Tỷ phú mỹ phẩm Leonard Lauder: 'Đừng đưa ra những quyết định lớn nếu không có người phụ nữ bên cạnh'
Cựu chủ tịch Leonard Lauder - con trai của nhà sáng lập thương hiệu mỹ phẩm Esteé Lauder - cho ra mắt cuốn sách hồi ký về sự nghiệp cùng hàng loạt những lời khuyên kinh doanh bổ ích.
Mọi con đường đều dẫn dắt Leonard Lauder đến với công việc kinh doanh của gia đình. Bắt đầu từ khi ông còn là một đứa trẻ mới biết đi - Lauder viết trong cuốn hồi ký mới phát hành của mình, "The company I keep" - ông đã dõi theo mẹ mình (sau này là cha của ông, Joseph) xây dựng thương hiệu mỹ phẩm Esteé Lauder.
"Chúng tôi không chỉ là một doanh nghiệp gia đình", Joseph nói với The New York Times vào năm 1958, mười hai năm sau khi công ty chính thức được thành lập. "Chúng tôi là một gia đình kinh doanh."
Esteé đã phát triển các sản phẩm — đầu tiên là kem dưỡng, sau đó là trang điểm và nước hoa — trong khi kiên trì thuyết phục các cửa hàng như Saks Fifth Avenue bán chúng. Chồng và con trai lớn của bà đã giúp đóng gói, giao hàng và hậu cần từ những ngày đầu. Khi cậu bé Leonard đi học đại học, cha ông đã khuyên rằng hãy trở thành một nhà hóa học. Nhưng Leonard có kế hoạch khác.
Ông học kinh doanh và sau một vài năm làm việc trong Hải quân, gia nhập công ty Esteé Lauder vào năm 1958 để giúp phát triển nó thành một tập đoàn kếch xù hàng tỷ đô la. Ông từng là chủ tịch của Esteé Lauder từ năm 1972 đến năm 1995 và cũng là giám đốc điều hành từ năm 1982 đến năm 1999, cho đến khi ông nghỉ hưu.
Ngày nay, 29 thương hiệu — bao gồm MAC, Bobbi Brown và Clinique — dưới sự bảo trợ của Esteé Lauder Cos., đã có sản phẩm được bán ở 150 quốc gia. Tập đoàn làm đẹp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York một phần thuộc sở hữu của sáu thành viên gia đình Lauder, tất cả đều là tỷ phú nhờ cổ phần của họ trong công ty. Ronald, anh trai của Lauder là chủ tịch của Clinique. Con gái lớn của Ronald, Jane, là chủ tịch toàn cầu của Clinique và con gái nhỏ của ông, Aerin, là giám đốc hình ảnh và phong cách tại Esteé Lauder. William, con trai của Leonard là chủ tịch và con trai nhỏ của ông là Gary, người không theo bước cha mình, là một nhà đầu tư mạo hiểm có trụ sở tại Thung lũng Silicon.
Với cuốn hồi ký của mình, Leonard Lauder đưa độc giả vào một chuyến du hành nhiều thế hệ từ những năm 1940 đến năm 2020 khi Leonard, người được Forbes ước tính có khối tài sản trị giá 21,3 tỷ đô la, phản ánh về một "thế hệ Lauders" mới, những người đã lãnh đạo doanh nghiệp kể từ khi ông nghỉ hưu vào năm 1999. Lịch sử của ngành mỹ phẩm luôn thay đổi cũng như doanh thu 14,3 tỷ đô la (doanh thu trong năm tài chính đến tháng 6 năm 2020) đã giúp định hình nó cuốn sách của ông là một cuốn sách dành cho các doanh nhân đầy tham vọng.
