Tỷ lệ nông dân chỉ mua thuốc bảo vệ thực vật theo kinh nghiệm hoặc thói quen giảm 21,7%
Tỷ lệ nông dân chỉ mua thuốc bảo vệ thực vật theo thói quen giảm 21,7%. Hơn 95% đại lý đã chủ động tư vấn nông dân các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến vấn đề này.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai chương trình “Hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm tại Đồng Tháp giai đoạn 2021 – 2026” do Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam tổ chức tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, sáng 7/12.
Thay đổi nhận thức của người nông dân và đại lý thuốc
Tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhìn lại những kết quả nổi bật sau 3 năm triển khai chương trình hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng của từng hoạt động, đồng thời thống nhất chương trình làm việc trọng tâm cho năm tới (2025).
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, tính đến hết năm 2024, chương trình đã tổ chức tập huấn cho hơn 3.700 nông dân, gần 1.000 đại lý vật tư nông nghiệp và 100 cán bộ kỹ thuật tại tỉnh Đồng Tháp về các nguyên tắc sử dụng và buôn bán thuốc bảo vệ thực vật an toàn, có trách nhiệm; cấp phát hơn 3.700 bộ đồ bảo hộ lao động cho nông dân sử dụng khi phun và pha chế thuốc.
Bên cạnh đó, 3 bên cũng đã phối hợp triển khai 6 mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm trên các cây trồng chủ lực của tỉnh bao gồm lúa, hoa cảnh, sầu riêng, ớt, xoài và cây có múi, với tổng diện tích mô hình đạt trên 350 ha và hơn 600 hộ nông dân tham gia.
Trong các năm đầu triển khai, các bên tham gia đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh phát động “Ngày hội Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng” trên địa bàn 12 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Đồng Tháp.
Chỉ trong hai năm 2022-2023, chương trình đã thực hiện 36 đợt thu gom tại các huyện và 8 đợt tại các mô hình, với tổng khối lượng thu gom đạt hơn 21 tấn bao gói. Song song với quá trình triển khai, chương trình cũng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, truyền thông, phổ biến kiến thức về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm.
Năm 2024 cũng đánh dấu năm đầu tiên 3 bên triển khai thu thập dữ liệu để đánh giá tác động của chương trình đối với thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của nông dân.
Ông Đặng Đức Chiến - Trung tâm phát triển Nông nghiệp, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn – IPSARD - thông tin, kết quả sơ bộ cho thấy chương trình đã mang lại những cải thiện đáng kể trong kiến thức, thái độ, và thực hành của nông dân cũng như đại lý kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.
Đối với nông dân, dữ liệu ghi nhận mức độ hiểu biết rõ về thuốc bảo vệ thực vật tăng từ 6-34% tùy theo chủ đề được tập huấn. Các thay đổi tích cực cũng được thể hiện qua thực hành như lựa chọn, vận chuyển, bảo quản và sử dụng thuốc, trong đó tỷ lệ nông dân chỉ mua thuốc theo kinh nghiệm hoặc thói quen giảm 21,7%.
Đối với đại lý thuốc bảo vệ thực vật, mức độ hiểu biết rõ về các quy định chung liên quan đến buôn bán, chất lượng thuốc bảo vệ thực vật và thu gom bao gói đều tăng từ 8-18% so với trước tập huấn, hơn 95% đại lý đã chủ động tư vấn nông dân sử dụng đồ bảo hộ lao động cũng như truyền đạt các rủi ro tiềm ẩn liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên, kết quả điều tra cũng chỉ ra một số hạn chế, như điều kiện sử dụng đồ bảo hộ lao động còn bất tiện hay việc thiếu các điểm thu gom tập trung cho bao gói thuốc. Thông qua phiếu điều tra, các nông dân, đại lý và cán bộ tham gia chương trình cũng đưa ra một số kiến nghị để cải thiện chương trình, tập trung vào việc bổ sung nội dung tập huấn liên quan đến sử dụng drone, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, và tăng cường sử dụng tài liệu trực quan dễ tiếp cận hơn, tổ chức các buổi thảo luận nhóm, chia sẻ kinh nghiệm giữa nông dân, đại lý và chuyên gia, tổ chức các buổi thăm quan nhà máy...
Hợp tác công - tư, nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hành canh tác an toàn
Phát biểu tại hội nghị, TS. Huỳnh Tấn Đạt – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật -nhấn mạnh, trong thời gian vừa qua, Cục đã phối hợp với chính quyền các cấp và mạng lưới đối tác trong ngành bảo vệ thực vật xây dựng nhiều chương trình hành động, tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về việc sử dụng an toàn và hiệu quả các vật tư nông nghiệp, trong đó bao gồm cả thuốc bảo vệ thực vật.
Việc triển khai chương trình tại Đồng Tháp cũng như tại nhiều địa phương khác trên cả nước tái khẳng định các cam kết lâu dài của Cục nhằm theo đuổi các cam kết về phát triển nông nghiệp bền vững. Sau 3 năm triển khai, sự tham gia và phản hồi tích cực của nông dân – đối tượng tiếp cận và hưởng lợi trực tiếp từ các lớp tập huấn, đã cho thấy hiệu quả và một số tác động bước đầu của chương trình, qua đó đề cao tầm quan trọng của hợp tác công – tư trong quá trình nâng cao nhận thức và thúc đẩy thực hành canh tác an toàn.
