Tỷ phú lên vũ trụ - giấc mơ khám phá hay cuộc đua đốt tiền phù phiếm?
Các tỷ phú đang cạnh tranh quyết liệt trong cuộc đua bay vào vũ trụ, nhưng các chuyên gia bày tỏ hoài nghi về những lợi ích mà cuộc đua này mang lại cho phần còn lại của nhân loại.
Đầu tháng 7, tỷ phú người Anh Richard Branson đã bay lên vũ trụ với con tàu VSS Unity do chính tập đoàn Virgin Galactic của ông phát triển.
Tuần qua, một tỷ phú khác người Mỹ, ông chủ Amazon Jeff Bezos, cũng du hành vũ trụ trên con tàu Blue Origin. Điểm xa nhất mà tàu Blue Origin đạt đến cao hơn 16 km so với con tàu của tỷ phú Branson.
Trong cuộc đua lên vũ trụ, không thể không nhắc tới ông chủ của Tesla, tỷ phú Elon Musk. Washington Post đưa tin, sau chuyến đi của Bezos, tỷ phú Musk cũng đang lên kế hoạch bay vào vũ trụ.
Chuyến đi của hai tỷ phú Branson và Bezos được đánh bóng là cột mốc của một kỷ nguyên "du hành vũ trụ" mới, khi những người chưa từng qua đào tạo cũng có thể trở thành phi hành gia, một danh hiệu cao quý vốn chỉ dành cho những nhà khoa học và phi công hàng đầu.
Đặc quyền của các tỷ phú
Giữa thế kỷ 20, khám phá vũ trụ là màn cạnh tranh tay đôi giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô, một phần của cuộc đối đầu ý thức hệ toàn diện. Nay, nhân vật chính trong cuộc đua bay vào vũ trụ là những tập đoàn công nghệ khổng lồ trong tay những người giàu nhất thế giới.
Tỷ phú Bezos và tỷ phú Branson từng nhiều lần lời qua tiếng lại. Ông trùm Amazon tuyên bố tàu vũ trụ của Blue Origin sẽ bay cao hơn con tàu của tỷ phú người Anh, và thực tế là nó đã làm được.
Trong khi đó, sự kình địch giữa Tesla và Blue Origin trong ngành công nghiệp hàng không - vũ trụ không phải là điều mới mẻ. Sau chuyến bay vào vũ trụ của tỷ phú Bezos, Elon Musk tuyên bố chưa tên lửa nào của Blue Origin đạt đến độ cao của quỹ đạo, hàm ý nói chuyến đi của tỷ phú Bezos không có ý nghĩa.
"Cạnh tranh là điều có lợi. Cạnh tranh mang lại sự sáng tạo, hiệu quả trong sử dụng các nguồn lực, và thúc đẩy các quy trình an toàn", Al Jazeera bình luận về cuộc tranh đua của các tập đoàn tư nhân.
Các công ty du hành vũ trụ quảng cáo những chuyến đi đầy lạc thú này "mang vũ trụ tới cho số đông" người dân Trái Đất. Về lý thuyết, thông điệp này không hoàn toàn sai.
Trước khi các hãng công nghệ tư nhân vào cuộc, chi phí để bay lên vũ trụ là 25 triệu USD cho mỗi hành khách. Trong giai đoạn 2001-2009, chỉ 7 hành khách tư nhân trả tiền cho những chuyến đi như vậy.
Theo thông báo của Virgin Galactic, hãng này đã nhận được 8.000 đơn đặt hàng chuyến bay du hành vũ trụ. Chi phí cho mỗi suất bay lên vũ trụ là 250.000 USD.
Đối với Blue Origin, hãng này chưa thông báo chi phí chính thức cho khách hàng, nhưng dự kiến mức giá cũng sẽ tương tự Virgin Galactic.
Trong 3 vị tỷ phú cạnh tranh trên vũ trụ, Bezos là người đầu tiên thành lập công ty chế tạo tên lửa vào năm 2000, công ty Blue Origin. Bezos chọn ngày bay lên vũ trụ là 20/7, bởi vào đúng ngày này năm 1969, hai nhà du hành người Mỹ là Neil Armstrong và Buzz Aldrin đã đặt những bước chân đầu tiên lên Mặt Trăng.
Nhưng ngày cột mốc của tỷ phú Bezos phần nào mất vui, khi đối thủ - tỷ phú Branson - lựa chọn phóng tàu vũ trụ vào ngày 11/7, tức 9 ngày trước khi tàu Blue Origin khởi hành. Khi trở về Trái Đất từ con tàu VSS Unity, tỷ phú Branson không chờ đợi lâu để "khoe" ngay với giới truyền thông.
