Tỷ lệ nghịch giữa bằng cấp và việc làm

Hoạt động kinh doanh đang bùng nổ trong ngành giáo dục trị giá 117 tỷ USD của Ấn Độ khi các trường cao đẳng mọc lên với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, hàng nghìn thanh niên đang nhận thấy mình tốt nghiệp với kỹ năng hạn chế, gây thiệt hại cho nền kinh tế tại thời điểm tăng trưởng quan trọng.

Thanh niên Ấn Độ rơi vào “vòng xoáy” bằng cấp – việc làm. Ảnh: Reuters.

Thanh niên Ấn Độ rơi vào “vòng xoáy” bằng cấp – việc làm. Ảnh: Reuters.

Bùng nổ đào tạo đại học

Nhiều thanh niên Ấn Độ đang trả tiền để học 2 hoặc 3 tấm bằng với hy vọng có được việc làm. Họ bị thu hút bởi các trường đại học mọc lên trong các tòa nhà chung cư nhỏ hoặc bên trong các cửa hàng ở khu chợ. Trong khi đó, đường cao tốc được lấp đầy các bảng quảng cáo dành cho các tổ chức hứa hẹn bố trí việc làm.

Đó là một nghịch lý kỳ lạ khi các học viện công nghệ và quản lý hàng đầu của Ấn Độ đã đào tạo ra những giám đốc kinh doanh toàn cầu như Sundar Pichai của Alphabet và Satya Nadella của Microsoft.

Nhưng ở phía bên kia của hào quang là hàng ngàn trường cao đẳng tư thục nhỏ không có lớp học chính quy, tuyển dụng giáo viên ít được đào tạo, sử dụng chương trình giảng dạy lỗi thời và không cung cấp kinh nghiệm thực tế hoặc vị trí việc làm, theo chia sẻ của hơn hai chục sinh viên và các chuyên gia.

Trên khắp thế giới, sinh viên ngày càng cân nhắc lợi ích của tấm bằng so với chi phí. Giáo dục đại học thường gây ra tranh cãi trên toàn cầu, kể cả ở Mỹ - nơi các tổ chức vì lợi nhuận phải đối mặt với các cuộc điều tra của chính phủ. Tuy nhiên, sự phức tạp của giáo dục đang được thể hiện rõ ràng ở Ấn Độ.

Theo ước tính, Ấn Độ có dân số lớn nhất thế giới và chính phủ thường xuyên nhấn mạnh lợi ích của việc có nhiều người trẻ hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của công ty đánh giá tài năng Wheebox, một nửa số sinh viên tốt nghiệp ở Ấn Độ không có việc làm trong tương lai do các vấn đề trong hệ thống giáo dục.

Nhiều doanh nghiệp cho biết, họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng vì chất lượng giáo dục không đồng đều. Điều đó khiến tỷ lệ thất nghiệp luôn ở mức cao hơn 7%, mặc dù Ấn Độ là nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Ông Yeshwinder Patial - Giám đốc nhân sự của MG Motor Ấn Độ cho biết: “Chúng tôi phải đối mặt với thách thức trong việc tuyển dụng vì các bộ kỹ năng cụ thể cần thiết cho ngành hiện không dễ dàng có sẵn trên thị trường”.

Tính phức tạp của sự bùng nổ giáo dục của Ấn Độ đang được thể hiện rõ ở các thành phố như Bhopal - một đô thị nhộn nhịp với khoảng 2,6 triệu dân ở bang miền Trung Ấn Độ Madhya Pradesh. Các sinh viên nêu ra một loạt lý do để đầu tư vào giáo dục nhiều hơn, từ nỗ lực nâng cao địa vị xã hội đến cải thiện triển vọng hôn nhân cho đến việc xin việc làm trong chính phủ, vốn yêu cầu chứng chỉ bằng cấp.

Anh Tanmay Mandal (25 tuổi) - cư dân ở Bhopal - đã trả 4.000 USD cho bằng cử nhân kỹ thuật dân dụng và tin rằng, tấm bằng này là con đường dẫn đến một công việc tốt và một cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên, bất chấp việc phải trả khoản học phí không nhỏ, anh Mandal vẫn hầu như không học được gì về xây dựng từ những giáo viên dường như chưa được đào tạo đầy đủ. Anh ấy không thể trả lời các câu hỏi kỹ thuật trong các cuộc phỏng vấn xin việc và đã thất nghiệp trong 3 năm qua.

