Tỷ lệ hộ nghèo tỉnh Hòa Bình đã giảm vượt chỉ tiêu đề ra trong năm 2023

Năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã được được đẩy nhanh tiến độ và đạt được nhiều kết quả.

Kết quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023

Hòa Bình xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 với tổng nguồn lực là 681.470 triệu đồng. Trong đó, vốn đầu tư 157.162 triệu đồng; vốn sự nghiệp 69.508 triệu đồng, vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội 353.800 triệu đồng, vốn huy động khác 1.000 triệu đồng. Cho đến nay, tổng kinh phí giải ngân trên địa bàn tỉnh là 136.830 triệu đồng, trong đó vốn sự nghiệp 47.845 triệu đồng và vốn đầu tư là 88.985 triệu đồng.

Với chỉ tiêu, toàn tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 2,5%, và thực tế, theo báo cáo của các huyện, thành phố, tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh đạt 117% kế hoạch được giao. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 2,92% (từ 12,29% cuối năm 2022 xuống còn 9,37% cuối năm 2023), huyện nghèo (huyện Đà Bắc) giảm 8,1% (từ 34,94% cuối năm 2022 giảm còn 26,84% cuối năm 2023). Với huyện Lạc Sơn, Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện 92.040 triệu đồng, đến cuối tháng 10, nguồn vốn đầu tư phát triển đã giải ngân đạt 22,3%, vốn sự nghiệp kinh tế giải ngân đạt 19,6%.

Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện tạo điều kiện cho người dân vay vốn, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ảnh: Cổng TTĐT Hòa Bình

Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện tạo điều kiện cho người dân vay vốn, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Ảnh: Cổng TTĐT Hòa Bình

Về điều kiện vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn ưu đãi. 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế. Dự kiến đến cuối năm 2023, tỉnh Hòa Bình giải ngân 100% nguồn vốn kế hoạch được phân bổ năm 2022 và dự kiến giải ngân 90% nguồn vốn kế hoạch được phân bổ năm 2023.

Về dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội huyện nghèo (huyện Đà Bắc) với nguồn vốn ngân sách 49.015 triệu đồng, năm 2023, Chương trình đã cho khởi công mới 10 công trình và đã thực hiện xong 01 công trình đường khu tái định cư Mường Chiềng. Với 31 công trình chuyển tiếp từ năm 2022, đã có 02 công trình đi vào sử dụng, 17 công trình hoàn thành thi công và tiếp tục thi công 12 công trình còn lại.

Về đề án hỗ trợ một số huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, xã đặc biệt khó khăn với nguồn vốn 73.719 triệu đồng, tỉnh Hòa Bình đã cho cải tạo, sửa chữa đường huyện (ĐH.34) từ ngã ba Ênh, xã Tân Minh đến xã Yên Hòa, huyện Đà Bắc; ngoài ra, tỉnh Hòa Bình hiện đang lựa chọn nhà thầu và duy tu bảo dưỡng 01 công trình. Bên cạnh đó, còn có những dự án khác như dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (37.471 triệu đồng); dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (16.527 triệu đồng); dự án Cải thiện dinh dưỡng (4.298 triệu đồng).

Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG tại xóm Nà Chiếu, xã Cao Sơn. Ảnh: Cổng TTĐT Hòa Bình

Đoàn công tác của UBND tỉnh kiểm tra tiến độ thực hiện dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình MTQG tại xóm Nà Chiếu, xã Cao Sơn. Ảnh: Cổng TTĐT Hòa Bình

Về dự án phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững với nguồn vốn ngân sách Trung ương là 59.969 triệu đồng, hiện các đơn vị dạy nghề đang triển khai thực hiện việc đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy nghề, mở các lớp dạy nghề cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo tham gia. Huyện Lạc Sơn được phân bổ kinh phí 4,5 tỷ đồng với dự án đào tạo nghề, tuyên truyền hướng nghiệp năm 2023, huyện đã tổ chức được 13 lớp dạy nghề với 425 học viên và 64 hội nghị tuyên truyền tại các xã, thị trấn. Ngoài nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia, huyện đã dành ngân sách từ 400 - 500 triệu đồng cho đào tạo nghề nông nghiệp và chuyển đổi nghề phi nông nghiệp; nâng cao chất lượng nguồn lao động và tạo việc làm cho người lao động.

