Tỷ phú nông dân trên cao nguyên Mộc Châu
Dám nghĩ, dám làm, anh Nguyễn Xuân Tuấn, tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn Nông trường Mộc Châu đã mạnh dạn khởi nghiệp bằng việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, được vinh danh là nông dân tiêu biểu huyện Mộc Châu năm 2022.
Gắn bó, làm giàu trên cao nguyên
Cởi mở, thân thiện là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp anh Nguyễn Xuân Tuấn. Dẫn chúng tôi đi thăm vườn, anh Tuấn kể cơ duyên gắn bó với cao nguyên Mộc Châu. Năm 2006, khi tròn 20 tuổi, chàng trai Nguyễn Xuân Tuấn rời quê ở xã Mê Linh, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội lên Mộc Châu khởi nghiệp. Thời điểm đó, bố của anh Tuấn là ông Nguyễn Xuân Tá đang làm việc tại vườn ươm giống cây ôn đới, thuộc Viện Bảo vệ thực vật Trung ương đặt tại thị trấn Nông trường Mộc Châu. Anh Tuấn bảo: Chính bố tôi là người đã khơi dậy trong tôi đam mê làm nông nghiệp và gắn bó với cao nguyên Mộc Châu đến ngày hôm nay.
Rồi anh Tuấn kể: Năm 2001, bố tôi là người đầu tiên nghiên cứu và ghép thành công giống hồng giòn Fuyu của Nhật Bản với giống hồng bản địa. Sau khi trồng 2 năm cây hồng giòn ghép bắt đầu ra quả, năm thứ 3 có cây ra 40 quả, trọng lượng khoảng 200g/quả. Chất lượng quả ngọt dịu, thơm mát, bán được giá cao. Năm 2006, khi đã chọn được những cây giống đầu dòng tốt nhất, hai bố con tôi đã nhân giống và trồng 1 ha trang trại của gia đình ở tiểu khu Cờ Đỏ, thị trấn Nông trường Mộc Châu. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, đất không phụ công người, sau 3 năm, hồng giòn bắt đầu cho thu hoạch. Hiện nay, 1 ha trồng hồng giòn của gia đình anh thu 25 tấn quả/năm, giá bán bình quân 30 nghìn đồng/kg, thu hơn 700 triệu đồng.
Năm 2007, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã công nhận giống hồng Mộc Châu của gia đình ông Nguyễn Xuân Tá, lấy tên là giống MC1 và cho phép sản xuất thử ở nhiều địa bàn có điều kiện tương tự như Mộc Châu. Hiện nay, vườn hồng giòn của gia đình ông có 400 cây, trong đó, có 21 cây được công nhận là cây giống đầu dòng; là nơi lưu giữ các nguồn gen hồng giòn nhập ngoại đã được lai tạo, cung cấp mắt ghép chất lượng cao để sản xuất cây giống đủ tiêu chuẩn. Từ nguồn giống hồng giòn đầu dòng, gia đình ông đã cung cấp giống cho hàng nghìn hộ nông dân trong và ngoài huyện. Đến nay, trên địa bàn huyện Mộc Châu có hơn 100 ha hồng giòn mang lại thu nhập cao cho người nông dân.
Cùng với trồng hồng giòn, năm 2006, anh Tuấn bàn với gia đình trồng thêm cây đào cảnh để phục nhu cầu của người dân vào dịp Tết. Anh Tuấn chia sẻ: Mười năm trở lại đây, nhu cầu chơi những gốc đào lâu năm tăng mạnh, tôi đầu tư trồng 1.000 cây đào thất thốn hay còn gọi là đào tiến vua. Đây là giống đào cổ của làng đào Nhật Tân, Hà Nội, được người chơi đào săn tìm vào dịp tết hằng năm.
Cẩn thận cắt tỉa từng gốc đào thân xù xì hơn chục năm tuổi, anh Tuấn nói: Sau khi mang về trồng phải chăm sóc cẩn thận, đào phải được trồng trên đất ải, đất mới, trải qua quá trình tỉa rễ, ghép mắt và những công đoạn chăm sóc tỉ mỉ kéo dài nhiều tháng mới có thể biết được cây đào có thể sinh trưởng được hay không. Sau đó phải thường xuyên cắt tỉa, tạo dáng thế cho cây và xử lý ra hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán.
Từ năm 2010 đến nay, vào mỗi dịp tết anh Tuấn lại chở đào về Hà Nội để cho thuê, sau rằm tháng giêng lại chở về Mộc Châu để chăm sóc. Hiện nay, gia đình anh Tuấn có 1.500 gốc đào, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, gia đình cho thuê 200 cây, với giá từ 5-30 triệu đồng tùy từng cây, thu về hơn 1 tỷ đồng.
Không ngừng nỗ lực để thành công
Với bản tính cần cù, sáng tạo, năm 2015, khi mua sản phẩm đông trùng hạ thảo về dùng, thấy giá rất đắt, lại không chắc chắn về nguồn gốc, xuất xứ, anh Tuấn lại trăn trở tìm hiểu nghiên cứu sản xuất sản phẩm này.
