Tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu giảm nhẹ trong năm nay

Reuters dẫn báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho biết, tỷ lệ thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống 4,9% trong năm nay từ mức 5% vào năm 2023, ngay cả khi tình trạng bất bình đẳng trên thị trường lao động vẫn tồn tại.

Những người thất nghiệp xếp hàng trên đường để chờ việc làm thời vụ, tại Cape Town, Nam Phi. Ảnh: Reuters

Những người thất nghiệp xếp hàng trên đường để chờ việc làm thời vụ, tại Cape Town, Nam Phi. Ảnh: Reuters

Tháng 1, ILO đã ước tính tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên tới 5,2%. Việc điều chỉnh chủ yếu là do tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn dự kiến ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước có thu nhập cao được báo cáo từ đầu năm đến nay. Richard de Chazal, nhà phân tích vĩ mô tại tập đoàn ngân hàng đầu tư William Blair, cho biết: “Tăng trưởng của Trung Quốc không đến mức thấp như dự đoán vào cuối năm ngoái”.

Báo cáo cũng nhận định xu hướng giảm tỷ lệ thất nghiệp dự kiến sẽ chững lại vào năm 2025, duy trì ở mức 4,9%.

Tăng trưởng kinh tế toàn cầu mạnh hơn một chút so với dự kiến trong những tháng đầu năm 2024, đặc biệt là ở Mỹ, trong khi lạm phát đang giảm, khiến thu nhập hộ gia đình dễ thở hơn. Richard de Chazal nói thêm: “Những tác động trễ của lãi suất cao diễn ra chậm hơn, phần lớn là do cả khu vực doanh nghiệp và khu vực hộ gia đình đều bị khống chế ở mức lãi suất thấp hơn và ít nhạy cảm so với việc thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) lần này”.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 4 đã nâng dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2024 lên 3,2% từ mức 3,1% ước tính vào tháng 1, phần lớn là do triển vọng của Mỹ được cải thiện.

ILO cho biết: “Sự ổn định trong môi trường kinh tế vĩ mô khiến triển vọng thị trường lao động tương đối ổn định”. Tuy nhiên, trong trung hạn, tình hình vẫn chưa chắc chắn do những điều chỉnh chính sách tài chính và tiền tệ dự kiến trên toàn cầu cùng với các chính sách kinh tế vĩ mô hạn chế có tác động chậm đến thị trường lao động.

Bất chấp triển vọng được cải thiện, tổ chức có trụ sở tại Geneva đã nhấn mạnh tình trạng thiếu cơ hội việc làm “dai dẳng”. Các chuyên gia ước tính rằng khoảng cách việc làm, thước đo số người không có việc làm nhưng muốn làm việc, sẽ ở mức 402 triệu người vào năm 2024, tăng từ mức 399 triệu người vào năm ngoái.

Tổng Giám đốc ILO, Gilbert F. Houngbo cho biết, báo cáo cho thấy thị trường lao động vẫn là một "sân chơi không bình đẳng", đặc biệt là đối với phụ nữ, khi khoảng cách việc làm của “phái yếu” ở các nước thu nhập thấp lên tới 22,8% so với 15,3% ở nam giới. Ở các nước thu nhập cao, tỷ lệ này là 9,7% đối với phụ nữ và 7,3% đối với nam giới.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/ty-le-that-nghiep-toan-cau-giam-nhe-trong-nam-nay-667819.html