Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng trọng tài thương mại để giải quyết tranh chấp thấp
Giải quyết tranh chấp qua Tòa án và trọng tài vẫn còn thấp so với tranh chấp của doanh nghiệp (DN) đang xảy ra trong thực tế.
Năm 2017 Việt Nam có khoảng 400.000 vụ việc giải quyết tại tòa án, trong đó khoảng 100.000 vụ việc về kinh tế tranh chấp thương mại. Mặc dù tòa án thì đang quá tải, nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ các tranh chấp trong hoạt động kinh doanh của DN.
Trong khi đó, số vụ việc giải quyết tại Trung tâm trọng tài chưa tới 1% số vụ việc được giải quyết tại tòa án. Thông tin trên được cho biết tại hội thảo “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải - phương án khả thi cho DN” tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh ngày 16/8.
Ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh -cho biết: Việt Nam gia nhập kinh tế khu vực và toàn cầu rất sâu rộng, bên cạnh cơ hội và tác động tích cực của hội nhập thì các vụ tranh chấp thương mại trong và ngoài nước cũng có xu hướng ngày càng tăng.
Về phía VCCI và các Hiệp hội, đã phối hợp với Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và các tổ chức khác tổ chức nhiều cuộc tập huấn để phổ biến pháp luật và kỹ năng phòng ngừa các tranh chấp trong hoạt động thương mại.
Ông Phan Trọng Đạt, Phó Giám đốc thường trực Trung tâm hòa giải Việt Nam VMC nêu dẫn chứng, gần đây có một DN bánh kẹo trong nước được đối tác ở Châu Phi muốn mua hàng đề nghị mỗi năm xuất 52 container, thậm chí không cần xem hàng mẫu có chất lượng hay không. DN Việt Nam tin tưởng xuất hang đi, thế nhưng khi hàng cập cảng ở châu Phi đối tác không chịu nhận hàng. Cuối cùng DN Việt không chịu nổi phí lưu kho, lưu bãi đành giảm giá bán để đối tác nhận hàng.
Ông Đạt cho rằng, qua câu chuyện trên cho thấy, tư duy hợp đồng thì bao giờ cũng là tìm kiếm đối tác, đàm phán giao dịch, ký kết hợp đồng và thực hiện hợp đồng với mục đích muốn suôn sẻ, nhưng luôn có thêm khúc tư duy là chẳng may không suôn sẻ với rất nhiều lý do thì chúng ta cần phải biết về hòa giải, trọng tài và tòa án. Tại VIAC, số vụ tranh chấp trước đây chủ yếu là 1 bên là DN nước ngoài và 1 bên là DN Việt Nam, bởi DN Việt nam chưa ý thức được việc phải chọn giải quyết bằng trọng tài. Nhưng khoảng 3-4 năm trở lại đây, thì tại VIAC có khoảng 2/3 số vụ tranh chấp cả hai bên đều là DN Việt Nam.
Ông Trần Ngọc Liêm- thông tin, năm 2017 Singapore đã hòa giải được 2.700 vụ bất đồng kinh tế còn tại Việt Nam, số lượng DN biết về trọng tài, hòa giải đếm trên đầu ngón tay. Cụ thể khảo sát của VCCI cho thấy, năm 2017 Việt Nam có khoảng 400.000 vụ việc giải quyết tại tòa án, trong đó khoảng 100.000 vụ việc về kinh tế tranh chấp thương mại và trong số này chưa tới 1% số vụ việc được giải quyết tại Trung tâm trọng tài. “Mong muốn sắp tới đây các vụ tranh chấp thương mại được giải quyết thông qua trọng tại quốc tế và hòa giải được 10%. Theo tôi, tỷ lệ trên quá cao vì con số thực triển khai chỉ đạt 0,5%”, ông Liêm cho biết.
Theo một số liệu điều tra trong năm 2017, có 92% DN FDI khi được hỏi có chọn tòa án giải quyết tranh chấp không thì họ trả lời không. Điều đó, cho thấy, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đang là xu hướng của DN. Nói về ưu điểm của giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài, bà Mai Thị Tuyết Hạnh, Phó phòng Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh- cho hay, đây là phương thức giải quyết do các bên tự thỏa thuận. Ưu điểm này thể hiện thể hiện ở quyền được chọn trọng tài viên của các bên đương sự, điều mà không tồn tại ở tòa án.