Tỷ lệ sinh con ở TP.HCM gia tăng trong năm rồng

Từ năm 2020, tỷ lệ sinh con ở TP.HCM tăng nhanh, nhưng chững lại ở năm 2021 và 2022 do ảnh hưởng của đại dịch. Đến năm 2023, 2024 tỷ lệ sinh tiếp tục tăng, mạnh mẽ nhất vào năm nay.

 Cặp song sinh một trai, một gái chào đời vào năm rồng, tại Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: Linh Thùy.

Cặp song sinh một trai, một gái chào đời vào năm rồng, tại Bệnh viện Hùng Vương. Ảnh: Linh Thùy.

Ngày 25/12, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân TP.HCM đã có buổi làm việc với Bệnh viện Hùng Vương về phát triển hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân TP.HCM.

Tại buổi làm việc, PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, cho biết tỷ suất sinh ở thành phố tăng dần qua từng năm, tuy vậy vẫn chưa cao nhưng mong đợi. Tổng số ca sinh ở bệnh viện khoảng 35.000-40.000 trường hợp mỗi năm.

Đặc biệt, năm 2020 số ca sinh bắt đầu tăng mạnh, nhưng vào năm 2021 và 2022 là vùng trũng của số ca sinh. Bởi, số lượng sinh con liên quan đến quan niệm 12 con giáp của người Việt Nam và hậu quả của đại dịch.

Đến năm 2023, tình hình sinh khởi sắc trở lại, số ca sinh tăng dần. Năm 2024, số ca sinh tăng mạnh mẽ nhất, vì đây là năm rồng, nhiều người quan niệm sinh con năm nay con sẽ được may mắn và phú quý. Tuy nhiên, số ca sinh của năm nay vẫn thấp hơn so với 2020.

"Từ đầu năm, bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần đón một lượng sinh lớn. Tuy nhiên, đến nay con số còn khiêm tốn. Bởi, người dân vẫn còn lo lắng sau đại dịch", PGS Tuyết nói.

Bên cạnh đó, bác sĩ Tuyết cũng đề xuất bảo hiểm y tế nên chi trả một phần cho những bệnh nhân điều trị hiếm muộn, đây cũng là nguồn giúp tăng tỷ suất sinh. Vào những thập niên 80 90, ngành y tế còn quan niệm rằng điều trị hiếm muộn là xa xỉ vì chúng ta có sự bùng nổ về dân số.

Nhưng hiện nay, Việt Nam đang có mức sinh rất thấp. Nếu tiếp tục diễn tiến mức sinh thấp, chúng ta sẽ bước vào quá trình già hóa dân số nhanh. Trong khi đó, có khoảng 10% số người trong độ tuổi sinh đẻ gặp vấn đề hiếm muộn. Như vậy, đây là một vấn đề lớn cần sự quan tâm của xã hội, các ban ngành.

Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm ở nước ta đang phát triển rất tốt, tỷ lệ thành công cao. Nhưng người dân không tiếp cận được nhiều, vì không phải ai cũng có đủ kinh tế để chi trả.

"Nếu bảo hiểm y tế không chi trả được thụ tinh trong ống nghiệm, thì ít ra cũng nên chi trả cho phần xét nghiệm hoặc khám hiếm muộn, sàng lọc hiếm muộn, để giúp người bệnh giảm bớt gánh nặng tài chính", PGS Tuyết đề xuất.

Nguyễn Thuận

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/ty-le-sinh-con-o-tphcm-gia-tang-trong-nam-rong-post1520295.html