Tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 2 trên 90%, Bộ Y tế khuyến cáo doanh nghiệp TP.HCM không được chủ quan

Hiện nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 mũi 1 tại TP.HCM đạt 100%, tỷ lệ mũi 2 trên 90%, thế nhưng, đại diện Bộ Y tế nhấn mạnh, TP.HCM không thể chủ quan.

Đạt tỷ lệ tiêm chủng rất cao, hàng nghìn ca F0 vẫn được phát hiện trong các KCN

Sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128, kinh tế Việt Nam đã có nhiều bước tăng trưởng rất mạnh mẽ. Thế nhưng, hiện nay, tại TP.HCM, cơ quan chức năng của thành phố vẫn phải căng mình đối mặt với các đợt bùng phát dịch mới, khiến quá trình phục hồi bị chậm lại.

Đặc biệt, trong 1 tháng trở lại đây, rất nhiều ca F0 tại TP.HCM được phát hiện bên trong các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp tập trung đông người. Điều này đã và đang đe dọa tới công tác phòng chống dịch bệnh, cũng như quá trình phục hồi kinh tế.

Tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 2 trên 90%, Bộ Y tế khuyến cáo doanh nghiệp TP.HCM không được chủ quan.

Về vấn đề này, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện nay, tất cả các sản phẩm vắc-xin ngừa COVID-19 không thể kháng virus với tỷ lệ 100%.

Chính vì vậy, dù TP.HCM có tỷ lệ tiêm chủng rất cao, nhưng trong thời gian qua liên tục phát hiện thêm hàng nghìn ca nhiễm mới là điều đã được dự báo từ trước.

“Tuy nhiên, những người được tiêm 2 mũi vắc-xin sẽ có tỷ lệ tử vong thấp hơn, triệu chứng cũng nhẹ hơn người chưa được tiêm vắc-xin”, ông Tuyên nói.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, dù TP.HCM vẫn đang trong quá trình kiểm soát dịch bệnh, thế nhưng, tình hình dịch bệnh trên thế giới đang rất phức tạp. Nhiều quốc gia đã xuất hiện biến chủng mới.

“Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, dù tỷ lệ tiêm chủng tại TP.HCM rất cao, nhưng các cơ sở sản xuất kinh doanh, các khu công nghiệp vẫn nên tuân thủ đúng quy tắc 5k của Bộ Y tế trong sản xuất kinh doanh”, ông Tuyên nhấn mạnh.

Trong một kịch bản xuất nhất, nếu Việt Nam xuất hiện đợt bùng phát dịch lần thứ 5, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Chính phủ, Bộ Y tế, cùng các Bộ, ngành, địa phương tạm thời trong vòng an toàn, sẽ cùng đồng hành với các địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp.

“Mục tiêu của Chính phủ là không để tỉnh nào, người dân nào bị bỏ lại phía sau. Nên bất kỳ địa phương nào có tình hình dịch bệnh phức tạp, không riêng gì TP.HCM đều sẽ nhận được sự ưu tiên của Chính phủ, cùng các Bộ ngành”, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

Đồng tình với chia sẻ trên, PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng: Trong đợt bùng phát dịch vừa qua, Chính phủ, cùng các Bộ, ngành, địa phương đã dành rất nhiều ưu ái cho “tâm dịch” của TP.HCM.

Đơn cử, Chính phủ đã trực tiếp cử các đoàn công tác chống dịch vào TP.HCM, đồng thời huy động đội ngũ bác sĩ từ trung ương, quân y giúp thành phố phòng chống dịch.

Đặc biệt, Chính phủ đã dành nguồn vắc-xin cho TP.HCM. Chính điều đó đã giúp thành phố có tỷ lệ phủ vắc-xin mũi 1 sớm nhất cả nước, đạt tỷ lệ 100%. Trong khi đó, tỷ lệ tiêm vắc-xin mũi 2 cũng đạt trên 90%.

“Trong thời gian tới, với sự tiếp tục hỗ trợ của Trung ương, TPHCM sẽ nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội để xứng đáng là đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước, là trung tâm thương mại, dịch vụ khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục”, PGS.TS Trần Hoàng Ngân nói.

Doanh nghiệp cùng chung tay với thành phố

Có thể nói, đại dịch COVID-19 vừa qua, đặc biệt là đợt dịch thứ 4, cả nước vẫn còn những nỗi đau, trong đó có sự mất mát của những những người dân TPHCM. Nhưng Việt Nam cũng phải nhìn đến sự vươn lên, sự tìm tòi, chịu khó, vượt qua thách thức của đội ngũ doanh nhân.

Đến giờ phút này, 88 dự án trong khu công nghệ cao với khoảng 48.000 lao động đã khôi phục lại 100% hoạt động

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, trong giai đoạn căng thẳng nhất, doanh nhân Thành phố tuy bị ảnh hưởng rất nặng nề của COVID-19, doanh nghiệp phải đóng cửa, ngừng hoạt động nhưng đội ngũ doanh nhân chung sức, hỗ trợ nguồn lực với Thành phố để kiểm soát dịch bệnh.

Cùng lúc đó, chúng ta thực hiện các giải pháp như “3 tại chỗ”, hoặc “1 cung đường 2 điểm đến”, các doanh nghiệp vẫn duy trì một số hoạt động sản xuất trong lúc có dịch, có thể hình dung là vừa duy trì sản xuất trong lúc có “chiến tranh”.

Sau khi Thành phố đã phủ được vắc-xin, kiểm soát được dịch bệnh thì chuyển sang thích ứng an toàn linh hoạt, doanh nghiệp Thành phố bắt tay vào khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Đến giờ phút này, 88 dự án trong khu công nghệ cao với khoảng 48.000 lao động đã khôi phục lại 100% hoạt động

Trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, 1.408/1.412 doanh nghiệp đã hoạt động với số lượng lao động lên tới trên 280.000 lao động, chỉ còn 4 doanh nghiệp, cho thấy Thành phố đã bắt nhịp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại để thực hiện nhanh các đơn đặt hàng từ khu vực Hoa Kỳ, châu Âu và các nước cho mùa đông và Giáng sinh.

“Kim ngạch xuất nhập khẩu của chúng ta tiếp tục tăng cao trong thời gian vừa qua. Năm nay chúng ta kỳ vọng đạt mức kỷ lục 640 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu”, ông Ngân kỳ vọng.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ty-le-tiem-vac-xin-mui-2-tren-90-bo-y-te-khuyen-cao-doanh-nghiep-tphcm-khong-duoc-chu-quan-post171927.html