên cứu về tỷ lệ thừa cân, béo phì ở học sinh lớp 5 tại 1 số quận huyện của Hà Nội năm 2023 cho thấy tỷ lệ này ở các quận nội thành lên tới 45-55%, khu vực ngoại thành 20-31%.

Theo bác sĩ Hưng, đây là vấn đề rất quan ngại, ảnh hưởng tới sự phát triển tầm vóc, sức khỏe khi các em trưởng thành.

Tư vấn cho các phụ huynh tham gia chương trình, bác sĩ Hưng cho biết cha mẹ cần tập trung vào chất lượng bữa ăn, đảm bảo đủ chất đạm, đường, béo và bổ sinh vi chất đặc biệt là canxi, magie, sắt, kẽm.

Vị chuyên gia này cũng khuyến cáo nhà trường và phụ huynh cần thường xuyên thay đổi thực đơn để tránh nhàm chán, chọn các thực phẩm kích thích hệ tiêu hóa, những loại rau, củ quả có màu sắc bắt mắt tăng hứng thú với trẻ hơn.

Đối với hoạt động thể lực, bác sĩ Hưng khuyến khích các hoạt động thể lực ở trẻ nhỏ, học sinh là những trò chơi vận động, vui chơi giải trí, giờ học thể dục, thể thao trường học, các hoạt động trong thời gian nghỉ giữa các tiết học; đi bộ, chạy nhảy hoặc đi xe đạp đến trường và các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại, tập luyện thể thao… Trung bình thời gian luyện tập từ 30-60 phút/ngày.

Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, Nghị quyết số 20/2017 về Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và Nghị quyết 21 về công tác dân số đều tập trung các chiến lược nâng cao sức khỏe. Trong đó, các khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp của từng nhóm đối tượng được nhấn mạnh cụ thể trong chương trình hành động.

Nghị quyết 20 ghi cần tập trung triển khai các chương trình bổ sung vi chất cần thiết cho các nhóm người như phụ nữ có thai, lứa tuổi học đường, người cao tuổi.

Nghị quyết 21 cũng lưu ý cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, khơi dậy phong trào người dân thường xuyên tập thể dục, thể thao, có lối sống lành mạnh. Đặc biệt, ở lứa tuổi học đường cần tuyên truyền về vai trò của dinh dưỡng, tập luyện nhằm nâng cao tầm vóc, thể lực của người Việt trong tương lai.

Khuyến nghị năng lượng và chế độ ăn cho trẻ mẫu giáo:

Khuyến nghị năng lượng tại trường học tiểu học:

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ty-le-beo-phi-tai-viet-nam-gia-tang-bat-chap-moi-khuyen-cao-2324430.html