Tỷ lệ sinh toàn cầu giảm, gánh nặng dân số chuyển sang các nước thu nhập thấp
Tỷ lệ sinh quá thấp ở hầu hết các quốc gia sẽ khó có thể giúp thế giới duy trì mức dân số ổn định vào cuối thế kỷ này, theo một nghiên cứu được công bố ngày 20/3.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet, dự đoán 155/204 quốc gia và vùng lãnh thổ toàn thế giới sẽ không đạt mức sinh thay thế 2,1 vào năm 2050. Đến năm 2100, số nước không đạt mức sinh thay thế sẽ tăng lên 198, tương đương 97% quốc gia.
Theo nhà nghiên cứu cấp cao Stein Emil Vollset từ Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe (IHME) tại Đại học Washington, xu hướng này sẽ phân chia các quốc gia thành hai nhóm, một là nhóm các nước có tỷ lệ sinh bùng nổ, hai là các nước giảm đột ngột tỷ lệ sinh.
Theo đó, sự bùng nổ tỷ lệ sinh tập trung ở các quốc gia có thu nhập thấp, dễ bị ảnh hưởng bởi bất ổn kinh tế và chính trị. Những quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp sẽ ghi nhận hơn 3/4 số ca sinh trên toàn thế giới vào cuối thế kỳ này, một nửa trong số đó nằm ở châu Phi cận Sahara.
Mặc dù tỷ lệ sinh giảm ở các nước thu nhập cao sẽ tạo nhiều cơ hội giáo dục và việc làm hơn cho phụ nữ, nhưng các quốc gia như Hàn Quốc và Serbia, nơi tỷ lệ sinh thấp hơn 1,1 trẻ/phụ nữ, phải đối mặt với những thách thức về lực lượng lao động đang suy giảm.
Dữ liệu cho thấy tỷ lệ sinh toàn cầu - số con sinh ra trung bình trên mỗi phụ nữ - đã giảm từ khoảng 5 con vào năm 1950 xuống còn 2,2 vào năm 2021. Đến năm 2021, 110 quốc gia và vùng lãnh thổ (54%) có tỷ lệ sinh dưới mức thay thế dân số là 2,1 con/phụ nữ.
Những dự báo này dựa trên các khảo sát, điều tra dân số và các nguồn dữ liệu khác được thu thập từ năm 1950 đến năm 2021. Các tác giả lưu ý rằng dự đoán bị hạn chế bởi số lượng và chất lượng của dữ liệu trong quá khứ, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19 từ 2020 đến 2021.
Ông Volset nhận định, nhiều quốc gia có nguồn lực hạn chế sẽ phải vật lộn với cách hỗ trợ dân số trẻ đông đảo trong môi trường bất ổn về chính trị và kinh tế, căng thẳng về nhiệt độ và hệ thống y tế.
Ngoài ra, đồng tác giả nghiên cứu Natalia Bhattacharjee cho biết: "Khi dân số gần như mọi quốc gia đang bị thu hẹp, việc phụ thuộc vào nhập cư mở sẽ trở nên cần thiết để duy trì tăng trưởng kinh tế".
Hoài Phương (theo Reuters)