Tý phú du lịch mạo hiểm, ai trả tiền cho những chiến dịch cứu hộ tốn kém?
Khi chiếc máy bay của tỷ phú Steve Fossett mất tích trên dãy núi Nevada năm 2007, nhà thám hiểm giàu có trở thành đối tượng của chiến dịch tìm kiếm trên hàng ngàn dặm. Điều đó đặt ra một câu hỏi hóc búa: Sau khi chiến dịch tìm kiếm tỷ phú thám hiểm kết thúc, ai sẽ phải thanh toán các hóa đơn?
Trong những ngày qua, chiến dịch quy mô lớn được triển khai để tìm kiếm con tàu lặn mất tích khi đưa 5 người xuống thám hiểm xác tàu Titanic dưới đáy Đại Tây Dương lại làm nóng vấn đề đó.
Sau khi lực lượng cứu hộ và dư luận tập trung vào việc tìm kiếm và thương tiếc những người trên tàu, vấn đề này lại dẫn đến một cuộc tranh luận khó chịu.
“Có nhiều người sẽ nói: 'Tại sao xã hội phải chi tiền cho nỗ lực giải cứu nếu những người đó đủ giàu để tham gia những hoạt động rủi ro này?'", Arun Upneja - Hiệu trưởng Trường Quản trị du lịch thuộc ĐH Boston, nói.
Câu hỏi đó gây chú ý khi các du khách rất giàu có tham gia những cuộc phiêu lưu kỳ lạ và tốn tiền để lên đỉnh núi cao, đi thuyền xuyên đại dương và bay vào không gian.
Tuần duyên Mỹ từ chối tiết lộ chi phí ước tính cho chiến dịch tìm kiếm Titan. Năm người, trong đó có một tỷ phú Anh, hai bố con thuộc một trong những gia đình nổi tiếng nhất Pakistan, thiệt mạng trong vụ nổ tàu. Hãng cung cấp dịch vụ thu 250.000 USD cho mỗi ghế trong con tàu thám hiểm.
“Chúng tôi không thể quy ra tiền các trường hợp tìm kiếm và cứu hộ, vì tuần duyên không gắn chi phí với việc cứu người”, Tuần duyên Mỹ cho biết.
Theo Luật sư Mỹ Stephen Koerting, người chuyên về luật hàng hải, dù chi phí cho nhiệm vụ của Tuần duyên Mỹ có thể lên tới hàng triệu đô la, nhưng luật liên bang của Mỹ không cho phép thu tiền bồi hoàn liên quan đến bất kỳ dịch vụ tìm kiếm hoặc cứu nạn nào.
Nhưng điều đó không giải quyết được câu hỏi lớn hơn, rằng liệu các du khách giàu có hay công ty cung cấp dịch vụ có phải chịu trách nhiệm trước người dân và chính phủ khi họ thực hiện những cuộc thám hiểm rủi ro như vậy hay không.
“Đây là một trong những câu hỏi khó nhất để có thể tìm ra câu trả lời”, Pete Sepp - Chủ tịch Hiệp hội người nộp thuế quốc gia Mỹ, cho biết. Ông nói đến những cuộc giải cứu do chính phủ chi trả kể từ khi tỷ phú người Anh Richard Branson bay qua Đại Tây Dương bằng khinh khí cầu trong những năm 1990.
Năm 1998, khi nỗ lực bay vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu của Fossett kết thúc bằng việc lao xuống đại dương cách bờ biển Úc 500 dặm, Không quân Hoàng gia Úc đã điều động máy bay vận tải Hercules C-130 để tìm kiếm. Một chiếc máy bay quân sự của Pháp đã thả bè cứu sinh với 15 người xuống tìm trước khi Fossett được một chiếc du thuyền đi ngang qua cứu.
Những người chỉ trích cho rằng Fossett phải trả chi phí, nhưng tỷ phú này gạt đi.
Cuối năm đó, Tuần duyên Mỹ phải chi hơn 130.000 USD để cứu Fossett và Branson sau khi khinh khí cầu của họ rơi xuống vùng biển gần Hawaii. Branson nói rằng ông sẽ trả phí nếu Tuần duyên yêu cầu, nhưng lực lượng này không làm điều đó.
