Tỷ lệ người hiến tạng chết não: Thế giới 50 người/1 triệu dân, Việt Nam chỉ 0,15; cần nhiều điều chỉnh về luật
Khó khăn trong việc đăng ký hiến tạng ở Việt Nam vẫn phần lớn do quan niệm của người dân về 'chết phải toàn thây', e ngại đụng vào thân thể người thân sau chết, sợ gia đình...
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam nhấn mạnh những thông tin này tại hội thảo về hiến, lấy, ghép và điều phối mô tạng tại Việt Nam được diễn ra trong 2 ngày 16-17/7 tại Hà Nam.
Khi sống đăng ký hiến mô tạng nhưng khi qua đời, người thân không đồng ý
Tại hội thảo, các chuyên gia y tế, luật và cả đại diện Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đều cho rằng việc ghép tạng cứu sống người bệnh không chỉ cần sự phát triển của nền y tế mà điều quan trọng là sự chung tay của cả cộng đồng để tăng nguồn tạng hiến của người sau khi chết, chết não.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, một người chết não hiến tặng mô tạng có thể cứu sống cho hàng chục người bệnh khác. Thời gian qua, đặc biệt sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính phát động hiến mô tạng, số lượng người đăng ký hiến mô tạng trên cả nước đã tăng lên.
"Điều đó là tín hiệu mừng cho phong trào hiến mô tạng tại Việt Nam. Tuy nhiên thực tế nhiều người dù khi còn sống đã đăng ký hiến mô tạng nhưng khi qua đời, người thân không đồng ý, các y bác sĩ cũng không thể lấy tạng hiến" - PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến chia sẻ.
Về vấn đề này, làm rõ thêm thông tin, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã nhấn mạnh: Tỷ lệ hiến tạng từ người chết não tại Việt Nam chỉ có 0,15 người trên 1 triệu dân, trong khi tỷ lệ này trên thế giới là 50 người/1 triệu dân. Điều này cho thấy số người hiến tạng khi chết não tại Việt Nam rất thấp.
Theo số liệu của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, năm 2023 số người được ghép tạng tại Việt Nam là 1.000 người, trở thành nước có nhiều người được ghép tạng nhất Đông Nam Á.
Tuy nhiên, trong số người được ghép này chủ yếu lấy từ nguồn tạng là người hiến còn sống, còn nguồn tạng là người chết não chỉ có 12 người.
"Nhu cầu người bệnh cần ghép tạng là rất lớn, nhưng vì thiếu nguồn tạng từ người cho chết não nên phải lấy tạng từ nguồn tạng từ người hiến sống. Tuy nhiên chúng ta vẫn mong muốn nguồn tạng hiến từ người chết não, chết tim nhiều hơn, vì một người chết não hay chết tim có thể hiến được 8 tạng (2 thận, 2 gan, 2 phổi, tim, tuyến tụy; ngoài ra ra giác mạc…).
Còn người sống chỉ ghép được một bộ phận, và có bộ phận không bao giờ lấy được như tim; bên cạnh đó còn có những rủi ro về sức khỏe đối với người hiến sau hiến tạng"- PGS.TS Đồng Văn Hệ nói.
Cần điều chỉnh các quy định của pháp luật về hiến ghép mô tạng
Phân tích tại hội thảo, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, ngoài việc truyền thông, vận động để thay đổi quan niệm, nhận thức của người dân về việc "chết phải toàn thây", cũng cần hướng dẫn đơn giản, dễ tiếp cận cho người dân.
"Các quy định của pháp luật hiện nay cũng cần được điều chỉnh để làm tăng cơ hội hiến tạng sau chết não như điều kiện có thể hiến tạng sau chết; tuổi hiến tạng (hiện nay là trên 18 tuổi), chế độ cho người hiến tạng và gia đình; cơ chế tài chính về chi phí, thanh toán cho vận động hiến, ghép và sau ghép…", PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Vì thế, theo bà Tiến trong dự Luật Hiến tạng sửa đổi cần nghiên cứu đề xuất: Những người lúc sống chưa đăng ký nhưng khi qua đời được gia đình đồng ý vẫn có thể hiến tạng. Cùng đó, trong công tác tư vấn đăng ký hiến tạng tại các bệnh viện, tổ tư vấn đăng ký hiến tạng không được có bác sĩ cấp cứu hồi sức, vì là vấn đề nhạy cảm với gia đình người bệnh.
