Tỷ lệ thất nghiệp đáng báo động, Mỹ cần bao nhiêu thời gian để 'chữa lành vết thương'?

Thị trường việc làm Mỹ đã hoàn toàn sụp đổ chỉ trong vài tuần. Trong 7 tuần qua, đã có hơn 33 triệu người Mỹ nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp và con số này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Người Mỹ xếp hàng chờ báo tình trạng thất nghiệp tại Trung tâm Lực lượng lao động Arkansas thuộc thành phố bang Arkansas, Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Quá nhiều thiệt hại

Bộ Lao động Mỹ mới đây thông báo, tỉ lệ thất nghiệp trung bình toàn nước Mỹ trong tháng 4 là 14,7%; tương đương với 20,5 triệu việc làm bị mất. Có thể khẳng định, đây là con số cao nhất kể từ khi Bộ Lao động Mỹ thống kê dữ liệu này. Đây cũng là tỉ lệ cao nhất mọi thời điểm ở Mỹ, kể từ sau cuộc Đại suy thoái năm 1930.

Cũng theo thống kê của Bộ này, trong tháng 2, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ là 3,5%, mức thấp nhất trong nửa thế kỷ qua, nhưng chỉ sau 2 tháng, tỉ lệ này tăng gấp 4,2 lần. Đại dịch Covid-19 đã buộc Mỹ phải đóng cửa nền kinh tế, khiến thị trường lao động “sốc”.

Chưa dừng lại ở đó, Kevin Hassett - cố vấn kinh tế cấp cao của Tổng thống Donald Trump cho rằng, rằng tỷ lệ thất nghiệp có thể sẽ đạt 20% vào tháng 5. Ông Hassett gọi việc sa thải loao động hàng loạt là "đau lòng" bởi "mỗi người thất nghiệp là một hoàn cảnh đang rơi vào tình trạng hỗn loạn".

Đến cuối năm 2020, Bank of America dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp sẽ giảm xuống 9,6%. Tuy nhiên, đó vẫn là một con số rất cao, gần tương đương với những tháng tồi tệ nhất của cuộc Đại suy thoái.

Paul Ashworth, nhà kinh tế tại Capital Economics cho rằng, báo cáo theo tháng của Bộ Lao động Mỹ đã cung cấp bức tranh tương đối rõ ràng về quy mô cũng như mức độ thiệt hại của "bão Covid-19" đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Không có ngành công nghiệp nào không bị ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu, nhưng tổn thất đặc biệt nặng nề đối với lĩnh vực giải trí và khách sạn (mất hơn 7 triệu việc làm); giáo dục và dịch vụ y tế, ngành bán lẻ (mất hơn 2 triệu việc làm).

Cần bao lâu để phục hồi?

Các chuyên gia cho rằng, để tỷ lệ thất nghiệp trở lại mức trước khủng hoảng Covid-19 có thể mất một vài năm, hoặc thậm chí lâu hơn. Mặc dù một số công việc sẽ nhanh chóng được khôi phục khi nền kinh tế lớn nhất thế giới mở cửa trở lại nhưng theo chuyên gia cố vấn kinh tế người Mỹ, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Grant Thornton Diane Swonk, nhiều công việc có thể bị mất vĩnh viễn sau đại dịch.

"Đây sẽ là một thực tế khó khăn. Những công việc đã mất này có thể là mãi mãi, không phải tạm thời", chuyên gia Swonk nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với chuyên gia Diane Swonk, Gus Faucher, nhà kinh tế trưởng tại Tập đoàn dịch vụ tài chính PNC nhấn mạnh, một số công việc có thể mất vĩnh viễn, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp như giải trí. Bên cạnh đó, sẽ có những thay đổi lớn đối với ngành du lịch, dịch vụ.

Ông Gus Faucher cho rằng, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4-5% sẽ không xảy ra trong 3-4 năm tới. Nhà kinh tế này cũng nhận thấy, hậu dịch Covid-19, dù tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ có thể giảm mạnh nhưng vẫn sẽ có nhiều nhóm lao động thất nghiệp ở một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch.

Theo CEO và chiến lược gia trưởng của Quill Intelligence Danielle DiMartino Booth, “vết thương” từ thị trường lao động Mỹ rất nghiêm trọng, quá trình “chữa lành” sẽ mất nhiều thời gian hơn. Dự đoán tương đối lạc quan từ các chuyên gia kinh tế cho thấy, thị trường lao động Mỹ sẽ không phục hồi hoàn toàn vào cuối năm tới,theo CNN.

Bob Michele, Giám đốc đầu tư của JPMorgan Asset Management cho hay, sau cuộc Đại suy thoái, Mỹ phải mất 6 năm để trở lại mức thất nghiệp 5% và mất thêm khoảng 3-4 năm tiếp theo để tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,5%. Như vậy, hậu đại dịch Covid-19, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể mất tới 10 năm để phục hồi thị trường việc làm.

Tuy nhiên, vẫn có một điểm sáng trong báo cáo của Bộ Lao động Mỹ. Bộ này cho hay, gần 80% những người từng bị tạm thời thất nghiệp sẽ trở lại công việc trong vài tháng tới.

Dù vậy, nhiều nhà kinh tế dự đoán, tỷ lệ thất nghiệp tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ duy trì trên 10% cho tới cuối năm 2020. "Có quá nhiều thiệt hại để có thể phục hồi nhanh chóng" Ethan Harris, người đứng đầu nghiên cứu kinh tế toàn cầu tại Bank of America nhận định.

Linh Chi

(theo CNN, CBS)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/ty-le-that-nghiep-dang-bao-dong-my-can-bao-nhieu-thoi-gian-de-chua-lanh-vet-thuong-115362.html