Tỷ lệ công trình xây dựng không phép, sai phép lại tăng
Theo báo cáo của 37/63 địa phương, trong năm 2016 tỷ lệ công trình không có giấy phép xây dựng lại tăng.
Theo số liệu báo cáo môi trường kinh doanh Doing Business 2017 của Ngân hàng thế giới (WB) thì chỉ tiêu về cấp giấy phép xây dựng và các thủ tục liên quan có thứ bậc cao nhất trong 10 chỉ tiêu đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam và xếp thứ 3 trong các nước ASEAN.
Tuy nhiên, theo báo cáo của 37/63 địa phương, trong năm 2016 tỷ lệ công trình không có giấy phép xây dựng lại tăng. Năm 2015, tỷ lệ công trình xây dựng không phép chỉ từ 3,7% thì năm 2016 đã tăng thêm 1,16%, ở mức 4,86%. Cùng đó, số công trình xây sai với giấy phép cũng tăng từ 1,11% năm 2015 lên 2,82% (tăng 1,71%).
Lý giải về thực tế này, ông Bùi Trung Dung – Cục trưởng Cục Hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, một số nội dung chủ yếu của Nghị quyết 43/NQ-CP về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh đã được tích hợp trong Luật Xây dựng 2014; trong đó, có nội dung mở rộng đối tượng được miễn giấy phép xây dựng và cụ thể hơn nội dung hồ sơ cho từng đối tượng cấp phép xây dựng nhằm minh bạch và dễ thực hiện. Mặc dù vậy, quy định này không thể được hiểu là đồng nghĩa với việc buông lỏng quản lý đầu tư xây dựng.
Luật đã quy định các trường hợp được miễn giấy phép xây dựng, trước khi khởi công xây dựng công trình thì chủ đầu tư có trách nhiệm gửi hồ sơ công trình về cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền để quản lý theo dõi, nhưng thực tế một số chủ đầu tư chưa có nhận thức đầy đủ về quy định này hoặc chưa nghiêm túc chấp hành nên đã vi phạm.
Với trường hợp công trình, dự án được miễn giấy phép xây dựng thì hồ sơ quản lý quá trình thi công xây dựng là hồ sơ thiết kế được phê duyệt theo quy định. Theo đó, hồ sơ thiết kế thì chi tiết hơn và nhiều nội dung hơn nội dung Giấy phép xây dựng (giấy phép xây dựng để quản lý theo quy định tại Điều 90 Luật Xây dựng chỉ gồm 5 thông tin chính). Các bản vẽ thiết kế kỹ thuật sau thẩm định được phê duyệt có thể có điều chỉnh so với thiết kế cơ sở nhưng vẫn phù hợp với chỉ tiêu quản lý quy hoạch xây dựng, nội dung Quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật.
Trong khi đó, việc thanh tra, kiểm tra xây dựng theo thiết kế kỹ thuật hiện nay được đối chiếu với thiết kế cơ sở thì sẽ xuất hiện sự sai khác nên bị xử lý hành chính về trật tự xây dựng. Ông Dung cho rằng, đây là vấn đề phát sinh mới và Cục Quản lý hoạt động xây dựng đang khẩn trương xem xét để tham mưu, đề xuất lên lãnh đạo Bộ Xây dựng để bổ sung quy định của pháp luật có liên quan nhằm bảo vệ các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
Mặt khác, Luật Xây dựng 2014 cũng đã cho phép chủ đầu tư được thực hiện lồng ghép, song song các thủ tục hành chính. Đây cũng là nội dung quan trọng của Nghị quyết 43/NQ-CP để giảm thời gian thực hiện đầu tư. Các thủ tục này phải được thực hiện đầy đủ trước khi khởi công xây dựng công trình. Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số chủ đầu tư lại chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục như thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, phê duyệt thiết kế kỹ thuật… trước khi khởi công xây dựng./.
Nguồn Bnews: http://bnews.vn/ty-le-cong-trinh-xay-dung-khong-phep-sai-phep-tang/36325.html