"Tưởng tượng một thế giới nơi mọi người, mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh, từ bất cứ đâu có quyền bình đẳng bay vào vũ trụ. Điều đó giúp thôi thúc chúng ta trên Trái Đất này", ông Branson tuyên bố.
Nhưng "giấc mơ" tất cả mọi người có thể bay vào vũ trụ của tỷ phú Branson xem chừng khó trở thành hiện thực, ít nhất là trong tương lai gần. Ngay cả khi chi phí đã giảm gấp 100 lần so với trước đây, số tiền phải trả cho mỗi chuyến đi vẫn ở mức "không tưởng" đối với 99% dân số thế giới.
Ý nghĩa khoa học?
Chuyến đi của hai tỷ phú Bezos và Branson bị nhiều ý kiến nghi ngờ là đã thực sự đưa họ vào vũ trụ hay chưa.
"VSS Unity và Blue Origin là những phương tiện bay dưới độ cao quỹ đạo. Chúng không bay đủ cao để bay quanh quỹ đạo Trái Đất, khác xa so với các chuyến bay của NASA tiếp tế cho Trạm Vũ trụ Quốc tế hay phóng vệ tinh", Al Jazeera cho biết.
Trong khi đó, nhà báo Michael Hiltzik của Los Angeles Times thì thẳng thừng chỉ trích cuộc cạnh tranh bay vào vũ trụ của các tỷ phú "đánh dấu một cột mốc phù phiếm mới của những người giàu".
"Hãy quên ngay suy nghĩ rằng những chuyến bay này sẽ có bất cứ đóng góp khoa học nào cho nhân loại, ngoài tạo ra một thang đo mới để tính thời gian đốt một đống tiền trong túi khi mà người ta có nhiều hơn số tiền người ta có thể cần dùng đến", nhà báo Hiltzik bình luận trên Los Angeles Times.
Những tuyên bố của hai tỷ phú Bezos và Musk về việc tìm ra Phương án B trong trường hợp Trái Đất không thể sống được nữa giờ vấp phải sự chỉ trích. Trước đây, hai ông này từng nói mục tiêu sẽ là biến sao Hỏa thành thuộc địa của con người.
"Tìm ra lời giải cho hiện tượng ấm lên toàn cầu và dịch bệnh còn khả thi hơn rất nhiều so với rời khỏi Trái Đất. Ước mơ du hành liên hành tinh hay biến các hành tinh thành thuộc địa chỉ là chuyện của trẻ con", nhà báo Hiltzik chỉ trích.
Tại Mỹ, bộ phận lớn cử tri bảo thủ cũng như tự do đều không hào hứng với cuộc đua giữa các tỷ phú. Phe Dân chủ đặc biệt gai mắt khi những ông trùm của giới doanh nghiệp không chi nhiều tiền hơn để giải quyết hàng loạt vấn đề ngay trên Trái Đất như biến đổi khí hậu, chăm sóc y tế hay nạn đói.
"Ngay trên Trái Đất, ở quốc gia giàu nhất thế giới, một nửa người dân của chúng ta vẫn phải chật vật lo cái ăn hàng ngày hay được chăm sóc y tế, nhưng xem kìa, những gã giàu nhất thế giới đang bay ngoài không gian. Vâng, đây là lúc đánh thuế các tỷ phú", Thượng nghị sĩ Bernie Sanders viết trên Twitter.
Theo một nghiên cứu của ProPublica công bố hồi tháng 6, tỷ phú Bezos chỉ đóng thuế thu nhập cá nhân 1% trong giai đoạn 2014-2018. Trong khi đó, mức thuế tỷ phú Musk đóng là 3%.
Tập đoàn Amazon đăng ký nộp thuế ở Luxembourg, một trong các thiên đường thuế của thế giới. Trong khi Amazon đạt doanh thu 51,9 tỷ USD năm 2020, tập đoàn này đóng thuế doanh nghiệp bằng 0 ở Luxembourg.
"Và trong khi ông Bezos rộng lượng cảm ơn nhân viên của Amazon đã giúp hiện thực hóa giấc mơ bay vào vũ trụ, các công nhân nhà kho của Amazon với mức lương bèo bọt 15 USD/giờ có lẽ tự hỏi khoản lợi nhuận ròng 8 tỷ USD mỗi quý đáng ra nên đầu tư vào lĩnh vực nào khác tốt hơn", Al Jazeera bình luận.