'Tỷ phú nuôi lợn' từng tặng siêu xe cho nhân viên bỗng chốc trắng tay vì sai lầm nghiêm trọng
Tỷ phú này từng ăn nên làm ra nhưng vì bước đi sai lầm mà giờ đây phải còng lưng gánh nợ.
Lin Yinsun là cái tên huyền thoại trong lĩnh vực nông nghiệp và chăn nuôi ở Trung Quốc. Ông từng là biểu tượng cho sự thành công lẫy lừng, "biến nguy thành cơ", nắm bắt cơ hội làm giàu nhanh nhạy. Tuy nhiên, giờ đây, ông Lin Yinsun đang phải còng lưng gánh khoản nợ khổng lồ vì những sai lầm khó có thể cứu vãn.
Đi lên từ khốn khó
Tỷ phú Lin Yinsun sinh năm 1964 trong một ngôi làng miền núi hẻo lánh, nghèo nàn ở tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Mặc dù gia cảnh nghèo khó nhưng Lin Yinsun quyết tâm học hành chăm chỉ để thi đỗ đại học, bước ra khỏi xóm núi nghèo nàn, thực hiện hoài bão lớn lao.
Năm 1985, một nhà máy thức ăn chăn nuôi ở Lâm Xuyên, Giang Tây lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính lớn và đang trên bờ vực phá sản. Khi đó công ty chỉ có khoảng 20 công nhân và sản lượng hàng năm đạt vỏn vẹn 6.000 tấn thức ăn. Ở tuổi đời còn rất trẻ, Lin Yinsun được tín nhiệm trở thành giám đốc nhà máy.
Sau khi Lin Yinsun tiếp nhận vị trí này, ông đã bắt đầu cải cách lại quy trình và công nghệ sản xuất của nhà máy, tạo ra sản phẩm chất lượng hơn. Để quảng bá hàng hóa của mình, ông Lin đã mang chúng đến tận nhà của người dân để họ trải nghiệm hoàn toàn miễn phí với lời cam kết, nếu có bất kỳ tổn thất nào ông sẽ đứng ra chịu trách nhiệm.
Với phương thức quảng bá độc đáo này, công ty của Lin Yinsun đã trả được hết nợ và thậm chí ngày càng lớn mạnh hơn. Vào tháng 5/1999, dựa trên nền tảng của công ty cũ ông đã thành lập Tập đoàn Jiangxi Zhengbang, trụ sở chính được đặt ở thành phố Nam Xương, tỉnh Giang Tây.
Mặc dù vậy, ông Lin chỉ thực sự trở thành người dẫn đầu trong ngành chăn nuôi lợn nhờ một sự kiện đáng nhớ. Vào năm 2018, dịch tả lợn châu Phi bùng phát khiến gần 1 triệu con lợn trong nước bị tiêu hủy, nhiều nơi rơi vào tình trạng phá sản. Giá lợn hơi cũng vì thế mà tăng phi mã. Trước thời điểm khó khăn này, ông Lin đã nhìn ra cơ hội. Vị doanh nhân nhanh chóng cho xây dựng trang trại nuôi lợn ở nhiều nơi, đồng thời nhập khẩu lợn giống chất lượng cao từ nước ngoài với giá cao để bù đắp sự thiếu hụt trên thị trường lợn trong nước.
Nhờ nhạy bén với thời cuộc, ông Lin đã thu về 6 tỷ NDT lợi nhuận hàng năm. Năm 2021, ông Lin mở rộng quy mô tập đoàn nhanh chóng, có 600 công ty con trên toàn quốc với hơn 60.000 nhân viên và 20 công ty tại 10 quốc gia khác nhau. Tập đoàn của ông Lin là doanh nghiệp chăn nuôi lớn đứng thứ 2 ở Trung Quốc. Ông Lin cũng vì thế mà trở thành người giàu nhất tỉnh Giang Tây. Ông còn được người dân đặt cho biệt danh là "Vua lợn Giang Tây".
Cú ngã ngựa không ai ngờ
Công việc làm ăn ngày càng phát đạt, ông Lin vì thế mà cũng thưởng rất xông xênh cho các nhân viên. Ông đã mạnh tay chi hàng hàng chục triệu USD để thưởng 9 chiếc BMW và 1 chiếc Porsche cho nhân viên có đóng góp nổi bật. Nhưng không lâu sau, nhiều thông tin xoay quanh việc ông Lin đang mắc khoản nợ khổng lồ 18,8 tỷ NDT tràn ngập trên khắp các trang báo mạng xứ Trung.
Vào năm 2020, ông Lin Yinsun truyền lại ghế chủ tịch cho con trai Lin Feng. Kể từ đây, tập đoàn lừng lẫy một thời đã tụt dốc không phanh. Nói về Lin Feng, anh được đánh giá là không có thành tựu gì nổi bật. Sau khi du học ở Anh trở về quê hương, Lin Feng liên tục gặp thất bại hết lần này đến lần khác trong lĩnh vực ngũ cốc, dầu mỏ cũng như dự án về siêu thị. Mặc dù vậy, Lin Feng vẫn là người thừa kế của "Vua lợn Giang Tây". Nhưng thay vì phát triển, Lin Feng đã khiến tâm huyết bao năm gây dựng của cha mình bị đổ xuống sông xuống biển.
Trước hết là do tập đoàn này đã phớt lờ quy luật phát triển kinh tế và gia tăng chi phí, phớt lờ ''chu kỳ lợn''. Giá lợn chịu tác động của nhiều yếu tố như thời vụ, chính sách, cung cầu… Nếu đi ngược lại với chu kỳ phát triển thì chắc chắn sẽ thua lỗ.
Trong khi đó, tập đoàn lại đổ quá nhiều vốn để mua lợn giống đúng vào thời điểm giá thịt lợn xuống thấp, từ 18 NDT/cân xuống còn khoảng 5 NDT/cân. Chủ tịch mới Lin Feng thay vì tìm cách đi theo con đường khác, người đàn ông này lại cho xây dựng "khách sạn nuôi lợn" trị giá 4 tỷ USD. Sau khi tòa nhà được hoàn thành cũng là lúc giá lợn toàn cầu giảm mạnh, đẩy tập đoàn vào bờ vực phá sản.
Điều đáng nói, trong số 5 công ty kinh doanh chăn nuôi lợn hàng đầu trong nước, chỉ có tập đoàn của ông Lin là đơn vị duy nhất thua lỗ. Trước tình hình tài chính kiệt quệ, lúc này Chủ tịch Lin Feng mới tìm cách xoay xở theo hướng khác. Tập đoàn này ra thông báo sẽ chuyển hướng sang ngành điện quang đồng thời cho thuê tài nguyên đất, các khu trang trại để có thêm chi phí bù đắp những khoản thua lỗ.
Có thể thấy rằng, ông Lin Yinsun từng là một nhà lãnh đạo nhạy bén nhưng theo thời gian ông đã đi theo lối mòn, nóng lòng muốn bành trướng thị trường nhưng không tìm hiểu kỹ xu thế. Bài học kinh doanh của ông Lin Yinsun là tấm gương để các doanh nghiệp nhìn vào rút kinh nghiệm.