Tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ vùng Tây Nguyên thấp nhất cả nước
Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ vùng Tây Nguyên đạt 13,8%, thấp hơn 14,5% so với bình quân cả nước.
Theo Báo cáo tóm tắt tình hình phát triển giáo dục, đào tạo vùng Tây Nguyên giai đoạn 2011-2021 và nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục đào tạo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các tỉnh vùng Tây Nguyên đã có nhiều nỗ lực để tiếp cận và bảo đảm công bằng giáo dục.
Hệ thống mạng lưới trường lớp học được củng cố và phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Về cơ bản, không còn xã trắng về giáo dục mầm non, mọi thôn bản đều có lớp mầm non.
Theo số liệu thống kê, năm học 2021 - 2022, toàn vùng có 3.984 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên (tăng 494 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên so với năm học 2010 - 2011).
Về giáo dục mầm non, năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 734 cơ sở giáo dục mầm non (tăng 167 trường mầm non so với năm học 2010 - 2011), với 2.365 điểm trường (tăng 302 điểm trường so với năm học 2010 - 2011), với quy mô 330.802 trẻ em. Trong đó, số trẻ nhà trẻ là 29.925 trẻ (tăng 9.982 trẻ so với năm học 2010 - 2011); số trẻ mầm non là 300.877 (tăng 69.791 trẻ so với năm học 2010 - 2011).
Các địa phương trong vùng đã quan tâm, chỉ đạo và ban hành nhiều chính sách nhằm triển khai thực hiện tốt công tác huy động trẻ đến trường, bảo đảm quyền được học tập và tới trường của trẻ em. Tỷ lệ huy động trẻ đến trường tăng dần hằng năm, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với bình quân cả nước.
Năm học 2020 - 2021, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ vùng Tây Nguyên đạt 13,8% (tăng 6% so với năm học 2010 - 2011), thấp hơn 14,5% so với bình quân cả nước và là vùng có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ thấp nhất cả nước. Trong đó, tất cả các tỉnh trong vùng đều có tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ thấp hơn so với bình quân cả nước. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo đạt 84,5% (tăng 11,1% so với năm học 2010 - 2011), cao hơn vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Đông Nam Bộ và thấp hơn 4,9% so với bình quân cả nước.
So với mục tiêu về phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ trong khu vực thấp hơn 16,2% so với mục tiêu; tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo thấp hơn 7,6% so mục tiêu.
Thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 05/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về phổ cập giáo dục, các địa phương đã tích cực, chủ động tham mưu với các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương kiện toàn ban chỉ đạo phổ cập giáo dục; xây dựng kế hoạch, tập trung mọi nguồn lực với nhiều giải pháp tích cực để củng cố, duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Kết quả: Năm học 2020 - 2021, toàn vùng có 100% đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường đạt 99,6% (cao hơn 0,1% so với bình quân cả nước và đứng thứ 3 toàn quốc sau vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (99,9%) và vùng đồng bằng sông Hồng (99,7%);
100% trẻ em 5 tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non được học 2 buổi/ngày (cao hơn 2,6% so với bình quân cả nước và cao hơn vùng Đông Nam Bộ (84,7%) và Đồng bằng sông Cửu Long (96,7%).
Kết quả thực hiện công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi đã có tác động sâu rộng, tạo nền tảng căn bản và động lực để phát triển giáo dục mầm non; nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non; chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ vào lớp 1.
Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai Chương trình giáo dục mầm non kịp thời, đồng bộ với nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo. Đến nay, 100% trẻ nhà trẻ (cao hơn bình quân cả nước 0,2%) và 97,7% trẻ mẫu giáo (thấp hơn bình quân cả nước 1%; cao hơn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) trong khu vực được học 2 buổi/ngày.
Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ nhà trẻ được tổ chức ăn bán trú đạt 95,7% (thấp hơn 0,4% so với bình quân cả nước, cao hơn vùng đồng bằng sông Cửu Long (82,5%) và vùng trung du và miền núi Bắc Bộ (92,4%);
Tỷ lệ trẻ mẫu giáo được tổ chức ăn bán trú đạt 80,2% (thấp hơn 11,3% so với bình quân cả nước và chỉ cao hơn vùng đồng bằng sông Cửu Long (65,5%); trong đó, tỷ lệ trẻ em 5 tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non được tổ chức ăn bán trú chỉ đạt 76,6% (thấp hơn mặt bằng chung toàn quốc 15,7% và thấp nhất trong các vùng trong cả nước).
Điều này, cho thấy công tác tổ chức ăn bán trú tại các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là tại các vùng khó khăn còn gặp nhiều bất cập, chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ.