Tỷ lệ tiêm chủng mở rộng không đạt kế hoạch, cả nước đã hết vaccine 5 trong 1
Một số loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng đang thiếu, tỷ lệ tiêm chủng không đạt theo kế hoạch và thấp hơn so với năm 2021, công tác mua sắm vaccine trong thời gian tới… là những thông tin được các đại biểu đưa ra tại Hội nghị sơ kết công tác tiêm chủng mở rộng năm 2022 khu vực phía Nam ngày 23/5.
Tại hội nghị, bà Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) cho biết, toàn quốc đã hết vaccine 5 trong 1 từ tháng 2/2023. Chỉ có một số huyện, xã còn rải rác vài liều vaccine 5 trong 1, đủ dùng cho đến tháng 4. Qua khảo sát, đến thời điểm hiện tại không còn tỉnh nào còn vaccine 5 trong 1.
Đối với các loại vaccine khác trong chương trình tiêm chủng mở rộng như vaccine DPT cũng bắt đầu hết; vaccine BCG (phòng bệnh lao), sởi, rubella còn dùng được đến tháng 7, tháng 8; vaccine phòng bại liệt bOPV (dạng uống) sẽ thiếu trong vài tháng tới; vaccine uốn ván có thể dùng đến hết năm 2023; riêng vaccine bại liệt dạng tiêm còn dồi dào và hạn sử dụng đến hết tháng 8.
Bà Dương Thị Hồng khẳng định, Bộ Y tế đang rất nỗ lực, sắp tới đây sẽ trình lên Chính phủ với mong muốn tiếp tục được cung ứng tập trung vaccine. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất là sẽ xây dựng một khung giá chung với vaccine nhập khẩu 5 trong 1. Qua đó, các địa phương căn cứ vào nhu cầu thực tế và sau khi có kết quả mua sắm đấu thầu hoặc đàm phán theo giá quy định, Bộ Y tế sẽ cung cấp giá cho các địa phương. Các địa phương phải nhanh chóng ký hợp đồng để nhận vaccine. Cách thức giống như việc các Sở Y tế đã thực hiện mua một số thuốc tập trung.
Đối với vaccine trong nước, Bộ Y tế đang cố gắng để được đặt hàng từ Trung ương trong chương trình tiêm chủng mở rộng và có một giá cụ thể. Theo đó, địa phương sẽ dựa vào đó để ký hợp đồng với nhà sản xuất trong nước và nhận vaccine.
“Trong tháng 6, Bộ Y tế sẽ có văn bản chính thức đề nghị số lượng đặt hàng vaccine. Do đó, các địa phương phải nỗ lực nắm được con số chính xác ở mức tối đa nhất để tránh tình trạng thừa hoặc thiếu so với số lượng đề xuất”, bà Dương Thị Hồng nhấn mạnh.
Đánh giá về kết quả công tác tiêm chủng năm 2022, bà Hoàng Ngọc Mai, đại diện Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết, hầu hết tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng không đạt kế hoạch và thấp hơn năm 2021. Cụ thể, tại khu vực phía Nam ghi nhận 90 huyện của 15 tỉnh/thành phố có tỷ lệ tiêm chủng thấp dưới 80%.
Theo bà Hoàng Ngọc Mai, một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều chỉ tiêu trong chương trình chủng không đạt theo kế hoạch là việc mua sắm vaccine sản xuất trong nước vào nửa cuối năm 2022 chưa được thực hiện theo đúng kế hoạch, dẫn đến một số vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng bị thiếu từ 2 - 6 tháng, ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng, tiêm đủ mũi, đúng lịch.
Về kết quả tiêm vét trong năm 2022, bà Hoàng Ngọc Mai thông tin thêm, có 16/20 tỉnh khu vực phía Nam thực hiện tiêm vét năm 2021, với 338.026 mũi và năm 2022 là 18/20 tỉnh, với 123.498 mũi tiêm vào quý 1/2023. Tuy nhiên, con số này rất thấp so với số trẻ cần tiêm vét và không làm thay đổi đáng kể tỷ lệ tiêm chủng.