Về dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nguồn vốn ngân sách Trung ương là 27.080 triệu đồng, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện hỗ trợ trên địa bàn huyện Đà Bắc 862 hộ, trong đó có 492 hộ xây mới và 370 hộ sửa chữa nhà ở). Dự kiến đến 31/12/2023 sẽ hoàn thành việc hỗ trợ.

Với dự án truyền thông và giảm nghèo về thông tin nguồn vốn ngân sách Trung ương 11.210 triệu đồng, tỉnh Hòa Bình đang thực hiện đấu thầu triển khai nội dung tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của đài truyền thanh xã cho 22 xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng đã thực hiện một số những công tác truyền thông về giảm nghèo đa chiều, phối hợp các đơn vị truyền thông để tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về giảm nghèo. Điển hình như phát sóng 5 phóng sự trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; xây dựng 06 chuyên mục và 02 clip tuyên truyền hoạt động giảm nghèo trên Báo Hòa Bình, cùng các bài viết và hình ảnh trên báo in, tạp chí điện tử của trung ương; xuất bản 6.000 cuốn bản tin giảm nghèo bền vững.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo

Tỉnh Hòa Bình là nơi cư trú của các đồng bào dân tộc thiểu số. Với hơn 74% số dân là dân tộc thiểu số, chung sống ở vùng đất này là dân tộc Mường, Thái, Tày, Dao, Mông,... Hòa Bình có vị trí chiến lược rất quan trọng, là địa phương cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Tuy nhiên ở đây vẫn còn tồn tại những khó khăn do thiếu điều kiện về kết cấu hạ tầng. Theo Quyết định 612/QĐ-UBDT của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Hòa Bình có 86 thôn, xóm đặc biệt khó khăn, trong đó có 38 thôn, xóm thuộc xã khu vực I và 48 thôn, xóm thuộc xã khu vực II.

Để giảm nghèo bền vững, quan trọng nhất là thay đổi được tư duy, nhận thức từ chính người dân, vậy nên công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục để thay đổi căn bản tư duy, nhận thức, hành động các hộ nghèo rất được tỉnh đề cao. Mục tiêu lớn nhất là để người dân có thể phát huy được tinh thần tự lực, có khát vọng, chủ động, nỗ lực phấn đấu và vươn lên thoát nghèo.

Có thể thấy, dù những kết quả của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 là rất đáng khích lệ, nhưng tồn tại vẫn còn nhiều hộ nghèo, huyện nghèo, những hoàn cảnh khó khăn, thiếu hụt đi những dịch vụ xã hội cơ bản. Nhất là khi số hộ nghèo còn lại đa phần là các hộ thuộc nhóm đối tượng bảo trợ xã hội, bệnh hiểm nghèo, không có khả năng lao động,... khiến cho công cuộc giảm nghèo của tỉnh càng trở nên khó khăn trong những năm tới.

Trong giai đoạn kế tiếp, tỉnh Hòa Bình tiếp tục cải thiện những khó khăn, đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững, đẩy mạnh hiệu quả chương trình, công tác truyền thông với mục đích nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về công cuộc xóa đói giảm nghèo. Bên cạnh đó, tỉnh thực hiện hoạt động tuyên truyền, lan tỏa thêm những tấm gương người tốt việc tốt, điển hình trong công tác giảm nghèo của tỉnh.

Khuê Anh

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/ty-le-ho-ngheo-tinh-hoa-binh-da-giam-vuot-chi-tieu-de-ra-trong-nam-2023-20231204111645399.htm