Tỷ lệ lao động nông nghiệp có bằng cấp còn thấp

Tỷ lệ lao động nông nghiệp có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên còn thấp, dưới 5%. Tỷ lệ học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm...

Ngày 11-7, diễn ra hội nghị hợp tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn.

Theo Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ NN&PTNT) Ngô Hồng Giang, cả nước hiện có khoảng 50 cơ sở đào tạo đại học có đào tạo chuyên ngành về nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và thủy lợi.

Đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho lao động nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết.

Đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho lao động nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết.

“Thời gian qua, các cơ sở đào tạo đã đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, nhờ đó, chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng từng bước được cải thiện. Qua đó, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, góp phần nâng cao năng lực tổ chức sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; ứng dụng khoa học công nghệ, đưa Việt Nam thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới”, ông Ngô Hồng Giang cho biết.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan đánh giá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực lĩnh vực nông nghiệp, đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là hết sức cần thiết và cấp bách. Thời gian qua, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang đổi mới chương trình đào tạo, gắn đào tạo lý thuyết với thực hành tại các doanh nghiệp nhằm đáp ứng thay đổi từ thực tiễn. Từ năm học 2017-2018 đến nay, hằng năm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã hợp tác đưa gần 6.000 sinh viên đến hơn 200 doanh nghiệp và hơn 50 viện nghiên cứu để thực tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, bên cạnh thành tựu đạt được, công tác đào tạo nguồn nhân lực cho lĩnh vực nông nghiệp còn bộc lộ một số hạn chế như: Tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ từ trình độ sơ cấp trở lên còn thấp, dưới 5%. Tỷ lệ học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm hơn 30% so với giai đoạn 2011-2015...

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ và sản xuất, chế biến, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp...

Đánh giá về vai trò của công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, hướng đến nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh, Bộ trưởng NN&PTNT Lê Minh Hoan khẳng định: Đây vừa là tiền đề quan trọng để nâng cao trình độ sản xuất, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh và bảo đảm phát triển bền vững của ngành, vừa là xu hướng tất yếu, mang lại giá trị lâu dài cho các trường, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp nông nghiệp.

Bộ NN&PTNT mong muốn sẽ có nhiều thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức, các cơ sở đào tạo trong và ngoài Bộ với nhiều hình thức đa dạng; nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu, thương mại hóa sản phẩm khoa học công nghệ...

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ty-le-lao-dong-nong-nghiep-co-bang-cap-con-thap-634755.html