Tỷ phú công nghệ Trung Quốc nợ nần, sống thua người thường

Lọt vào danh sách không kịp trả nợ ở Trung Quốc, một số tỷ phú công nghệ một thời bị hạn chế nhiều quyền lợi so với những người dân thường.

Họ từng là những tỷ phú, đứng đầu các công ty công nghệ đình đám tại Trung Quốc. Giờ đây, họ còn chẳng thể đặt vé máy bay hay tàu cao tốc. Đó là thực trạng của 3 doanh nhân sáng lập LeEco, OfO và Smartisan.

Những vị tỷ phú không được đi máy bay

Lou Yonghao - nhà sáng lập hãng smartphone Smartisan - là thành viên mới nhất của nhóm tỷ phú nợ nần. Ông Lou từng lớn tiếng muốn đánh bại Apple tại thị trường Trung Quốc, nhưng bài viết được nhiều người quan tâm gần đây của ông lại là tâm thư trên Weibo có tựa đề "Lời thú tội của một CEO nợ nần".

"Tôi nghĩ dân mạng tỏ ra thông cảm với ông Lou bởi ông ấy thuộc dạng người khó ghét bỏ. Đó là một người đàn ông trung niên mập mạp, lại từng là thầy giáo và có vẻ rất gắn bó với tầm nhìn của mình, đồng thời cũng thực sự tham gia phát triển sản phẩm", nhà đầu tư Rui Ma, người sáng lập trang TechBuzz China, nhận xét.

Ba nhà sáng lập công nghệ Trung Quốc bị rơi vào danh sách nợ nần, cấm đi máy bay. Ảnh: SCMP.

Ba nhà sáng lập công nghệ Trung Quốc bị rơi vào danh sách nợ nần, cấm đi máy bay. Ảnh: SCMP.

Ông Luo cùng với Dai Wei, nhà sáng lập Ofo và Jia Yueting, nhà sáng lập LeEco là những người bị đưa vào "danh sách đen" tại Trung Quốc vì nợ không trả đúng hạn, theo phán quyết của tòa án. Những người này còn được gọi với từ "lão lai", chỉ những người nợ mãi không trả.

Ngoài việc không được hưởng những dịch vụ đắt tiền như máy bay hay tàu cao tốc, một số địa phương còn dùng những hình phạt nặng hơn như đưa mặt người nợ lên bảng quảng cáo, hoặc đưa lên màn hình trước khi chiếu phim.

Không như ông Luo, hai người còn lại hầu như không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng mạng. Ông Jia từng rất thành công với LeTV, một trong những nền tảng xem phim trực tuyến lớn nhất Trung Quốc. Tuy nhiên khi mở ra công ty sản xuất phần cứng LeEco và công ty xe điện Faraday Future, tình hình kinh doanh không còn thuận lợi.

Faraday Future từng tuyên bố sẽ thách thức Tesla tại Mỹ, nhưng công ty này đã phá sản vào tháng 10. Những khoản nợ của ông Jia khiến ông bị đưa vào danh sách đen từ năm 2017.

Ông Lou Yonghao từng được coi là thần tượng giới trẻ, những sự kiện của Smartisan dù bán vé vẫn luôn kín chỗ. Ảnh: Smartisan.

Ông Lou Yonghao từng được coi là thần tượng giới trẻ, những sự kiện của Smartisan dù bán vé vẫn luôn kín chỗ. Ảnh: Smartisan.

Trong cơn sốt chia sẻ, Ofo từng dẫn dắt ngành chia sẻ xe đạp tại Trung Quốc với mục tiêu hoạt động tại 200 thành phố năm 2017. Có thời điểm công ty này được định giá trên 2 tỷ USD. Tuy nhiên mức độ cạnh tranh của các công ty chia sẻ xe đạp rất gắt gao, khoản nợ thì ngày càng nhiều, và nhà sáng lập Dai Wei bị đưa vào danh sách đen năm 2018.

Hai nhà sáng lập Dai Wei và Jia Yueting không được lòng công chúng bởi họ thường phát biểu quá lời, sỗ sàng. Ông Jia còn bị soi bởi những hành vi đảo nợ.