Ở góc độ địa phương, ông Huỳnh Tất Đạt - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho biết, việc áp dụng các phương thức sản xuất bền vững không chỉ đem tới nhiều ý nghĩa quan trọng về kinh tế, sức khỏe và môi trường, mà còn góp phần xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị nông sản của địa phương. Về phía địa phương mong muốn sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các bên trong thời gian tới để triển khai thêm nhiều chính sách liên quan giúp nông dân gia tăng thu nhập, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển ngành nông nghiệp đã đề ra.
Đại diện CropLife Việt Nam, ông Đặng Văn Bảo – Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ, một trong những cam kết quan trọng của tất cả các công ty thành viên CropLife đó là luôn tiến hành song song các hoạt động tập huấn khi giới thiệu và thương mại sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trên thị trường. Ý nghĩa của hoạt động này đó là tối đa hóa lợi ích, công dụng của sản phẩm cũng như giảm thiểu mọi rủi ro có thể có đối với sức khỏe cộng đồng, môi trường và chất lượng nông sản. Chúng tôi hy vọng rằng thành công của chương trình hợp tác triển khai tại Đồng Tháp sẽ tiếp tục được lan tỏa và nhân rộng và kêu gọi được sự tham gia tích cực hơn từ các đối tác trong chuỗi giá trị - hướng tới các mục tiêu chung về canh tác nông nghiệp hiện đại, bền vững và có trách nhiệm.
Tiếp tục nối dài và nâng cao kết quả đã đạt được
Trong khuôn khổ hội nghị đã diễn ra “Hội thi Nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm” – đã thu hút sự tham gia và hưởng ứng tích cực của nông dân tại địa phương. Hội thi không chỉ tạo ra sân chơi bổ ích, có tính tương tác cao, mà còn giúp bà con nông dân ôn tập lại các kiến thức đã được tập huấn; mà còn lan tỏa mạnh mẽ thông điệp về tầm quan trọng của việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm – góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, giữ gìn môi trường và hướng đến một nền nông nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, đã diễn ra lễ ký kết hoạt động hợp tác năm 2025 – 2026 giữa Cục Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp và Hiệp hội CropLife Việt Nam.
Theo đó, trong thời gian tới, ba bên sẽ tiếp tục hợp tác nhằm tiếp nối và nâng cao các kết quả đã đạt được trong 3 năm vừa qua. Năm 2025 sẽ đánh dấu một số điểm mới đáng chú ý trong chương trình, bao gồm: mở rộng mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có trách nhiệm sang các cây trồng chủ lực khác, phù hợp với định hướng xuất khẩu của tỉnh; triển khai tập huấn về an toàn khi sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) để phun thuốc bảo vệ thực vật; giới thiệu và hướng dẫn nông dân tham gia chương trình đào tạo trực tuyến về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và hiệu quả, dự kiến sẽ được Cục bảo vệ thực vật ban hành trong thời gian tới; phổ biến thông tin và hỗ trợ Đồng Tháp xây dựng hồ sơ xin tài trợ từ Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam theo quy định EPR, nhằm tạo nguồn lực ổn định và lâu dài cho hoạt động thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Những điểm mới này không chỉ giúp người dân làm quen và tiếp cận với các cải tiến trong lĩnh vực bảo vệ thực vật mà còn thúc đẩy việc áp dụng một cách an toàn và có trách nhiệm.
Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết chương trình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm, chiều ngày 6/12, đoàn công tác Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh và Hiệp hội Croplife có chuyến tham quan thực tế mô hình trồng quýt hồng tại hộ ông Nguyễn Văn Đầy, ấp Long Hưng 1, xã Long Hậu, huyện Lai Vung. Đây là mô hình trồng quýt hồng tiêu biểu được hỗ trợ tập huấn theo Chương trình hợp tác sử dụng thuốc bảo vệ thực vật năm 2024.
Ông Nguyễn Văn Đầy cho hay, trước đây, khi chưa qua hoạt động tập huấn, chúng tôi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo định kỳ (nửa tháng 1 lần). Tham gia chương trình tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm, lượng sử dụng thuốc giảm đi rất nhiều do lượng thuốc sử dụng phải dựa theo sự theo dõi dịch hại trên vườn trồng. “Áp dụng nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp) trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, học trên cây ăn trái giúp nông dân giảm giá thành sản xuất, trái cây ra thị trường được bảo đảm, giá bán tăng cao, đồng thời, bảo đảm hệ sinh thái của môi trường và chính người nông dân. Không chỉ áp dụng tại nhà vườn, hiện chúng tôi cũng vận động những hộ nông dân xung quanh tham gia”, ông Nguyễn Văn Đầy nói.
Ông Mai Hoàng Linh - Trưởng phòng kỹ thuật huấn luyện của Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp Lai Vung - cho biết, thời gian qua các nhà vườn đã tích cực tham gia các chương trình tập huấn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả, có trách nhiệm và kết quả đã minh chứng cho hướng đi đúng, khi giảm được các yếu tố dịch bệnh hại, cây phát triển khỏe, cho quả đẹp và an toàn, thân thiện môi trường. Nhờ vậy mà ngày càng nhiều nhà vườn có sự thay đổi tích cực về mức độ hiểu biết về nội dung liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật, hình thành các vùng nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch, đem lại nguồn thu lớn.