Tỷ lệ nhiễm khuẩn H.p ở trẻ nhỏ tại Việt Nam có thể cao nhất thế giới
Tỷ lệ nhiễm H.p trong gia đình, đặc biệt là trẻ em ngày càng gia tăng trên cả thế giới và tại Việt Nam.
Bệnh lý tiêu hóa, gan mật chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu bệnh tật của người Việt Nam, có thể kể đến viêm loét dạ dày - tá tràng do Helicobacter pylori (vi khuẩn H.p), xơ gan, viêm gan virus, ung thư tiêu hóa và gan mật...
Trong đó, tỷ lệ nhiễm H.p trong gia đình, đặc biệt là trẻ em càng ngày gia tăng trên cả thế giới và tại Việt Nam. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật, trẻ em dưới 8 tuổi nhiễm H.p đến 96,2% - tỷ lệ quá cao và các nước Đông Nam Á tỷ lệ không cao bằng Việt Nam. Hội nghị H.p thế giới và khu vực không nhắc tới tỷ lệ này, do vậy, nhiều khả năng Việt Nam đang đứng đầu bảng.
Tỷ lệ nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori
Vi khuẩn H.p là một trong những nguyên nhân gây loét dạ dày, hành tá tràng và là yếu tố nguy cơ cao của ung thư dạ dày. Việt Nam là khu vực có tỷ lệ người nhiễm cũng như tỷ lệ kháng kháng sinh tương đối cao đặt ra nhiều thách thức trong quá trình điều trị.
Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật đã thực hiện nghiên cứu, phân tích số liệu về vi khuẩn H.p dựa trên cá thể của từng bệnh nhân, quan hệ huyết thống của bệnh nhân đó đối với những người thân trong gia đình. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nhiễm H.p trong gia đình cao hơn tỷ lệ nhiễm chung, đặc biệt là trẻ em. Cụ thể: tỷ lệ nhiễm H.p (+) chung: 85,9% trong khi tỷ lệ nhiễm H.p (+) ở trẻ em dưới 8 tuổi là 96,2%. Điều này hoàn toàn ngược lại so với tỷ lệ ở các nước phát triển, trẻ em là đối tượng nhiễm H.p rất thấp - người lớn chiếm khoảng 80% thì trẻ em chỉ khoảng 20%.
PGS.TS. Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng viện nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn H.p cao nhất, đặc biệt là trong những gia đình có người thân cận huyết thống mắc H.p.
“Điều này phần nào có thể hiểu được do thói quen sinh hoạt chung, dùng chung chén, đũa bát trong gia đình, công tác vệ sinh và tầm soát bệnh chưa được chú trọng”, ông Thắng nhấn mạnh.
Điều trị nhiễm H.p trong gia đình, đặc biệt ở trẻ nhỏ
PGS.TS. Nguyễn Duy Thắng khuyến cáo cách điều trị cho các gia đình có các thành viên bị nhiễm H.p: “Thứ nhất, không cho trẻ dưới 10 tuổi dùng Tetracyclin vì có thể ảnh hưởng đến men gan. Thiếu niên dưới 18 tuổi, do ảnh hưởng tới yếu tố xương cũng cần lưu ý. Các bé bị dị ứng kháng sinh cũng phải lại trừ. Ngoài các nhóm đối tượng loại trừ này ra, chúng tôi đều có thể dùng phác đồ kháng sinh để diệt H.p”.
Ông Thắng nhấn mạnh, H.p ở trẻ em hay người lớn đều dẫn đến bệnh lý viêm dạ dày, xuất huyết dạ dày, có thể gây nên ung thư sau này nếu không được điều trị. H.p không phải là nguyên nhân duy nhất gây viên loét dạ dày, nhưng theo Hiệp hội ung thư thế giới, nhưng đây là thủ phạm số 1.
H.p lây qua 4 con đường: Thứ 1, do ăn uống - ăn không chính, rau không sạch. Thứ 2, lây nhiễm qua nước bọt - hôn môi, mẹ, bà mớm cơm cho con. Thứ 3, lây qua dụng cụ y tế không được sát khuẩn đúng cách. Thứ 4, môi trường không được trong sạch.
Về lý thuyết, vi khuẩn H.p có thể lây trực tiếp qua các thành viên trong gia đình, lây ở môi trường nhà trẻ, hay do thói quen ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh…
“Chúng tôi đã gặp trường hợp bệnh nhi nhỏ nhất là 2 tuổi mắc H.p do mẹ mớm cơm cho con. Bệnh nhi không có triệu chứng lâm sàng và phát hiện bệnh khi test thở. Nhưng trường hợp này chúng tôi chưa tiến hành điều trị. Môi trường trong dạ dày kiềm hóa càng cao thì H.p càng sống tốt, nhưng với môi trường axit H.p sẽ chết. Do đó, nếu môi trường trong dạ dày bé thay đổi thì H.p có thể bị tiêu diệt. Điều này cũng khẳng định, chế độ ăn quan trọng vô cùng với trẻ nhỏ”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thắng nêu trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi nhất bị nhiễm H.p.
Ông đồng thời khẳng định, trong trường hợp mắc H.p không nên tự ý mua thuốc điều trị để tránh bị kháng thuốc và khi điều trị đúng phác đồ có thể bị kháng thuốc tiếp./.