Chín năm sau, sau khi chiếc máy bay của Fossett biến mất ở vùng núi Nevada, Lực lượng Vệ binh quốc gia của bang đã triển khai chiến dịch tìm kiếm hàng tháng trời, nhưng chỉ tìm thấy mảnh vỡ của những vụ tai nạn cách đó mấy chục năm mà không thấy vị tỷ phú đâu.
Bang Nevada cho biết, chiến dịch này đã tiêu tốn của những người nộp thuế 685.998 USD, trong đó 200.000 USD được tư nhân đóng góp. Tuy nhiên, khi chính quyền của Thống đốc Jim Gibbons thông báo sẽ thu phần còn lại, góa phụ của Fossets từ chối, nói rằng bà đã phải chi 1 triệu USD cho chiến dịch tìm kiếm riêng.
“Chúng tôi tin rằng cuộc tìm kiếm của bang Nevada là chi phí của chính phủ phải chi trả để thực hiện chức năng của chính phủ”, một luật sư đại diện cho bất động sản Fossett viết trong thư trả lời đại diện cho thân chủ.
Luật ngu ngốc
Du lịch mạo hiểm gần như chỉ dành cho những người giàu.
Một số nơi áp dụng cái gọi là “luật lái xe ngu ngốc”, theo đó sẽ buộc người lái xe buộc phải thanh toán hóa đơn cứu hộ khẩn cấp khi họ phớt lờ rào chắn trên những con đường ngập nước. Arizona có luật như vậy và quận Volusia bang Florida gần đây ban hành luật tương tự. Ý tưởng về việc áp dụng “luật đi bộ đường dài ngu ngốc” đang là một chủ đề được tranh luận ở Arizona, với rất nhiều người không chuẩn bị trước vẫn đi bộ đường dài và cần được giải cứu trong cái nóng ngột ngạt.
Butch Farabee, một cựu kiểm lâm viên đã tham gia hàng trăm hoạt động cứu hộ tại Grand Canyon và các công viên quốc gia khác, đồng thời đã viết một số cuốn sách về chủ đề này, cho biết hầu hết các quan chức và tình nguyện viên tham gia tìm kiếm đều phản đối việc thu tiền cứu hộ.
Họ cho rằng việc thu phí sẽ khiến nhiều người không gọi trợ giúp ngay khi cần và đến khi gọi đã quá muộn, Farabee cho biết.
Tuy nhiên, việc không thu phí khiến một số người coi cứu hộ là điều hiển nhiên.
Farabee kể lại một cuộc gọi vào những năm 1980 từ một luật sư khi ông này đang đi bộ ra khỏi Grand Canyon. Người đàn ông yêu cầu trực thăng cứu hộ, nói rằng ông ta có một cuộc họp quan trọng vào ngày hôm sau, nhưng kiểm lâm từ chối yêu cầu đó.
Mỗi người có thể tốn hàng chục nghìn đô la để xin giấy phép và trả chi phí thám hiểm để leo lên đỉnh Everest. Mỗi năm đều có một số người chết hoặc mất tích khi leo núi, khiến các quan chức địa phương phải ứng phó khẩn cấp.
Dù Chính phủ Nepal yêu cầu những người leo núi phải mua bảo hiểm cứu hộ, nhưng phạm vi của các nỗ lực cứu hộ có thể rất khác nhau, có trường hợp tiêu tốn hàng chục nghìn đô la.
Trên biển cả, nhiều người giàu có phiêu lưu bằng du thuyền muốn tìm kiếm kỷ lục về tốc độ và khoảng cách cũng đã nhiều lần yêu cầu được giải cứu khi hành trình của họ trục trặc.
Khi du thuyền của Tony Bullimore, một triệu phú người Anh trong chuyến hành trình vòng quanh thế giới, bị lật cách bờ biển Úc 1.400 dặm năm 1997, có vẻ như ông đã hết cơ hội. Bám vào thân tàu, Bullimore cạn kiệt nước ngọt.
Khi một con tàu cứu hộ đến, Bullimore bơi một cách tuyệt vọng về phía mặt nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Úc Ian McLachlan khi đó nói rằng Úc “có nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế, nghĩa vụ đạo đức phải thực hiện việc cứu hộ, dù trong cháy rừng, bão lớn hay trên biển”.
Tuy nhiên, Chính phủ Úc sau đó hạn chế các tuyến đua du thuyền, với hy vọng giới hạn những người đua du thuyền ở khu vực mà họ ít cần cứu hộ.