Dẫn chứng về những thủ tục và đăng ký hiến hạng, PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết, nhiều trường hợp, gia đình đã đồng ý hiến tạng người thân chết não nhưng chỉ cần một người như người dì hay ông nội không đồng ý là toàn bộ ê kíp phải dừng lại. Bởi vì luật quy định, chỉ cần 1 người trong gia đình không đồng ý thì không được lấy tạng.
Cùng với đó là thời gian điều phối tạng còn gặp nhiều khó khăn, như ca chết não hiến tạng tại Phú Thọ, Trung tâm điều phối chọn 58 bệnh nhân, nhưng sau 16 giờ điều phối mới chọn được 2 bệnh nhân. 56 bệnh nhân còn lại là đã tử vong hoặc từ chối nhận tạng. Ca chết não gần đây nhất phải liên hệ tới 119 bệnh nhân trong thời gian 16 giờ mới xác định được 5 bệnh nhân nhận (gan, thận, tim).
Để tăng cường nguồn hiến tạng cho bệnh nhân chờ ghép, PGS.TS Đồng Văn Hệ cho biết dự kiến từ tháng 8/2024, công tác hiến, ghép bộ phận cơ thể người sẽ được đưa vào chương trình đào tạo thường quy tại Đại học Y Hà Nội. Nội dung đào tạo gồm: Ghép tạng, Hiến mô tạng, Luật hiến mô tạng, Chết não, Phát hiện và quản lý chết não tiềm năng.
Đồng thời, trong chiến lược tăng số người đăng ký hiến mô, tạng sẽ vận động thay đổi quy định của luật; mở rộng nâng cao giáo dục cộng đồng, học sinh sinh viên, truyền thông đại chúng, nhân viên hội chữ thập đỏ...
Tại các bệnh viện xây dựng mạng lưới tư vấn hiến tạng. Đến nay, mạng lưới bệnh viện vận động hiến mô, tạng trên cả nước là 26 bệnh viện.
Trong đó có 6/26 bệnh viện ghép tạng đã thực hiện chẩn đoán chết não về hiến tặng mô tạng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024 đã có 12 người hiến chết não – bằng cả năm 2023, cho thấy hiệu quả của mạng lưới này, cũng như việc truyền thông hiến mô, tạng trong công chúng
Truyền thông: Một mắt xích rất quan trọng trong vận động hiến tạng
Thông tin tại hội thảo, TS. Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết những nguyên tắc thống nhất trong việc truyền thông hiến tạng trên thế giới như: Các tế bào, mô và bộ phận cơ thể người được lấy ra khỏi cơ thể người cho để ghép khi đầy đủ các văn bản cam kết theo pháp luật; Nghiêm cấm việc trao đổi, buôn bán và vận chuyển nội tạng.
Ông Phúc cũng lưu ý thêm, bên cạnh việc cho và nhận tạng cần thực hiện theo nguyên tắc nhân đạo, công bằng và tuân thủ pháp luật, thì việc ghép tạng chỉ tiến hành khi người ghép có tên trong "Danh sách chờ ghép Quốc gia" và có chỉ định ghép của Hội đồng tư vấn.
Từ thực tiễn của gia đình có người thân đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, chia sẻ tại hội thảo, chị Nguyễn Trần Thùy Dương, thành viên Chi hội vận động hiến tặng mô tạng, bộ phận cơ thể người Việt Nam, và là mẹ của bé Hải An (bé gái 7 tuổi đã hiến giác mạc khi qua đời mà Sức khỏe và Đời sống đã thông tin), cho rằng cần phải truyền thông hơn nữa việc hiến tặng mô tạng để cộng đồng hiểu hơn về nghĩa cử nhân văn này.
Theo chị Dương, bản thân chị đã nói cho con gái nghe những câu chuyện hiến tạng từ khi con còn nhỏ. Vì vậy, dù con mới 7 tuổi nhưng đã muốn hiến giác mạc của mình để giúp những người khác có được ánh sáng.
"Tôi nghĩ rằng việc truyền thông là rất quan trọng để mỗi người hiểu hơn về hiến mô, tạng, trao lại sự sống cho những người bệnh khác"- chị Dương chia sẻ.
Đại đức Thích An Đạt - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định địa táng hay "chết toàn thây" không phải là quan niệm của nhà Phật.
Cũng theo đại đức Thích An Đạt, truyền thông là một mắt xích rất quan trọng trong việc vận động hiến tạng. Vì thế, ông và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang có chương trình phối hợp truyền thông cho cộng đồng để biết hiến mô tạng là một trong những thực hành theo tinh thần từ bi của nhà Phật...