Năm bài học được tạp chí Forbes rút ra từ cuốn sách "The company I keep" của tỷ phú Leonard Lauder như sau:
Hãy chọn những người bạn làm việc cùng một cách khôn ngoan — và đảm bảo rằng có một người phụ nữ tại bàn
“Thế giới có rất nhiều người thông minh hơn tôi và tôi không cần phải là người thông minh nhất trong phòng để có giá trị”, Lauder viết. “Tôi thề rằng khi tôi ra khỏi Hải quân, công việc của tôi sẽ là tìm kiếm và thuê những người đó. Và thay vì bị họ đe dọa, tôi sẽ chào đón nồng nhiệt”. Nhưng ông Lauder có một lưu ý: Đừng thuê những người bạn hay người quen của bạn, ông nói, vì khi đó bạn không thể sa thải họ. "Tình bạn là tình bạn nhưng kinh doanh là kinh doanh." Một trong những nhân viên tốt nhất của cựu chủ tịch Lauder là Jeannette Wagner, người điều hành các ấn phẩm quốc tế của Cosmopolitan và gia nhập Esteé Lauder vào giữa những năm 1980 để giúp mở rộng sự hiện diện quốc tế của hãng. Ông nói: “Đừng bao giờ đưa ra một quyết định quan trọng mà không có phụ nữ ở bên."
Có thể chỉ trích nhưng cũng đồng thời phải công nhận và nói lời cảm ơn
Lauder cho biết một trong những mục tiêu chính của ông với tư cách là một nhà lãnh đạo là để nhân viên của mình được công nhận. “Xét cho cùng, bằng cách làm rất tốt công việc của họ, người này sẽ khiến công việc của bạn trở nên dễ dàng hơn,” ông viết.
Được biết đến với vai trò là một người chủ tịch đã gửi lời cảm ơn tới nhân viên trên khắp đất nước, tỷ phú Lauder nói rằng việc cảm ơn những người mà ông đã làm việc cho phép ông đưa ra những lời phê bình mang tính xây dựng sau này. “Hãy suy nghĩ trước khi bạn chỉ trích,” ông viết, “và luôn khen ngợi những nhân viên chăm chỉ ấy trước khi bạn chỉ trích.”
Và khi bạn - với tư cách là một chủ doanh nghiệp - là người mắc sai lầm, đừng ngại thừa nhận điều đó. Một sai lầm mà ông đề cập là không cắt giảm việc phân phối Prescriptives, một trong những thương hiệu trước đây của công ty, để tập trung vào các cửa hàng cao cấp. Cuối cùng, Lauder phải đóng cửa tất cả các quầy Prescriptives trong các cửa hàng, dẫn đến tình trạng thua lỗ kéo dài.
Không làm loãng thương hiệu
“Nếu bạn định hướng theo mô típ sang trọng, hãy ở yên trong phân khúc sang trọng. Đừng để bị mê hoặc bởi khối lượng doanh thu có thể kiếm được bằng cách bán hàng trong một kênh phân phối không phù hợp với giá trị thương hiệu của bạn ” là lời khuyên tới từ vị tỷ phú đứng sau doanh nghiệp mỹ phẩm khổng lồ. Đối với những người hy vọng bắt đầu kinh doanh trong thế giới xa xỉ, ông khuyên nên "khởi động ở vị trí hàng đầu và cố gắng ở vị trí đó càng lâu càng tốt. “Nếu bạn bước vào trung tâm của thị trường,” ông viết, “sẽ luôn có người bán rẻ hơn bạn nhưng danh tiếng về thương hiệu của bạn là mãi mãi".
Tạo sự cạnh tranh cho riêng mình
“Thành công mời gọi sự cạnh tranh,” ông viết. “Nhưng thay vì chờ đợi xem các đối thủ của chúng ta có thể đạt được điều gì và sau đó phản hồi lại họ, chẳng phải tốt hơn là đi trước họ và tạo ra sự cạnh tranh của riêng bạn ư?” Với ý nghĩ đó, Lauder đã tạo ra Clinique, một công ty mỹ phẩm với các sản phẩm không gây dị ứng, vào năm 1968 để cạnh tranh trực tiếp với Esteé Lauder, công ty có dòng sản phẩm truyền thống hơn.
Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/cau-chuyen-ve-ty-phu-my-pham-leonard-lauder-24453.html