Trong khi đó, ông Luo từng được coi như một thần tượng của giới trẻ. Chủ nghĩa hoàn hảo của nhà sáng lập này khiến nhiều người so sánh Smartisan với Apple, còn dịch vụ tin nhắn của họ với WeChat.

Những sự kiện ra mắt sản phẩm của Smartisan đều bán vé và luôn hết sạch. Dù vậy, thực tế kinh doanh của Smartisan không mấy sáng sủa, khiến nhà sáng lập ngập trong đống nợ.

Cạm bẫy từ thị trường quá khốc liệt

Các startup công nghệ thất bại là chuyện bình thường. Tuy nhiên, tại Trung Quốc ngành công nghệ nói chung có tuổi đời ngắn hơn, nhưng cạnh tranh cũng rất khốc liệt, theo nhận xét của Elliott Zaagman, người dẫn kênh China Tech Investor.

"Họ buộc phải mở rộng cực kỳ nhanh, hoặc không thì sẽ trở thành con cá bé bị cá lớn nuốt", ông Zaagman cho biết.

Nhà sáng lập Jia Yueting của LeTV, LeEco và Future Faraday bị coi là kẻ lừa đảo vì những thương vụ thiếu minh bạch. Ảnh: Reuters.

Nhà sáng lập Jia Yueting của LeTV, LeEco và Future Faraday bị coi là kẻ lừa đảo vì những thương vụ thiếu minh bạch. Ảnh: Reuters.

Do gọi vốn để mở rộng quy mô quá nhanh, nhiều công ty rơi vào cảnh chi tiêu không kiểm soát. Tầm nhìn ngắn hạn của những công ty mới cũng dễ khiến cho họ không biết dừng đúng lúc.

Vương Tư Thông có thể là đại gia công nghệ tiếp theo bị đưa vào danh sách nợ nần. Hôm 9/11, con trai của tỷ phú Trung Quốc Vương Kiện Lâm đã bị tòa án ở Thượng Hải cấm đi máy bay hạng nhất, mua bất động sản, ở trong khách sạn 5 sao, đi nghỉ dưỡng, chơi golf hay chơi bời trong hộp đêm.

Đây là hình phạt dành cho Vương Tư Thông, 31 tuổi, do thiếu gia này không chịu bồi thường 3,6 triệu nhân dân tệ (515.000 USD) dù Công ty Shanghai Panda Entertaiment của Vương thua kiện một người dẫn chương trình eSports. Ngoài ra, Vương Tư Thông còn nợ tới 21,6 triệu USD.

Là con của một trong những người giàu nhất Trung Quốc, Vương Tư Thông cũng không tránh khỏi bị cấm đi máy bay khi thiếu nợ. Ảnh: SCMP.

Là con của một trong những người giàu nhất Trung Quốc, Vương Tư Thông cũng không tránh khỏi bị cấm đi máy bay khi thiếu nợ. Ảnh: SCMP.

Hệ thống tín dụng xã hội của Trung Quốc theo dõi và đánh giá người trưởng thành trong độ tuổi 18-45 và các doanh nghiệp. Những cá nhân và công ty không tuân theo quy định và nguyên tắc chính phủ Trung Quốc đề ra sẽ bị trừng phạt nặng.

Hệ thống này cũng được sử dụng để khen thưởng cho những người thực hiện các hành động có lợi cho xã hội. Theo AP, hàng triệu người ở Trung Quốc đã bị phạt vì có điểm tín dụng xã hội thấp. Hình phạt chủ yếu là cấm đi máy bay hoặc tàu điện.

Điểm xã hội cho công dân: Cơn ác mộng của người Trung Quốc? Với một số người, cách chấm điểm này trở thành cơn ác mộng. Họ có thể bị mất trợ cấp xã hội chỉ vì chưa dọn sạch chuồng dê trong nhà.

Nhật Minh
Theo SCMP

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/ty-phu-cong-nghe-trung-quoc-no-nan-song-thua-nguoi-thuong-post1012545.html