Tỷ phú Mỹ 'căm ghét' Bitcoin, ngưỡng mộ lệnh cấm của Trung Quốc
Tỷ phú Mỹ Charlie Munger chỉ trích các loại tiền điện tử như Bitcoin, đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ với quyết định cấm hoàn toàn loại tiền này của chính phủ Trung Quốc.
Theo CNBC, tỷ phú đầu tư Mỹ Charlie Munger từ trước đến nay vẫn không tỏ ra mấy thiện cảm đối với các loại tiền điện tử.
“Tôi ước tiền ảo không bao giờ được ra đời”, tỷ phú Munger, 97 tuổi, phát biểu trong một cuộc hội thảo tại thành phố Sydney, Australia hôm 3/12. Ông nói thêm: “Tôi ngưỡng mộ Trung Quốc. Họ đã có quyết định chính xác khi ban hành lệnh cấm hoàn toàn tiền ảo”.
Tỷ phú Warren Buffet (trái) và tỷ phú Charlie Munger (phải) trong cuộc họp đại cổ đông năm 2019. Ảnh: CNBC.
Sự chú ý với các tài khoản kỹ thuật số đã tăng vọt trong năm nay, trong đó thị trường tiền mã hóa đạt giá trị vốn hóa hơn 3.000 tỷ USD hồi tháng 11. Các đồng tiền hàng đầu như Bitcoin và Ethereum đều lập kỷ lục mới về giá trị.
Munger là cộng sự lâu năm và cánh tay phải của tỷ phú đầu tư Warren Buffett, đồng thời hiện giữ chức phó chủ tịch tập đoàn đa quốc gia Berkshire Hathaway. Đây không phải lần đầu tiên vị lãnh đạo của Berkshire, hiện nắm giữ khối tài sản 2,2 tỷ USD, chỉ trích các loại tiền mã hóa.
Hồi tháng 5 năm nay, trong một phiên hỏi đáp tại cuộc họp cổ đông thường niên của Berkshirem, ông Munger đã có những bình luận về Bitcoin trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
“Tất nhiên tôi căm ghét sự thành công của Bitcoin. Tôi không chào đón loại tiền tệ có lợi cho tội phạm, cũng không ủng hộ hàng tỷ USD cho những người tạo ra sản phẩm tài chính từ không khí. Tôi có thể nói rằng toàn bộ quá trình phát triển tiền mã hóa thật kinh tởm và đi ngược lại với lợi ích của nền văn minh”, ông Munger chia sẻ.
Những người ủng hộ Bitcoin bày tỏ quan điểm đối lập với tỷ phú Munger. Họ cho rằng Bitcoin có thể giúp chống lạm phát và là nền tảng xây dựng hệ thống tài chính ngang hàng, phi tập trung có hiệu quả.
Tuy nhiên, Munger thường chỉ trích Bitcoin vì tính bất ổn cao của nó. “Nó giống hàng hóa thay thế cho vàng. Tôi không bao giờ mua vàng và sẽ không bao giờ mua Bitcoin”, ông Munger chia sẻ hồi đầu năm nay.
Trung Quốc mạnh tay trấn áp
Trung Quốc từng là địa điểm khai thác tiền điện tử lớn nhất thế giới, chiếm 65% tỷ lệ đào Bitcoin toàn cầu. Ảnh: South China Morning Post.
Trung Quốc từng là địa điểm khai thác tiền điện tử lớn nhất thế giới, chiếm 65% tỷ lệ đào Bitcoin toàn cầu. Việc khai thác Bitcoin đòi hỏi những dàn máy tính chuyên dụng và rất tốn điện. Chính vì vậy, các tỉnh có giá điện thấp như Nội Mông, Tân Cương và Tứ Xuyên từng là thiên đường đối với các thợ đào Bitcoin.
Trước đây, chỉ riêng các mỏ khai thác tại Tân Cương, Trung Quốc đã chiếm tới 36% tỷ lệ của Bitcoin khai thác được trên toàn cầu, theo Đại học Cambridge. Tứ Xuyên và Nội Mông lần lượt đứng ở vị trí thứ hai và thứ ba thế giới.
Số lượng các thợ đào và các công ty khai thác Bitcoin đã dần sụt giảm ở Nội Mông khi tỉnh này khu vực duy nhất trong số 30 khu vực được Bắc Kinh xem xét mức tiêu thụ năng lượng và cường độ năng lượng không đạt được mục tiêu vào năm 2019, dẫn đến sự chỉ trích từ chính quyền trung ương vào tháng 9 năm ngoái.
Hiện, Nội Mông đã ban hành lệnh đóng cửa tất cả các mỏ khai thác và gia hạn trong vòng 2 các doanh nghiệp và thợ đào Bitcoin phải hoàn tất việc di dời hệ thống máy tính chuyên dụng và đóng cửa toàn bộ các mỏ khai thác của mình.
Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục ban hành lệnh cấm và siết chặt kiểm soát đối với việc khai thác Bitcoin, bang Texas, Mỹ được nhiều thợ đào Bitcoin coi là lựa chọn hàng đầu trong các điểm đến khi họ lên kế hoạch di cư.
Một điểm đến khác cũng đang được các thợ đào Bitcoin cân nhắc là nước láng giềng của Trung Quốc, Kazakhstan. Quốc gia này cũng có rất nhiều mỏ than, giúp cung cấp nguồn cung cấp năng lượng dồi dào và rẻ.
Vào năm 2013, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc ra lệnh cấm các cơ sở tài chính sử dụng, giao dịch Bitcoin và nhiều loại tiền ảo khác. Đến năm 2017, Trung Quốc đóng cửa các nền tảng giao dịch tiền điện tử nội địa và cấm phát hành mọi loại tiền ảo mới. Trung Quốc đã cấm giao dịch tiền mã hóa kể từ năm 2019 vì lo ngại chúng có thể gây ra mối đe dọa tới thị trường tài chính.
Đến giữa tháng 5 năm nay, chính phủ Trung Quốc liên tục đưa ra lệnh cấm với hoạt động khai thác và đầu tư Bitcoin. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hồi tháng 9 tuyên bố hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền mã hóa là bất hợp pháp, cảnh báo điều này có thể “gây hại nghiêm trọng đến an toàn tài sản của nhân dân”.
Vào tháng 10 năm nay, Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính thuộc Hội Đồng Nhà nước Trung Quốc do Phó Thủ tướng Liu He lãnh đạo đã đưa ra tuyên bố rằng, chính phủ nước này sẽ “trấn áp các hành vi khai thác và kinh doanh Bitcoin, đồng thời kiên quyết ngăn chặn việc lan truyền rủi ro từ cá nhân sang xã hội”.
Cơ quan quản lý này cũng khẳng định khai thác Bitcoin và các loại tiền số khác không chỉ bị đưa vào trong “danh sách đen” của hoạt động công nghiệp, mà còn phải ngay lập tức bị loại bỏ. Đây là một trong những điều kiện tiên quyết để nước này đạt mục tiêu phát thải khí carbon trung tính vào năm 2060.
Tuyên bố của Ủy ban Phát triển và Ổn định Tài chính cũng đã gây tác động nặng nề lên đồng tiền mã hóa Bitcoin. Ngay lập tức, giá Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác lao dốc mạnh.
Hương Vũ (Theo CNBC)