Tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi thấp kỷ lục với 42,8%

Tỷ lệ doanh nghiệp báo lãi thấp kỷ lục, cùng với đó tỷ lệ doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất, kinh doanh trong 2 năm tới đạt mức thấp nhất kể từ năm 2013.

Báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 vừa được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố đã bộc lộ rõ thêm những khó khăn mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt.

Theo ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch VCCI: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2023 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, mức tăng trưởng GDP quý I năm nay chỉ đạt 3,32% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng hàng quý thấp thứ hai trong cả giai đoạn 2011-2023.

Tình hình phát triển doanh nghiệp trong quý I/2023 cũng đáng lo ngại khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lên tới 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thấp hơn, chỉ ở mức 57 nghìn doanh nghiệp. Trung bình mỗi tháng trong quý I/2023, khoảng 20,1 nghìn doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường.

Báo cáo Chỉ số PCI năm 2022 cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn

Báo cáo Chỉ số PCI năm 2022 cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn

Tình hình kém lạc quan này cũng được phản ánh qua đánh giá niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia Khảo sát PCI 2022. Kết quả cho thấy, chỉ 35% doanh nghiệp tư nhân và 33% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có dự định mở rộng sản xuất, kinh doanh trong vòng 2 năm tới.

“Tức là có tới 2/3 số doanh nghiệp dự kiến không tăng thêm quy mô trong vòng 2 năm tới.” – ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh và cho biết, trong điều kiện bất lợi ấy, vai trò của các chính quyền địa phương sẽ được chú ý nhiều hơn với những kỳ vọng lớn hơn về tạo thuận lợi môi trường kinh doanh nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các thách thức, phục hồi và phát triển ổn định.

Cũng nói về những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn – Ủy viên Ban Thường trực; Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng: Điều tra PCI năm 2022 được tiến hành dựa trên phản hồi thông tin của gần 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam.

Doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận thủ tục đất đai

Doanh nghiệp gặp khó trong tiếp cận thủ tục đất đai

Kết quả cho thấy, mặc dù đã có sự cải thiện, nhưng nhìn chung cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến thủ tục đất đai, tiếp cận vốn tín dụng. Cụ thể, liên quan đến vấn đề tiếp cận đất đai, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, có đến 42,9% doanh nghiệp cho biết không mở rộng sản xuất, kinh doanh do gặp khó khăn về tiếp cận đất đai và hy vọng điều này sẽ được “hóa giải” khi Luật Đất đai (sửa đổi) được ban hành.

Liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn tín dụng, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, đây là khó khăn hàng đầu mà cộng đồng doanh nghiệp đang phải trải qua, dù thời gian qua Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách tiếp cận vốn, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được vốn ngân hàng là rất ít và đang có xu hướng giảm. Điều này được thể hiện qua quy mô vốn bình quân của doanh nghiệp chỉ đạt 15,6 tỷ đồng. Bên cạnh những khó khăn trên, báo cáo PCI năm 2022 cũng cho thấy, doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân người lao động.

Liên quan đến tình trạng chi phí không chính thức, ông Phạm Tấn Công cho rằng, báo cáo PCI năm 2022 cũng cho thấy, tình trạng trả chi phí không chính thức vẫn duy trì xu hướng giảm đã bắt đầu từ năm 2016. Trong đó, tỷ lệ doanh nghiệp dành hơn 10% doanh thu để trả chi phí không chính thức trong PCI 2022 là 3,8%, giảm mạnh từ mức 9,1% của PCI 2016.

Việc cải thiện tính minh bạch có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là với các loại tài liệu quy hoạch. Dù vẫn chưa đạt đến mức độ “dễ dàng” tiếp cận với số đông doanh nghiệp nhưng xu hướng theo thời gian cho thấy những trở ngại đang dần được gỡ bỏ với doanh nghiệp khi tiếp cận các loại thông tin, tài liệu này.

Tuy nhiên, các điểm chưa được như kỳ vọng là tình trạng phiền hà, nhũng nhiễu vẫn phổ biến với một số lĩnh vực thủ tục hành chính. Các lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất theo cảm nhận của doanh nghiệp là thuế/phí, giải phóng mặt bằng, bảo hiểm xã hội, phòng cháy chữa cháy và xây dựng.

Dự báo trong thời gian tới, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn và thách thức, do tác động của xung đột Việt Nam – Ukraine và khủng hoảng năng lượng, vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng chưa thể chấm dứt. Trong bối cảnh đó, để tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp, vai trò của Chính phủ, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương rất quan trọng. Theo đó, nhóm nghiên cứu PCI kỳ vọng, chính quyền các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hơn nữa, lấy sự ổn định và thuận lợi của môi trường kinh doanh bù đắp cho những bất ổn của thị trường thế giới.

Báo cáo PCI năm 2022 được xây dựng trên thông tin phản hồi từ 11.872 doanh nghiệp, trong đó có 10.590 doanh nghiệp tư nhân và 1.282 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Theo Ban tổ chức lễ công bố PCI, kể từ khi bắt đầu tiến hành vào năm 2005 tới nay, đã có 176.496 lượt doanh nghiệp tham gia khảo sát PCI, phản ánh các khía cạnh đa dạng của môi trường kinh doanh Việt Nam.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ty-le-doanh-nghiep-bao-lai-thap-ky-luc-voi-428-249850.html