Tỷ lệ trẻ đến khám vì tự kỷ gia tăng
Năm 2024, Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp đón trên 45 nghìn lượt trẻ đến khám sức khỏe tâm thần nói chung, trong đó xấp xỉ 20% trường hợp khám với một số dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ.

Trẻ tự kỷ có nhiều em có khả năng thiên bẩm như vẽ, hát, học ngoại ngữ... (Ảnh: Báo Nhân Dân)
Trung bình mỗi năm có khoảng 10 nghìn lượt trẻ khám tự kỷ tại Bệnh viện Nhi Trung ương
Theo các nghiên cứu lớn trên thế giới, tỷ lệ trẻ tự kỷ chiếm khoảng 1% dân số. Tại Việt Nam, con số này cũng được dự báo tương đương.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Phó Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, năm 2018, Bệnh viện Nhi Trung ương phối hợp với trường Đại học Y tế công cộng thực hiện nghiên cứu cấp quốc gia sàng lọc trẻ dưới 6 tuổi ở 7 điểm đại diện cho vùng miền ở Việt Nam.
Kết quả cho thấy, tỷ lệ trẻ mắc tự kỷ dưới 6 tuổi khoảng 0,7%. "Nếu chúng tôi mở rộng nghiên cứu với trẻ trên 6 tuổi, chúng tôi nghĩ con số này còn cao hơn", bác sĩ Mai Hương khẳng định.
Thời gian gần đây, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tỷ lệ cha mẹ đưa con đến khám sớm, trước 2 tuổi ngày càng tăng cao. Điều đó cho thấy, khi chỉ có dấu hiệu mơ hồ, các cha mẹ cũng đã lo lắng và cho con đi khám từ sớm để tìm hiểu nguyên nhân việc phát triển chậm của con.
Trong báo cáo cuối năm 2024, Khoa Tâm thần tiếp đón trên 45 nghìn lượt trẻ đến khám sức khỏe tâm thần nói chung, trong đó xấp xỉ 20% khám vì dấu hiệu nghi ngờ tự kỷ. Như vậy, mỗi năm có xấp xỉ 10 nghìn lượt trẻ khám tự kỷ.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Mai Hương, Phó Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ
Theo bác sĩ Mai Hương, hiện tự kỷ chưa có phương pháp chữa khỏi. Những trẻ được phát hiện sớm, can thiệp sớm, đúng cách, đủ thời gian, có sự phối hợp giữa cha mẹ và nhà chuyên môn thì những ảnh hưởng của tự kỷ với đời sống, chức năng của trẻ sẽ giảm xuống, giúp trẻ gia tăng chất lượng sống, giảm gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Khi trẻ đến khám ở tuổi nhỏ, trẻ có nhiều cơ hội tham gia vào hoạt động can thiệp sớm, hiệu quả can thiệp cao, chi phí can thiệp và tác động tiêu cực đến trẻ và gia đình, xã hội sẽ giảm xuống.
Giai đoạn vàng để can thiệp cho trẻ tự kỷ là trước 4 tuổi, đặc biệt trước 3 tuổi vì đây là giai đoạn não bộ đang phát triển. Những can thiệp lúc này của các nhà chuyên môn sẽ thúc đẩy hoạt động phát triển não bộ cho trẻ.
Ngoài việc can thiệp tại các trung tâm, vai trò của cha mẹ rất quan trọng. Cha mẹ phải là người chủ động nắm bắt thông tin, tích lũy cho mình kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ các nhà chuyên môn cùng đồng hành trong hành trình can thiệp cho con.

Cha mẹ cần hiểu biết, đồng hành cùng con tự kỷ.
Cần nâng cao năng lực cơ sở y tế trong chẩn đoán, can thiệp trẻ tự kỷ
Khoa Tâm thần, Bệnh viện Nhi Trung ương là đơn vị đầu ngành chẩn đoán về rối loạn phổ tự kỷ. Có rất nhiều cha mẹ phải mang con từ những địa bàn xa xôi xuống Hà Nội để xác định con mình có tự kỷ hay không. Điều này vô cùng bất lợi cả về thời gian, chi phí cho gia đình đồng hành cùng con nếu con được kết luận mắc chứng rối loạn tự kỷ.
Bác sĩ Mai Hương dẫn chứng, có trường hợp cha mẹ đưa con từ Điện Biên đến Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Để xuống viện, cha mẹ phải nghỉ việc, cho con đi quãng đường dài cả ngày trời, tốn kém nhiều chi phí liên quan ngoài chi phí khám xét. Tuy nhiên, sau khi khám xong, biết con mình mắc rối loạn phổ tự kỷ, họ trở về địa phương và không biết phải làm gì tiếp theo. Các trung tâm can thiệp rất xa địa bàn họ ở và chi phí cho việc này ngoài khả năng của họ.
5 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tự kỷ:
- 12 tháng, trẻ không nói bập bẹ
- 12 tháng, trẻ chưa biết chỉ ngón, bye, vỗ tay, lắc đầu
- 16 tháng, trẻ chưa nói được từ đơn
- 24 tháng, trẻ chưa nói được 2 từ
- Trẻ mất đi kỹ năng ngôn ngữ hoặc xã hội đã có ở bất kỳ lứa tuổi nào.
Vì thế, ngoài tích cực truyền thông giáo dục sức khỏe nâng cao nhận thức cộng đồng phát hiện sớm tự kỷ, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng triển khai chuyển giao kỹ thuật cho y tế tuyến dưới.
Ngành y tế đã nỗ lực có những dự án bệnh viện vệ tinh chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới, để nâng cao năng lực cho bác sĩ tại tuyến tỉnh để khám, đánh giá, chẩn đoán trẻ tại chính địa phương.
Bác sĩ Mai Hương đề xuất, chúng ta cần có chính sách, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của trẻ tự kỷ tại chính địa phương thí dụ như có thêm nhiều đơn vị có khả năng khám, tầm soát trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ, có các trung tâm can thiệp tại địa phương, có đội ngũ giáo viên chuyên biệt và được đào tạo bài bản để các em không cần phải đi xa.
Điều quan trọng nữa là phải nâng cao nhận thức cộng đồng hiểu về trẻ tự kỷ, giảm bớt sự kỳ thị và cùng chung tay để giúp trẻ tự kỷ và gia đình hòa nhập với cộng đồng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ty-le-tre-den-kham-vi-tu-ky-gia-tang-post868691.html