Tỷ lệ sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam tăng gấp 10 lần sau 2 thập niên
Đồ uống có đường ở Việt Nam hiện rất đa dạng và được trẻ em yêu thích, khiến việc tiêu thụ sản phẩm này tăng nhanh nhất trong số các thực phẩm có đường. Sau 2 thập niên, tỷ lệ sử dụng đồ uống có đường tại Việt Nam tăng gấp 10 lần. Điều này gây rất nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Mới chỉ hơn ba tuổi, nhưng em bé này đã nặng đến 28 kg, từ khoảng hơn 1 năm nay, bé tăng cân rất nhanh
Phụ huynh: "Gần 1 năm nay cháu tăng cân nhanh lắm…"
Ở trẻ em, tỷ lệ thừa cân và béo phì đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm qua, từ 8.5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020 và trở thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Một trong những nguyên nhân gây thừa cân béo phì không thể không cảnh báo đó là tình trạng tiêu dùng thiếu kiểm soát đồ uống có đường. Theo thống kê, nếu như năm 2002, trung bình mỗi người chỉ dùng 6,04l/năm thì năm 2021 đã tăng lên 55,78l/năm.
Tiến sĩ, bác sĩ HUỲNH NAM PHƯƠNG - Phó Giám đốc đào tạo Viện dinh dưỡng quốc gia: "Trước đây người ta cứ nghĩ rằng cứ phải ăn chất béo thì mới béo nhưng nta quên đi các chất dinh dưỡng có thể chuyển hóa qua lại với nhau, đặc biệt có 2 loại đường là đường tự nhiên và đường phụ gia cho thêm vào quá trình sản xuất, ở trong đồ uống có đường thường sử dụng, chuyển hóa qua gan, chuyển hóa thành chất béo, dẫn đến thừa cân béo phì."
Theo Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo giảm lượng đường tự do tiêu thụ hàng ngày ở cả người lớn và trẻ em xuống dưới 10% tổng năng lượng nạp vào và giảm xuống dưới 5% mỗi ngày sẽ có lợi hơn cho sức khỏe; trẻ em dưới 2 tuổi không nên tiêu thụ bất kỳ loại thực phẩm hoặc đồ uống nào có thêm đường.
Theo một số chuyên gia, hiện đồ uống có đường ngày càng phong phú và giá thành rẻ, người dân dễ dàng tiếp cận. Chính vì vậy, rất cần thiết phải có một số chính sách thặt chặt nguồn phân phối và tiêu thụ.
Bà VŨ THỊ MINH HẠNH - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế: "Hiện nay khoảng trống chính sách là rất lớn, chúng ta chưa có một chính sách gì để giảm thiếu đồ uống cho cộng đồng. Đầu tiên chúng ta phải tăng cường truyền thông…"
Bà NGUYỄN THỊ VIỆT NGA - Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương: "Không những quảng cáo chiếm nhiều thời lượng, trong giờ vàng, mà còn quản cáo trực quan trên đường phố tấm lớn, pano điện tử tại các vị trí đắc địa ở thành phố lớn, ở các đô thị, việc quảng cáo tràn lan, nếu muốn để thay đổi nhận thức người dân về tiêu dùng thì phải tuyên truyền, bắt đầu từ khâu quảng cáo phải có những duy định nghiêm ngặt như là đồ uống có cồn."
Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, việc nghiên cứu đưa ra chính sách thuế được coi là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm tiêu thụ đồ uống có đường để phòng chống các bệnh không truyền nhiễm có liên quan.
Thực hiện : Hoàng Hương Cao Hoàng