Tỷ lệ sở hữu ngân hàng của nhà đầu tư nước ngoài: Hướng đi nào?
Tỷ lệ sở hữu ngân hàng của nhà đầu tư nước ngoài luôn là đề tài đầy sức hút và gây tranh cãi.
Với việc một số ngân hàng gần đây đã bán được một lượng vốn lớn cho khối ngoại khi niêm yết lần đầu lên sàn, cũng như trước thông tin "ông lớn" BIDV chuẩn bị phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, những quy định xung quanh tỷ lệ này nóng trở lại.
Khó tăng thêm vốn vì quy định sở hữu nước ngoài?
Thông tin về việc Ngân hàng BIDV chuẩn bị phát hành riêng lẻ hơn 603 triệu cổ phiếu để bán cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là Ngân hàng KEB Hana Bank của Hàn Quốc đã gây chú ý gần đây. Nếu thương vụ này thành công, KEB Hana Bank nắm giữ 17,65% vốn chủ sở hữu tại BIDV và trở thành một trong những thương vụ đầu tư lớn nhất thời gian qua của các nhà đầu tư nước ngoài vào một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Từ sự kiện này, việc tỷ lệ sở hữu (room) tối đa dành cho nhà đầu tư nước ngoài đối với các ngân hàng nội địa bao nhiêu là phù hợp lại được đặt ra.
Đa số quan điểm đều cho rằng ngành ngân hàng là một trong những ngành nhạy cảm với an ninh kinh tế quốc gia, vì vậy việc quy định tỷ lệ sở hữu tối đa để hạn chế quyền kiểm soát đối với nhà đầu tư nước ngoài là cần thiết. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng ngành ngân hàng cần được đối xử công bằng như với những ngành khác, theo đó cần nới room sở hữu nước ngoài để tăng thêm sức hấp dẫn, cũng như cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong khi đó, theo quy định tại Nghị định 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài hiện nay không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam, và tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước không được vượt quá 30%.
Hiện tại, không ít ngân hàng trong nước có tỷ lệ sở hữu nước ngoài khá lớn, như Ngân hàng Mitsubishi đang nắm giữ hơn 19,7% vốn tại Vietinbank, Ngân hàng Sumitomo Mitsui đang sở hữu 15% cổ phần tại Eximbank và Ngân hàng Mizuho chiếm tương tự 15% vốn tại Vietcombank. Với quy định hiện nay thì trong trường hợp của Ngân hàng Mitsubishi muốn mua thêm cổ phần tại Vietinbank là không thể, và đó có thể là một trong những lý do khiến Vietinbank khó tăng thêm vốn trong suốt thời gian qua.
Quay trở lại BIDV, đây là "ông lớn" duy nhất trong số 3 ngân hàng thương mại nhà nước đã cổ phần hóa gồm BIDV, Vietinbank và Vietcombank, chưa có cổ đông nước ngoài. Do đó, thương vụ bán vốn lần này được kỳ vọng sẽ thành công mà không gặp trở ngại gì vì các quy định sở hữu.
Tuy nhiên, liệu việc nới room sở hữu nước ngoài có nên sớm điều chỉnh để tận dụng sự thuận lợi của thị trường chứng khoán và hiệu quả kinh doanh của ngành ngân hàng hiện nay?
Sự hấp dẫn của ngành ngân hàng
Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều lần tỏ dấu hiệu có thể bán 100% vốn ở những ngân hàng yếu kém cho nhà đầu tư nước ngoài, nhằm giúp các ngân hàng này nhanh chóng tăng cường nội lực tài chính và cũng đẩy nhanh lộ trình tái cơ cấu để phục hồi sớm. Tuy nhiên, đối với những ngân hàng còn lại thì vẫn không thấy nói đến khả năng sẽ nới room cho khối ngoại.
Quy định room sở hữu ít nhiều làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, vì nhiều đối tác chiến lược không chỉ muốn dừng lại ở việc sở hữu mà còn muốn trực tiếp tham gia điều hành, và để làm được điều này thì cần phải nắm tỷ lệ sở hữu đủ lớn để ra quyết định.
Trong Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi đang lấy ý kiến, dù vấn đề giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được mở rộng hơn, nhưng nội dung mở room cho lĩnh vực ngân hàng không được đề cập. Điều này cho thấy nhà điều hành tiếp tục thể hiện sự thận trọng đối với việc sở hữu nước ngoài trong hệ thống ngân hàng.
Đứng ở góc độ nhà đầu tư nước ngoài, dù các quy định hiện nay đã cho phép thành lập tổ chức tín dụng vốn 100% nước ngoài, và hiện đã có 9 ngân hàng thuộc nhóm này, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn chỉ muốn thăm dò thị trường bằng cách mua cổ phần một ngân hàng nội địa với tỷ lệ sở hữu vượt trội để nắm quyền quản trị.
Vì vậy, nếu quy định sở hữu nước ngoài được điều chỉnh tăng, khả năng sẽ có thêm nhiều tổ chức quốc tế tham gia sở hữu các ngân hàng trong nước, đặc biệt là nhắm đến các ngân hàng nhỏ mà suốt thời gian qua không thể tăng thêm vốn điều lệ.
Cân nhắc nhiều lựa chọn?
Quy định room sở hữu ít nhiều làm giảm sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, vì nhiều đối tác chiến lược không chỉ muốn dừng lại ở việc sở hữu mà còn muốn trực tiếp tham gia điều hành, và để làm được điều này thì cần phải nắm tỷ lệ sở hữu đủ lớn để ra quyết định.
Chính vì vậy, các cơ quan quản lý cũng nên cân nhắc giải pháp cung cấp nhiều tùy chọn. Cụ thể như đối với nhóm ngân hàng thương mại nhà nước, tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài có thể linh hoạt từ 30 - 40%, khi mà Chính phủ đã có mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước ở nhóm này về mức tối thiểu 51% thay vì 65% như hiện nay.
Đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần, room sở hữu nước ngoài có thể cân nhắc điều chỉnh linh hoạt theo quy mô và tầm ảnh hưởng của từng ngân hàng. Ví dụ với nhóm ngân hàng có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài có thể chỉ ở mức 49%, còn đối với nhóm dưới 10.000 tỷ đồng, có thể vượt 51% và ở nhóm ngân hàng yếu kém là 100% như một số thông tin được chia sẻ gần đây.
Điều này có thể giúp nhóm ngân hàng nhỏ có thể tăng vốn nhanh hơn, từ đó cải thiện năng lực hoạt động và sức mạnh tài chính trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gia tăng. Điều quan trọng hơn là không chỉ tăng thêm sự hấp dẫn cho ngành, thể hiện sự cam kết mở cửa trong lĩnh vực tài chính, mà nhà điều hành vẫn có thể giữ được sự kiểm soát và quản lý phù hợp để đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.