Ban đầu, anh Tuấn tự mày mò nghiên cứu quy trình làm sản phẩm đông trùng hạ thảo. Rất may, trong quá trình thực hiện, đã nhận được sự giúp đỡ của các nhà khoa học trước đây đã giúp gia đình anh ghép thành công giống hồng giòn MC1. Đặc biệt là Giáo sư, Viện sĩ, Tiến sĩ khoa học, Bác sĩ, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Hóa Sinh ứng dụng, Viện Khoa học Việt Nam và Chủ tịch Hội Hóa Sinh Y học Việt Nam, chuyên gia hàng đầu nghiên cứu đông trùng hạ thảo của Việt Nam, đã hướng dẫn anh quy trình sản xuất.
Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu, nắm chắc quy trình, anh mua giống của Viện Bảo vệ thực vật Trung ương về nuôi cấy tại quê nhà Mê Linh để tiện tham vấn các nhà khoa học. Sau nhiều lần thất bại, cuối năm 2016, lứa đông trùng hạ thảo đầu tiên của anh Tuấn đã thành công và bán ra thị trường với hai dòng sản phẩm là đông trùng hạ thảo sấy khô và đông trùng hạ thảo ngâm mật ong. Anh Tuấn chia sẻ: Quy trình sản xuất 1 lứa đông trùng hạ thảo mất 3 tháng. Việc nuôi trồng đông trùng hạ thảo đòi hỏi phải kiểm soát nghiêm ngặt về nhiệt độ, độ ẩm và đặc biệt là môi trường không khí, giá thể nuôi phải rất sạch.
Đầu năm 2019, anh Tuấn chuyển xưởng sản xuất về Mộc Châu, vì nơi đây thời tiết, khí hậu trong lành, mát mẻ, phù hợp hơn để đông trùng hạ thảo phát triển. Anh đã đầu tư gần 1 tỷ đồng, xây dựng hệ thống nhà xưởng 500 m², gồm các phòng nuôi, phòng chờ cấy và ngủ đông, phòng phân lập và cấy giống có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại để đông trùng hạ thảo sinh trưởng. Dù chưa học qua trường lớp đào tạo về nông nghiệp, nhưng với sự mày mò, sáng tạo, anh Tuấn đã nghiên cứu tự tạo giống đông trùng hạ thảo để sản xuất và bán ra thị trường.
Năm 2019, anh Tuấn đăng ký thành lập HTX đông trùng hạ thảo Mộc Châu. Qua kiểm nghiệm, sản phẩm đông trùng hạ thảo của HTX có hàm lượng dinh dưỡng và nhiều hoạt chất tương đương với đông trùng hạ thảo tự nhiên. Năm 2020, hai sản phẩm đông trùng hạ thảo sấy khô và đông trùng hạ thảo ngâm mật ong của HTX đã đạt chứng nhận OCOP tiêu chuẩn 3 sao, giúp nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho HTX.
Anh Tuấn chia sẻ: Thông qua chương trình OCOP, các sản phẩm của HTX được chứng minh về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, được quảng bá rộng rãi, tạo lợi thế để sản phẩm nâng cao giá trị và cạnh tranh trên thị trường. Hiện nay, sản phẩm của HTX được bán tại các cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh. Chúng tôi còn quảng bá bán trên trang mạng xã hội, nhiều người biết đến và trở thành khách quen của HTX.
Bình quân hằng năm, HTX nuôi cấy 20.000 hộp tươi, sau đó sấy khô bằng phương pháp thăng hoa (đây là phương pháp hiện đại dùng nhiệt độ lạnh để sấy khô vẫn giữ nguyên màu sắc, hàm lượng dinh dưỡng và các hoạt chất quý), cung cấp ra thị trường khoảng 25kg đông trùng hạ thảo khô, giá bán 50 triệu đồng/kg; khoảng 4.000 hộp đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, giá 250 nghìn đồng/hộp; cùng 5.000 hộp giống bán ra thị trường, mang lại doanh thu hơn 2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Tú, Chủ tịch Hội nông dân thị trấn Nông trường Mộc Châu, cho biết: Gia đình anh Tuấn là hộ nông dân tiêu biểu của huyện Mộc Châu, nhiều năm đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Nhờ sự chăm chỉ, sáng tạo, anh Tuấn làm giàu cho gia đình và tạo thêm cơ hội phát triển kinh tế cho bà con nông dân địa phương. Hiện nay, anh Tuấn đang tiếp tục nhân giống Sâm Ngọc Linh và làm 300 m2 nhà màng để trồng thử nghiệm.
Với tình yêu dành cho nông nghiệp, anh Nguyễn Xuân Tuấn vẫn đang tích cực nghiên cứu, sản xuất thêm những giống cây trồng mới có chất lượng, làm giàu cho gia đình và để bà con nghiên cứu, học tập, nhân rộng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp trên cao nguyên Mộc Châu.