“Tôi ước gì mình đã học ở một trường đại học tốt hơn. Nhiều người bạn của tôi cũng đang ngồi nhàn rỗi mà không có việc làm”, anh Mandal nói.

Ảnh: Reuters.

Ảnh: Reuters.

Thất nghiệp gia tăng

Theo Quỹ Công bằng Thương hiệu Ấn Độ - một quỹ tín thác của chính phủ - ngành giáo dục Ấn Độ dự kiến sẽ đạt 225 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 117 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, con số này vẫn nhỏ hơn nhiều so với ngành giáo dục Mỹ - nơi chi tiêu được ước tính trên 1 nghìn tỷ USD.

Tại Ấn Độ, chi tiêu công cho giáo dục trì trệ ở mức khoảng 2,9% GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6% đặt ra trong chính sách giáo dục mới của chính phủ.

Ông Anil Swarup - cựu thư ký giáo dục phổ thông - ước tính trong một bài báo năm 2018 rằng, trong số 16.000 trường cao đẳng cấp bằng cử nhân cho giáo viên, một số lượng lớn chỉ tồn tại trên danh nghĩa.

Trong khi đó, việc tìm việc làm cho thế hệ thanh niên vẫn còn là một thách thức. Theo Ngân hàng Thế giới, thất nghiệp là một quả bom hẹn giờ vì gần 1/3 thanh niên cả nước không làm việc, học tập hoặc đào tạo. Một số đang bị lôi kéo vào tội ác và bạo lực.

Anh Pankaj Tiwari (28 tuổi) cho biết, anh trả 100.000 rupee để lấy bằng thạc sĩ về truyền thông kỹ thuật số vì muốn có việc làm và địa vị cao hơn trong xã hội. Đó là một khoản chi lớn đối với gia đình anh với thu nhập hàng năm là 400.000 rupee. Mặc dù trường đại học của anh ấy đã hứa hẹn bố trí việc làm nhưng không có công ty nào xuất hiện và anh ấy vẫn thất nghiệp bốn năm sau đó.

Tiwari nói: “Nếu tôi được đào tạo và có kỹ năng ở trường đại học thì hoàn cảnh của tôi đã khác. Bây giờ, tôi cảm thấy như mình đã lãng phí thời gian. Tôi chỉ có được các chứng chỉ trên giấy và không có tác dụng gì trên thực tế”

Theo dữ liệu của chính phủ do Trường Đại học Azim Premji có trụ sở tại Bangalore phân tích, nền kinh tế đã tạo thêm gần 57 triệu việc làm trong 5 năm tính đến tháng 6/2022, dẫn đến lực lượng lao động của Ấn Độ tăng lên 493 triệu, nhưng 35 triệu người vẫn thất nghiệp.

Nghiên cứu của trường đại học này cũng cho thấy, tăng trưởng ở Ấn Độ đòi hỏi ít việc làm hơn mức trung bình ở các nước đang phát triển. “Về lâu dài, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tăng trưởng việc làm không có mối tương quan ở Ấn Độ, cho thấy các chính sách hướng tới đạt được tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hơn sẽ không nhất thiết đẩy nhanh quá trình tạo việc làm”, báo cáo cho biết.

Theo nghiên cứu của Trường Đại học Azim Premji mới được công bố hôm 20/9, Ấn Độ có tỷ lệ thất nghiệp đặc biệt cao trong giới trẻ, với tỷ lệ thất nghiệp của sinh viên tốt nghiệp ở độ tuổi dưới 25 tăng cao tới 42,3% tính đến tháng 6 năm 2022. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp giảm dần khi sinh viên tốt nghiệp càng lớn tuổi, xuống còn 22,8% đối với nhóm tuổi 25-29 và xuống 9,8% đối với nhóm tuổi 30-34.

Hà Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/ty-le-nghich-giua-bang-cap-va-viec-lam-5739250.html